Doanh nghiệp công nghệ khó vay vốn vì… không có bất động sản
Từ góc độ một doanh nhân, với tôi nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân là nghị quyết quan trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Việc Đảng chính thức ghi nhận kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia sẽ tạo nền tảng giải phóng tiềm năng đất nước, để Việt Nam vươn lên tầm châu lục và thế giới.
Nhưng, chúng ta đều biết rằng để điều đó trở thành hiện thực, không thể chỉ dừng ở định hướng mà cần một chuỗi hành động cụ thể, quyết liệt, có tầm nhìn - bắt đầu từ việc tháo gỡ những điểm nghẽn lớn nhất đang cản trở sức bật của khu vực tư nhân. Đảng, Nhà nước đã nhìn ra vấn đề này và đang khẩn trương thể chế hóa nghị quyết 68 bằng nhiều chính sách cụ thể, lần lượt được các cấp có thẩm quyền ban hành, đơn cử như nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân thông qua vào sáng 17/5.

TP Hà Nội nhìn từ trên cao (Ảnh minh họa: DT)
Với trải nghiệm trong khu vực kinh tế tư nhân nhiều năm qua, tôi xin đóng góp ý kiến về ba trụ cột cốt lõi cần được ưu tiên giải quyết.
Trước hết, cần khơi thông nguồn vốn, nhất là nguồn vốn mạo hiểm cho kinh tế tư nhân. Vốn là máu của doanh nghiệp, nhưng với doanh nghiệp khoa học công nghệ thì không chỉ cần vốn, mà cần vốn có tính mạo hiểm. Những gì mới, đột phá đều tiềm ẩn rủi ro. Do đó, Nhà nước cũng cần chấp nhận mạo hiểm, thể hiện qua cơ chế chấp nhận rủi ro tài chính trong hoạt động khoa học công nghệ.
Nước Mỹ đạt được vị thế hùng cường là nhờ khoa học công nghệ và doanh nghiệp tư nhân dựa trên khoa học công nghệ. Hệ sinh thái vốn mạo hiểm tốt nhất thế giới đã tạo nên những Apple, Google, Facebook, Nvidia…. Điều này chỉ Mỹ có.
Nguồn vốn này cần phát triển đồng bộ theo các giai đoạn doanh nghiệp: từ vốn thiên thần (nguồn vốn đầu tư cho các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn đầu), quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đến sàn chứng khoán, cả trong và ngoài nước. Muốn thu hút vốn ngoại, phải có hệ sinh thái vốn nội mạnh.
Hiện thị trường vốn của Việt Nam khá đa dạng, nhưng theo tôi còn phân bổ lệch và khai thác kém. Dòng tiền rất lớn đổ vào bất động sản, đây là một thị trường quan trọng của nền kinh tế, song tình trạng "thổi giá", "đầu cơ"… đã phần nào khiến thị trường méo mó, ảnh hưởng đến dòng vốn chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi nhiều ngân hàng sẵn sàng cho vay bất động sản lên đến 70% hay 100% nhu cầu vốn mua nhà, đất, căn hộ…, thì nhiều doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp khoa học công nghệ khó tiếp cận vốn.
Doanh nghiệp tôi có nhiều hợp đồng giá trị, đang đầu tư mạnh vào hạ tầng trạm sạc pin - một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái giao thông xanh. Đây là loại tài sản có giá trị sử dụng và đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển bền vững, nhưng lại rất khó được hệ thống ngân hàng hay các tổ chức tín dụng chấp nhận làm tài sản đảm bảo chỉ vì… không phải bất động sản.
Cơ chế tín dụng hiện nay vẫn đặt nặng tiêu chí "có thể cầm nắm, có thể thanh khoản ngay", khiến dòng vốn bị lệch hướng. Các tài sản phục vụ cho mô hình kinh tế xanh, công nghệ cao - dù đang mang lại giá trị thực tiễn và hiệu quả dài hạn - lại không được nhìn nhận đúng mức. Nếu chúng ta không sớm cải cách cách thức định giá tài sản và cơ chế bảo lãnh tín dụng, thì những doanh nghiệp đang đi đầu trong chuyển đổi xanh sẽ tiếp tục bị "mắc cạn" vì thiếu vốn. Trong khi đó, dòng tiền đáng kể vẫn tiếp tục chảy vào các lĩnh vực đầu cơ, tạo ra bong bóng tài sản và rủi ro hệ thống, thay vì thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa nhìn chung non trẻ và số lượng ít, huy động vốn khó do chính sách còn rườm rà, lạc hậu. Nếu vốn đầu tư mạo hiểm nội không phát triển thì vốn ngoại càng khó vào.
