Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo: Thừa giấy vẽ voi?
Tại hội thảo tham vấn chuyên đề xây dựng Luật Nhà giáo tổ chức tại TPHCM hôm 19/1, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra đề xuất về giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Đây dự kiến là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp cho người đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo.
Giấy này thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự, và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.
Mặc dù mới chỉ là ý tưởng ban đầu, song đề xuất trên đã thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Tác động của đề xuất này nếu nó được thực hiện là không hề nhỏ, bởi Việt Nam hiện có hơn 1,5 triệu nhà giáo trên toàn quốc, vì vậy vấn đề cần được "mổ xẻ" từ nhiều phía và đánh giá kỹ lưỡng.
Cá nhân tôi với tư cách là một cựu nhà giáo, người từng học ngành Sư phạm và có nhiều năm là thầy giáo PTTH, thấy rằng đề xuất này chưa đủ sức thuyết phục.
Thứ nhất, chủ trương của chúng ta hiện nay là chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo; tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục,…
Tôi thấy việc cấp giấy chứng nhận này không liên quan gì đến phát triển đội ngũ nhà giáo, cũng không tạo thêm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ. Trong khi đó, để cấp giấy chứng nhận cho hơn 1,5 triệu người sẽ cần đến nguồn lực lớn để thực hiện, cho dù người được cấp không mất chi phí thì đó cũng là kinh phí từ ngân sách Nhà nước hoặc của xã hội. Chưa kể đến thời gian, công sức bỏ ra để làm việc này từ cấp giáo viên cho đến nhà trường và cả hệ thống giáo dục quốc dân. Liệu có cần thiết?
Thứ hai, đội ngũ giáo viên lâu nay đã chịu nhiều áp lực về thu nhập, về công tác chuyên môn và nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ… Xu hướng nên làm là cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết, không nên nghĩ thêm loại giấy tờ nào đó chưa có cơ sở vững chắc và chưa chứng minh được hiệu quả trong thực tế.
Tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng việc thêm một tờ giấy chứng nhận nghề nghiệp không làm thay đổi bản chất của quá trình đào tạo cũng như hoạt động giảng dạy của giáo viên. Bởi nếu muốn trở thành một nhà giáo chính thức thì bất cứ giáo viên nào cũng phải trải qua thời gian tập sự, và tham gia các khóa học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Lẽ thường thì khi cấp một tờ giấy chứng nhận cho ai đó, về một việc gì đó, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ắt hẳn phải căn cứ vào một số tiêu chí nhất định. Ở đây, theo vị đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thì "giấy chứng nhận này được cấp bởi các hội nghề nghiệp nhà giáo". Tuy nhiên ngoại trừ Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, hiện chưa có hội nghề nghiệp nào ở các bậc học từ mầm non đến THPT được thành lập. Do vậy trước mắt cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải thực hiện nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận này.
Nhưng cơ quan quản lý nhà nước ấy là cấp nào thì vẫn chưa rõ.
Giả sử sau này hệ thống hội nghề nghiệp nhà giáo từ bậc học mầm non đến THPT được thành lập thì thử hỏi, hội ấy sẽ căn cứ vào tiêu chí nào để công nhận một ai đó "đã đáp ứng được yêu cầu" mà cấp giấy chứng nhận?
Không lẽ, một sinh viên sư phạm trải qua 4 năm đại học, được đào tạo rất kỹ kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm, rồi kiến tập, thực tập, thi lấy bằng tốt nghiệp; sau khi được tiếp nhận, lại phải qua 18-24 tháng tập sự, hoàn thành chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, trải qua thực tế giảng dạy… lại không đủ độ tin cậy bằng tờ "giấy chứng nhận".
Thứ ba, cũng theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi có giấy chứng nhận, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác; việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương, thậm chí là từ nước này sang nước khác được triển khai thuận tiện hơn.
Tôi thấy lập luận trên vẫn chưa thuyết phục. Bởi trên thực tế, việc các trường có công nhận giáo viên của nhau hay không, có mời giảng viên thỉnh giảng hay không, chủ yếu là căn cứ vào trình độ chuyên môn, khả năng sư phạm, uy tín của người ấy chứ không phải là vì người ấy là "nhà giáo có giấy chứng nhận". Cho nên, "giấy chứng nhận nghề nghiệp" sẽ không có nhiều giá trị tác động đến quyết định có tiếp nhận hay không tiếp nhận của người đứng đầu một cơ sở giáo dục, nhất là với cơ sở giáo dục tư nhân.
Hơn nữa, không ai trở thành, hoặc được gọi là nhà giáo nếu không làm nghề dạy học. Năng lực chuyên môn thực sự của nhà giáo là cả một quá trình rèn luyện, sàng lọc, bồi đắp qua thực tế giảng dạy. Không thể vì có "giấy chứng nhận nghề nghiệp" mà một giáo viên được công nhận "đạt chuẩn" hôm nay, lại "đạt chuẩn" suốt đời.
Với những gì đã trải nghiệm trong những năm cầm phấn, tôi nghĩ rằng, "nhà giáo" không phải là một chức danh. Mà đó là một thứ danh dự của người làm nghề dạy học. Danh dự ấy có sống được trong lòng học sinh, phụ huynh; có được xã hội công nhận hay không phụ thuộc chính vào trình độ, tâm huyết, sự tận tụy, đức hy sinh của mỗi giáo viên.
Hãy dành tâm sức, trí tuệ để thiết kế một hệ thống chính sách đảm bảo cho các thầy giáo, cô giáo "sống được" với nghề dạy học. Hãy xây dựng một môi trường giáo dục đảm bảo đủ an toàn, đủ văn hóa, đủ tôn trọng trong các mối quan hệ với học sinh, phụ huynh, nhà trường và xã hội để các Thầy - Cô giáo được xã hội tôn vinh thực sự, chứ không phải bằng tờ giấy chứng nhận hay một thủ tục hành chính nào đó, vừa gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và nguy cơ đẻ ra việc xin cho không cần thiết.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!