Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

Khi chính quyền mua ý tưởng phát triển

Đầu tháng này, tại cuộc tiếp xúc với cử tri các huyện Mê Linh và Sóc Sơn, một thông tin thu hút được sự chú ý là chính quyền thành phố Hà Nội đã xin được khoản tài trợ 3 triệu USD, tương đương với khoảng 72 tỷ đồng, để mua toàn bộ ý tưởng về phát triển của một công ty tư vấn hàng đầu thế giới, rất am hiểu về Việt Nam.

Ở nước ta, việc thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài cũng đã được một số địa phương thực hiện, nhưng câu chuyện mua ý tưởng trên đây cho thấy sự khác biệt, rất có ý nghĩa nếu đặt trong bối cảnh dự án Luật Thủ đô đang được sửa đổi, và đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.

Sự tin tưởng dành cho một đơn vị chuyên môn ở tầm quốc tế nhằm kiến tạo sự phát triển đột phá cho Thủ đô cho thấy một nhãn quan mới trong tâm thức lãnh đạo, cởi mở và coi trọng chất lượng công việc.

Khi chính quyền mua ý tưởng phát triển - 1

Người dân Hà Nội đến vui chơi bên Hồ Gươm (Ảnh minh họa: Hữu Nghị)

Người dân cả nước nói chung, người dân Hà Nội nói riêng, hẳn đều kỳ vọng Luật thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo nền tảng thể chế vững chắc, cung cấp điều kiện cho những hành động chính sách quyết liệt, sáng tạo vượt qua những giới hạn nhận thức hiện tại nhằm tạo sự thay đổi tích cực cho Thủ đô trong những năm tới.

Lựa chọn công ty tư vấn quốc tế và sẵn sàng bỏ tiền ra để mua ý tưởng phát triển là một động thái thực sự cầu thị và chuyên nghiệp, cho thấy tầm tư duy hiện đại về quản trị phát triển của lãnh đạo Thủ đô. Một thông điệp tích cực mà những người quan tâm có thể hiểu là Hà Nội đang quyết tâm vươn mình để trở thành một đô thị hiện đại, một trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa không chỉ của Việt Nam, mà còn có thể vươn ra khỏi tầm khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, thông tin công khai đến nay cũng chưa rõ chính quyền thành phố sẽ làm việc với công ty tư vấn nào, cơ chế và biện pháp thẩm định các ý tưởng sẽ được thực hiện ra sao. Theo Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh thì thành phố đã triển khai lấy ý kiến, tham vấn các nhân sĩ, trí thức trong nước, tổ chức nhiều cuộc hội thảo và kết hợp ý tưởng của các chuyên gia quốc tế để xây dựng, hoàn thiện đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội cho giai đoạn 2021-2030. 

Việc mời chuyên gia quốc tế thiết kế ý tưởng, mời các chuyên gia, trí thức trong nước đóng góp ý kiến, phản biện các đề xuất ý tưởng là cách triển khai khoa học, hợp lý. Những ý tưởng ở tầm quốc tế có thể được chỉnh sửa để "Việt Nam hóa", tức là làm sâu đậm hơn bản sắc Việt Nam và bám sát thực tiễn đặc thù của Hà Nội, cả quá khứ và hiện tại, qua đó gia tăng khả năng thành công cho các chiến lược, kế hoạch, và chính sách phát triển.

Những ý tưởng đột phá thường rất phá cách, rất khác với nhận thức và tư duy hiện tại của nhiều thành viên trong xã hội. Bởi thế có những ý tưởng phát triển sau thời gian soạn thảo trong nội bộ một đơn vị nào đó, khi đưa ra thăm dò ý kiến thì nhận được những luồng ý kiến, quan điểm đa dạng, thậm chí tranh cãi gay gắt triền miên. Kết quả là những bản quy hoạch có thể không như mong đợi, bị "đẽo gọt" để tránh ý kiến trái chiều và khó tạo được sự thay đổi đột phá trên thực tế.

Đặt lòng tin vào các chuyên gia quốc tế, nhân sỹ và trí thức trong nước thể hiện một cách tiếp cận mới. Đó là sự tín nhiệm giành cho một nhóm thiểu số những người có trình độ nhất định, am hiểu chuyên môn, chứ không chỉ dựa vào các đơn vị chức năng của chính quyền cùng hình thức "lấy ý kiến", về bản chất là thăm dò dư luận xã hội, mà nhiều nơi vẫn thực hiện từ trước đến nay.

