Sứ mệnh của Nhà giáo
Ở bất cứ xã hội nào và giai đoạn nào thì mỗi cá nhân cũng cần phải học hỏi từ các thế hệ đi trước cũng như những người xung quanh. Những bài học kinh nghiệm từ người thân trong gia đình, những tri thức chuẩn tắc trong trường học, những thông tin và sự hiểu biết từ các mối quan hệ xã hội… giúp cá nhân phát triển bản thân, để có thể sống và làm việc như những con người hoàn thiện và hoàn chỉnh.
Bởi thế, được giáo dục hay học tập là một nhu cầu căn bản và thiết yếu, không thể thiếu của con người. Đó là quá trình mỗi cá nhân được chuẩn bị cho tương lai, thông qua tích lũy tri thức, mở rộng nhận thức, từng bước hoàn thiện các kỹ năng. Cũng nhờ quá trình giáo dục mà các nền văn hóa được bồi đắp qua thời gian, và được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên chất keo gắn kết các tập hợp người để trở thành cộng đồng xã hội bền vững.
Trong mỗi xã hội, nhu cầu học tập của con người được đáp ứng thông qua thiết chế giáo dục. Đó là một tập hợp ổn định các vị thế và vai trò, nguyên tắc, giá trị và chuẩn mực, các nhóm và tổ chức, được thiết lập để thực hiện quá trình chuyển hóa cá nhân từ một thực thể sinh học thành một thực thể xã hội. Nhờ đó, thiết chế giáo dục cũng giữ vai trò then chốt trong việc duy trì sự gắn kết xã hội, cũng như sự tiếp nối giữa các giai đoạn, trình độ phát triển xã hội khác nhau.
Nhà giáo (giáo viên, giảng viên) là những vị thế xã hội, tức là chỗ đứng của những cá nhân thực hiện hoạt động dạy học trong cộng đồng xã hội. Trong cuộc sống hàng ngày, những hoạt động mang tính giáo dục có thể diễn ra thông qua các tương tác xã hội đa dạng, cho nên bất cứ ai cũng có thể dạy học. Tuy nhiên, khái niệm "nhà giáo" thì chỉ bao gồm những người thực hiện hoạt động dạy học tại các cơ sở đào tạo được luật pháp công nhận.
Gắn với mỗi vị thế xã hội là những kỳ vọng vai trò, tức là những mong đợi về khuôn mẫu hành vi, quyền, trách nhiệm và bổn phận mà mỗi cá nhân ở vị thế nào đó phải thực hiện, đáp ứng. Theo đó, những kỳ vọng vai trò then chốt nhất gắn với vị thế "nhà giáo" bao gồm giảng dạy, giải đáp thắc mắc của người học, giao bài tập và hướng dẫn làm bài, chấm bài và đánh giá kết quả học tập.
Trong lịch sử nước ta, về nhận thức cá nhân, việc học và nhà giáo rất được coi trọng, thể hiện qua các câu nói cửa miệng như "nhất tự vi sư, bán tự vi sư" hay "muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy". Bởi lẽ, với một xã hội nông nghiệp mà đại đa số người dân mù chữ thì chỉ cần biết chữ cũng đã có nhiều cơ hội hơn người khác. Những người học giỏi thì có thể tham gia các kỳ thi để đỗ đạt và được làm quan.
Hoạt động giáo dục diễn ra trong các bối cảnh văn hóa - chính trị - xã hội cụ thể cho nên mỗi cộng đồng người có thể hình thành các triết lý, quan niệm khác nhau về vai trò, chức năng, và mục đích của giáo dục. Nhìn chung, giáo dục trong các xã hội phong kiến trở về trước chỉ phục vụ thiểu số, học tập thường gắn với thi cử để được làm quan cho chính quyền. Đó là mô hình giáo dục chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu nhân sự cho Nhà nước.
