Tâm điểm
Phạm Tâm Long

Đường sắt tốc độ cao: Phát triển công nghệ và định hình văn hóa

Là một người sống tại Nhật Bản và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm và tàu cao tốc hàng ngày, tôi không thể không ngạc nhiên trước sự ảnh hưởng sâu rộng mà các hệ thống này mang lại cho xã hội. Khi nhìn lại thói quen và tư duy của người Nhật sau nhiều thập kỷ gắn bó với mạng lưới đường sắt phát triển, có thể thấy rõ ràng rằng giao thông công cộng không chỉ là một phương tiện di chuyển, mà còn là nhân tố định hình văn hóa và lối sống.

Trước hết, sự chính xác và đúng giờ của các chuyến tàu đã trở thành một biểu tượng của xã hội Nhật Bản. Đối với trẻ em, việc đi học bằng tàu điện là một phần quen thuộc trong cuộc sống. Ngay từ nhỏ, trẻ em Nhật đã được rèn luyện tính kỷ luật và thói quen đúng giờ nhờ vào lịch trình chính xác của các chuyến tàu.

Tàu cao tốc Shinkansen có thời gian chậm trễ trung bình chỉ vài giây mỗi năm, một con số đáng kinh ngạc. Điều này không chỉ giúp trẻ em hình thành ý thức trách nhiệm với thời gian, mà còn khuyến khích chúng tự lập khi sử dụng giao thông công cộng. Những yếu tố này tác động đến từng cá nhân và góp phần tạo nên một xã hội vận hành hiệu quả.

Đường sắt tốc độ cao: Phát triển công nghệ và định hình văn hóa - 1

Sự chính xác và đúng giờ của các chuyến tàu cao tốc đã trở thành một biểu tượng của xã hội Nhật Bản (Ảnh minh họa: CV)

Sự phát triển của các hệ thống đường sắt không chỉ dừng lại ở yếu tố kỷ luật. Các cơ sở hạ tầng kèm theo dọc trục đường sắt, từ các trung tâm mua sắm, văn phòng, cho đến các khu dân cư, đã biến các nhà ga lớn trở thành trung tâm kinh tế và văn hóa của thành phố.

Những khu vực quanh các ga tàu điện Tokyo vừa là trung tâm giao thông, vừa là nơi hội tụ của các doanh nghiệp lớn, khách sạn, và khu thương mại. Lần đầu tới Tokyo, tôi thực sự bất ngờ và choáng ngợp khi từ ga trung tâm Shinjuku bước lên tàu trong 1 tiếng đồng hồ, khi đặt chân ra khỏi ga tàu, tôi vẫn cảm giác như đang ở trung tâm Tokyo. Nhờ hệ thống giao thông công cộng phát triển, Nhật Bản có thể đem sự phồn vinh và tiện lợi tới người dân trên quy mô lớn hơn, thay vì chỉ phát triển cục bộ tại một số khu cao điểm.

Những hệ thống như vậy không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn giúp giảm mật độ giao thông đường bộ, từ đó giảm phát thải khí nhà kính. Theo một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Giao thông Nhật Bản (RTRI), lượng phát thải CO2 của tàu cao tốc chỉ bằng một phần tám so với máy bay trên cùng một hành trình. Điều này minh chứng rằng việc phát triển giao thông đường sắt không chỉ mang tính kinh tế mà còn là một giải pháp quan trọng để hướng tới phát triển đô thị bền vững.

Đầu tiên, việc giảm thiểu khí thải nhà kính là một trong những lợi ích quan trọng nhất, đặc biệt khi các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với biến đổi khí hậu. Theo một báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các hệ thống tàu cao tốc tiêu thụ ít năng lượng hơn và có khả năng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giúp giảm áp lực lên môi trường.

Thứ hai, đường sắt cao tốc còn giúp giảm sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân và giao thông đường bộ, góp phần giảm tắc nghẽn giao thông, tai nạn và ô nhiễm không khí.

Ngoài ra, các dự án đường sắt cao tốc thường tạo ra những cơ hội để phát triển các khu vực đô thị mới với quy hoạch thông minh, tập trung vào việc xây dựng cộng đồng gần các trung tâm giao thông, từ đó giảm nhu cầu di chuyển xa và tiết kiệm năng lượng.

Câu chuyện về tàu cao tốc ở Nhật Bản không thể không nhắc đến những bài học về sự thích ứng với công nghệ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi xét đến bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Một trong những yếu tố quan trọng nhất mà Nhật Bản có thể chia sẻ là sự làm chủ công nghệ.

Nhật Bản không áp dụng công nghệ tàu cao tốc đơn thuần, mà tập trung nghiên cứu và phát triển các giải pháp nội địa để thích ứng với nhu cầu đặc thù của đất nước. Ví dụ, các hệ thống kiểm soát và bảo trì tàu của Nhật Bản đã được tối ưu hóa để đối phó với các thách thức như động đất và thời tiết khắc nghiệt. Điều này giúp đảm bảo tính ổn định và an toàn lâu dài cho hệ thống giao thông.

Nhìn ra thế giới, các quốc gia khác cũng có những bài học quý giá về lợi ích của đường sắt cao tốc. Ở châu Âu, hệ thống TGV của Pháp đã chứng minh rằng việc phát triển các hành lang giao thông tốc độ cao không chỉ tăng cường kết nối mà còn thúc đẩy các khu vực kém phát triển nhờ sự tiện lợi và hiệu quả. Tại Trung Quốc, mạng lưới tàu cao tốc lớn nhất thế giới đã làm thay đổi cách người dân di chuyển và thúc đẩy kinh tế nội địa, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa.

Tuy nhiên, cả hai trường hợp đều cho thấy rằng sự thành công không chỉ nằm ở việc xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn ở khả năng làm chủ công nghệ và ứng biến với các thay đổi nhanh chóng, bao gồm cả biến đổi khí hậu. Để hệ thống giao thông công cộng có thể duy trì tính bền vững lâu dài, việc hiểu và làm chủ công nghệ là điều không thể thiếu.

Tôi tin rằng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Việt Nam có tiềm năng mang lại những lợi ích tương tự như những ví dụ về sự tích cực tại Nhật Bản. Tuy nhiên, thành công của dự án không chỉ phụ thuộc vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn ở việc xây dựng văn hóa đúng giờ, tính kỷ luật, và khả năng tiếp cận công nghệ một cách chủ động.

Việt Nam cần học hỏi nhưng cũng cần tự phát triển các giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế. Việc nắm bắt và làm chủ công nghệ sẽ là chìa khóa giúp đất nước vượt qua những thách thức của biến đổi khí hậu, hướng tới một hệ thống giao thông bền vững, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và xã hội trong kỷ nguyên mới.

Tác giả: Phạm Tâm Long là tiến sĩ về Phát triển bền vững trong Quản trị Kinh doanh tại Đại học Osaka, Nhật Bản; hiện là giảng viên tại Trường quản trị Quốc tế - Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản. Lĩnh vực nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Tâm Long là các vấn đề về Quản trị bền vững trong doanh nghiệp và Quản lý các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!