Tiếp theo là nguồn nhân lực, tôi quan sát thấy một bộ phận đáng kể nhân sự trên thị trường lao động hiện nay chỉ phù hợp với mức thu nhập trung bình, không có xu hướng phát triển. Đây là điều đáng báo động, vì con người là yếu tố quyết định thành bại.
Chúng ta không thiếu lao động, nhưng thiếu nhân sự tầm khu vực và quốc tế. Sự phát triển của nhiều nhân sự trên thị trường lao động Việt Nam đi ngang khá sớm, 30-35 tuổi đã chững lại, do thiếu nền tảng vững chắc. Đối với các nhân sự này, chi phí sử dụng tăng, giá trị không tăng.
Việt Nam đang già hóa nhanh. Đây là thời điểm "nếu không làm được thì sẽ không bao giờ". Nhiều nhân sự thường chỉ biết làm, chưa biết nghĩ, dẫn đến làm máy móc, thiếu sáng tạo, nhưng lại giỏi "mẹo" đối phó. Nhiều người lập trình giỏi nhưng thiếu người làm sản phẩm tốt.
Đó là chưa kể đến hệ giá trị của một bộ phận nhân sự lệch lạc: coi trọng thu nhập hơn cơ hội phát triển; ngắn hạn hơn dài hạn; tư lợi hơn lợi ích chung...
Chúng ta cần cải cách mạnh lĩnh vực đào tạo, dạy làm người trước, với những phẩm chất như: tử tế, bản sắc, bản lĩnh, trách nhiệm... Dạy tư duy độc lập, phản biện. Cá nhân hóa việc học: giúp học sinh hiểu chính mình, điểm mạnh/yếu.
Dạy phương pháp thay vì "dạng bài", dạy ít mà tinh để truyền cảm hứng tự học. Nhấn mạnh STEM (giáo dục nâng cao rèn luyện kỹ năng liên quan đến 4 yếu tố: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) nhưng không quên các môn khác. Con người cần nền tảng toàn diện để phát huy tiềm năng. Giỏi STEM có thể làm robot nhanh, nhưng giỏi văn, sử có thể làm robots thú vị, giá trị và an toàn hơn.
Việc đào tạo cần hướng đến tính quốc tế cao: tiến tới dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy, tiếp thu chương trình và sách giáo khoa quốc tế, trừ những môn đặc thù Việt Nam. Ổn định chương trình đào tạo và thi cử theo chuẩn quốc tế.
Sau cùng là hoàn thiện thể chế theo hướng Chính phủ kiến tạo và phục vụ doanh nghiệp, người dân. Cần cụ thể hóa các chủ trương lớn thành mục tiêu và chương trình hành động quốc gia. Ví dụ: chủ trương phát triển xanh, phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 - vậy bao giờ Hà Nội cấm xe xăng? Có chính sách gì đi kèm? Một mục tiêu cụ thể như thế có thể tạo động lực lớn cho xe điện.
Nếu dựa vào lễ ra mắt, sự kiện hoành tráng thì hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hẳn là hàng đầu thế giới. Nhưng hầu hết các sự kiện này không mang lại giá trị thực sự, ngược lại nó tạo cảm giác chúng ta đã "làm nhiều" và "đạt được nhiều". Đã đến lúc chúng ta cần xác định rõ ưu tiên phát triển trên cơ sở cân nhắc thế mạnh Việt Nam, dồn nguồn lực đủ dài, tránh dàn trải, chạy theo xu thế, hình thức. Đài Loan (Trung Quốc) dẫn đầu thế giới về công nghiệp bán dẫn vì họ chọn và kiên trì từ thập niên 1970. Singapore thành trung tâm tài chính quốc tế cũng vậy. Một khu đất đẹp để làm trung tâm tài chính không bao giờ là đủ.
Tôi cũng như nhiều doanh nhân khác rất kỳ vọng vào những đổi mới tích cực đang diễn ra. Trong thời gian ngắn, chúng ta đã tạo được khí thế và niềm tin lớn. Phía trước còn nhiều việc phải làm, nhiều thách thức cần vượt qua, nhưng tôi tin vào bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.
Tác giả: TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên là nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Selex Motors, công ty khởi nghiệp tiên phong trong lĩnh vực xe máy điện đã từng được Bộ trưởng Tài chính Mỹ tới thăm. Anh có bằng Tiến sĩ ngành kỹ thuật Cơ khí từ trường Đại học Michigan, Hoa Kỳ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!