Trong lịch sử nhiều quốc gia trên thế giới, giao nhiệm vụ cho những nhóm thiểu số ưu tú để có được những ý tưởng và sản phẩm đột phá đã từng được thực hiện và đưa đến những sản phẩm có tầm nhìn hàng trăm năm. Nói cách khác, phát triển đột phá tất yếu cần đến vai trò của đội ngũ tinh anh.

Theo thông tin ban đầu, để có thể trở thành một Thủ đô kết nối toàn cầu, phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa và xã hội vào năm 2045, Hà Nội sẽ tìm kiếm các ý tưởng đột phá cho sáu nhóm vấn đề, bao gồm: văn hóa và di sản; đô thị xanh và bền vững; sức hút đầu tư; kinh tế số/xã hội số; hạ tầng giao thông vận tải hiện đại; và môi trường đáng sống.

Có thể thấy, sáu nhóm vấn đề nêu trên phát huy được cả những thế mạnh sẵn có của Hà Nội (như chiều sâu văn hóa và bề dày di sản, sức hút nguồn lực đầu tư), cũng như những thực trạng cấp bách, cần giải quyết (như thiếu không gian xanh, yếu kém về giao thông đô thị, và quản lý môi trường).

Đích đến cho những đột phá trong các lĩnh vực nêu trên là một thủ đô với bản sắc văn hóa riêng, hiện đại, thịnh vượng, tiện nghi, và đáng sống. Đó là nơi mà chất lượng cuộc sống của người dân được đặt lên hàng đầu, và là thước đo cho các chính sách phát triển. Nếu trong hơn hai thập kỷ tới, Hà Nội tạo ra được sự phát triển mang tính bao trùm cho các nhóm, tầng lớp, giai cấp xã hội khác nhau; phân bố sự phát triển đồng đều giữa các địa bàn thì đó sẽ là một tương lai đáng mơ ước.

Tuy nhiên, một điểm có thể gây thắc mắc là tại sao quản trị đô thị hiện đại lại không được xác định là một nhóm vấn đề cần sự đột phá, sáng tạo? Quản trị tức là cách thức chúng ta giải quyết các vấn đề tập thể, chèo lái và dẫn dắt cả cộng đồng đi đến thịnh vượng và hạnh phúc.

Lịch sử các quốc gia phát triển đều cho thấy mỗi bước chuyển mang tính quyết định đều gắn với những thay đổi theo hướng tiến bộ hơn về cấu trúc quản trị. Bởi một lẽ đơn giản, những vấn đề mới xuất hiện trong bối cảnh mới thì tất yếu cần cách thức tiếp cận và biện pháp giải quyết mới.

Một nền quản trị hiện đại thì không chỉ được thể hiện qua các chiều cạnh vật chất, hay những biến đổi có thể dễ dàng quan sát được mà sẽ có xu hướng coi trọng ý chí, lợi ích, và nguyện vọng chính đáng của các nhóm xã hội khác nhau; giải quyết các vấn đề tập thể dựa trên tinh thần hợp tác và nguyên tắc đồng thuận, qua đó giảm thiểu các nguy cơ căng thẳng, mâu thuẫn, thậm chí xung đột xã hội.

Nhờ đó, mỗi cá nhân có được cuộc sống hạnh phúc trong khi cộng đồng duy trì được sự bền vững xã hội.

Xét đến những yêu cầu cơ bản như vậy, đột phá trong mô hình cấu trúc quản trị là một nhu cầu tất yếu, sẽ là điều kiện then chốt để thủ đô có thể hiện thực hóa các mục tiêu phát triển vào năm 2045. Cũng vì thế, bên cạnh sáu nhóm vấn đề cần đột phá nêu trên, lãnh đạo Hà Nội nên xem xét bổ sung thêm nhu cầu đột phá trong tiến trình hiện đại hóa nền quản trị địa phương.

Với vị thế thủ đô, sự thành công của Hà Nội sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, sức lan tỏa rộng rãi và có thể trở thành một mẫu hình trên nhiều phương diện mà các địa phương khác có thể tham khảo, học tập.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!