Từ khoảng thế kỷ 18 trở lại đây, khi nhân loại bước vào xã hội hiện đại, nền giáo dục đại chúng, phục vụ số đông người dân bắt đầu hình thành. Biến đổi xã hội cũng làm thay đổi chức năng và mục đích của giáo dục theo hướng đào tạo chuyên môn hóa, giúp cá nhân đủ khả năng thích ứng thành công trên thị trường lao động, vốn ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Ngày nay, trình độ giáo dục là một chiều cạnh tạo nên trình độ phát triển con người, một tiêu chí để đánh giá trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Do đó, mục đích của giáo dục không đơn giản chỉ là chuẩn bị tri thức cho cá nhân tham gia các kỳ thi. Sản phẩm của giáo dục cũng không thuần túy chỉ là những người lao động giỏi chuyên môn, hoàn thành xuất sắc công việc của mình.
Trong thế giới đương đại, quan điểm phát triển coi trọng chất lượng cuộc sống của con người. Đích đến của tiến trình phát triển là vì con người. Bởi thế, chức năng then chốt nhất và mục đích sâu xa nhất của thiết chế giáo dục hiện đại là phát triển con người trên phương diện tri thức và kỹ năng. Những con người được giáo dục đầy đủ sẽ không chỉ có thể tự làm chủ bản thân và cuộc sống của mình, mà còn có thể tự quyết định theo đuổi một lối sống giúp họ cảm thấy hạnh phúc, và có ích cho xã hội.
Sau khi giành được độc lập, ngay trong phiên họp đầu tiên của chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một chân lý: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Cũng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong "Thư gửi học sinh" nhân ngày khai trường đầu tiên, đã chỉ ra tầm quan trọng quyết định của việc học tập, rộng ra là giáo dục với sự phát triển của đất nước: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".
Quả vậy, những cộng đồng người với những thành viên thiếu hiểu biết thì mỗi cá nhân không chỉ "yếu", không tự lo được cho bản thân mình về cuộc sống, mà còn có thể bị biến thành công cụ cho người khác, hoặc trở thành gánh nặng cho xã hội. Vì thế, đích đến cao nhất của hoạt động giáo dục là giúp con người gia tăng sự hiểu biết, giúp cá nhân trưởng thành cả về nhận thức và tư duy.
Nói cách khác, chúng ta có thể khẳng định rằng sứ mệnh cao cả nhất của thiết chế giáo dục, trong đó có các nhà giáo, trong bối cảnh hiện nay là khai minh, khai sáng cho người học. Nhiệm vụ trước hết của nhà giáo là dạy người học biết đọc, biết viết, biết tính toán, từng bước tích lũy tri thức và hoàn thiện kỹ năng để có thể tự làm chủ bản thân mình, và đủ khả năng để tự chủ trong cuộc sống.
Vai trò khai sáng cũng đòi hỏi các nhà giáo phải giúp người học lĩnh hội và hiểu biết sâu sắc về các giá trị, niềm tin đúng đắn và tiến bộ, được đông đảo thành viên trong xã hội công nhận, chia sẻ, và đề cao. Nhờ đó, mỗi cá nhân biết được đâu là những giá trị đích thực của cuộc sống, để phấn đấu và theo đuổi. Mỗi cá nhân được khai sáng thì sẽ góp phần tạo nên một xã hội khai sáng, văn minh.
Có thể nói, sứ mệnh khai sáng cao cả nêu trên đem đến sự cao quý cho nghề giáo, nhà giáo, mà khó công việc nào khác sánh được. Tuy nhiên, tính chất của công việc dạy học trước hết yêu cầu sự khuôn mẫu, chuẩn mực chứ không đề cao sự sáng tạo, phá cách. Nhiệm vụ chính yếu của nhà giáo là chuyển giao giá trị chứ không đòi hỏi phải tạo ra giá trị mới. Cũng bởi thế, trên phạm vi toàn cầu, nghề giáo là công việc luôn được coi trọng nhưng lại không thể đem lại thu nhập cao cho các nhà giáo.
Nhận thức rõ mâu thuẫn giữa sứ mệnh cao cả của giáo dục, của nhà giáo với tính chất công việc và các lợi ích vật chất thu được từ hoạt động dạy học để chúng ta thêm hiểu về sự trong sáng, cao quý của nghề giáo, nhà giáo. Cũng từ đó, mỗi nhà giáo thêm gắn bó và trân trọng nghề nghiệp của mình, một khi đã lựa chọn.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!