Sắp xếp tổ dân phố và tư duy quản trị cộng đồng
Tôi chuyển đến nơi ở mới đã được hơn ba năm và một trong những việc đầu tiên tôi làm là liên hệ với người phụ trách tổ dân phố, khu dân cư để tìm hiểu về tình hình nơi cư trú cũng như thực hiện những thủ tục cần thiết. Ấn tượng chung là các bác trưởng khu, tổ trưởng tổ dân phố đều rất nhiệt tình, trách nhiệm. Sự hỗ trợ của các bác giúp chúng tôi nhanh chóng hòa nhập và thích ứng với nơi ở mới.
Sau một thời gian thì tôi thấy vai trò của trưởng khu, tổ trưởng chủ yếu là phổ biến thông tin, triệu tập các cuộc họp về vấn đề của cộng đồng, tổ chức sự kiện hoặc hoạt động tập thể, thu thập phản ánh của người dân, vận động đóng góp… Những việc cần thiết thì chúng tôi đều phải trực tiếp làm việc với chính quyền phường. Các trưởng khu, tổ trưởng chỉ có thể tư vấn, hướng dẫn người dân chứ không có thẩm quyền hành chính để trực tiếp xử lý các vấn đề đa dạng mà người dân gặp phải.
Theo hiểu biết của tôi, tình trạng nêu trên cũng là hiện tượng chung, phổ biến ở các địa bàn đô thị hiện nay. Thực tế này đang đặt ra những vấn đề cần xem xét, đổi mới liên quan đến quản trị đô thị hiện đại.
Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã thông qua chủ trương về sắp xếp lại các đơn vị dưới cơ sở. Theo đó, các tổ dân phố, tổ nhân dân sẽ được bố trí lại để giảm từ 27.400 tổ hiện tại xuống còn 5.200 khu phố, ấp, tức giảm khoảng 80%. Mô hình mới sẽ không còn tổ dân phố, mà hình thành các khu phố với khoảng 450 hộ (1.800 nhân khẩu), và ấp với khoảng có 350 hộ (1.400 nhân khẩu).
Ưu điểm dễ thấy nhất từ chủ trương sắp xếp lại các đơn vị dưới cơ sở là sẽ giúp TPHCM tinh gọn bộ máy tổ chức, giảm số lượng chức danh hưởng phụ cấp hàng tháng ở mỗi địa bàn, từ 13 xuống 3-5. Nhờ đó, tổng kinh phí liên quan hàng năm sẽ giảm từ 527 tỷ đồng xuống gần 483 tỷ đồng, tương đương 8%.
Tuy nhiên, thách thức sau khi sắp xếp lại cũng rất lớn bởi quy mô số hộ tại mỗi khu, phạm vi phụ trách rộng hơn trong khi số lượng người làm việc lại giảm mạnh. Nếu không có sự tính toán kỹ lưỡng về nhân sự, chức năng, nhiệm vụ, và vai trò của trưởng khu thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu tinh gọn bộ máy nhưng việc cải thiện hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các đơn vị dưới cơ sở sẽ vẫn là dấu hỏi.
Mô hình tổ dân phố ở khu vực đô thị hay thôn, ấp (trước đây là làng, xóm) ở địa bàn nông thôn đã tồn tại từ lâu ở nước ta. Về bản chất, đây là những cộng đồng dân cư tự quản, rất phù hợp với các địa bàn rộng, quy mô dân số nhỏ và cư trú rải rác, giao thông đi lại và giao tiếp với chính quyền còn khó khăn. Khi đó, các tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, ấp hoạt động như người đại diện của chính quyền, đảm nhiệm vai trò trực tiếp kết nối giữa chính quyền và người dân, phổ biến chủ trương, chính sách, nắm bắt tình hình địa bàn và lắng nghe nguyện vọng của người dân để chuyển tải tới chính quyền.
Tuy nhiên, mô hình nêu trên ngày càng bộc lộ những bất cập tại các địa bàn đô thị hiện đại như TPHCM. Bên cạnh mật độ dân số cao, cư trú tập trung, người dân thành phố nói chung có điều kiện sống và trình độ dân trí cao hàng đầu cả nước, có ý thức và khả năng chủ động tự giải quyết công việc với chính quyền, giao thông đi lại dễ dàng, có nhiều kênh giao tiếp với chính quyền các cấp ở địa phương. Chính bởi thế, nhu cầu của họ với các tổ trưởng dân phố sẽ ngày càng giảm. Việc duy trì đội ngũ tổ trưởng gắn với các địa bàn quy mô nhỏ sẽ ngày càng bộc lộ bất cập.
Sắp xếp lại các đơn vị dưới cơ sở từ 2 cấp thành còn 1 cấp là chủ trương đúng đắn của Thành ủy TPHCM. Tuy nhiên, để hướng đến mô hình quản trị đô thị hiện đại thì chúng ta cần cân nhắc thấu đáo các vấn đề sau.
Thứ nhất, cần khẳng định nhất quán và rõ ràng quan điểm: các đơn vị dưới cơ sở là các cộng đồng dân cư tự quản. Trên cơ sở đó, xác lập quan điểm và tư duy "quản trị cộng đồng" chứ không đơn giản là "quản lý cộng đồng" vốn nhấn mạnh vai trò của chính quyền, coi đơn vị dưới cơ sở như cánh tay nối dài của chính quyền như trước đây. Tư duy quản trị cộng đồng nhấn mạnh vai trò của cơ chế tự nguyện, hợp tác giữa nhiều chủ thể (chính quyền, người dân, đơn vị, tổ chức trên địa bàn…) để hướng đến linh hoạt đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, gia tăng mức độ hài lòng của người dân với hoạt động quản trị.
Thứ hai, cần xác định lại thật rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của các trưởng khu cho phù hợp với bối cảnh địa phương hiện tại. Định vị lại vị trí và vai trò của trưởng khu sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ giao việc tùy tiện, biến trưởng khu thành "cái túi" tiếp nhận và triển khai công việc của chính quyền cơ sở, dẫn đến sự quá tải vai trò của các trưởng khu.
Thứ ba, cần tính đến các nguồn lực đa dạng từ cộng đồng để bảo đảm lợi ích cho trưởng khu. Với tư duy quản trị cộng đồng, mọi nhu cầu và lợi ích chính đáng của các chủ thể cần phải được tôn trọng, bảo vệ, và đáp ứng. Cũng có nghĩa, trưởng khu cần ý thức rõ hơn vai trò và trách nhiệm trong tư cách người của cộng đồng. Đây chính là cơ sở chính đáng để cộng đồng có thể đề ra quy định đóng góp, tạo thêm nguồn lực để cùng với chính quyền bảo đảm được chế độ đãi ngộ cho các trưởng khu.
Cuối cùng, để bảo đảm chất lượng nhân sự cho các vị trí trưởng khu, chính quyền thành phố cũng cần giới hạn độ tuổi cho các ứng viên. Theo đó, những người có uy tín và dưới 65 tuổi có thể là phù hợp nhất với khối lượng và tính chất công việc, và những áp lực mà một trưởng khu có thể phải đối diện.
Mô hình tổ dân phố - tổ nhân dân phía dưới phường, xã, thị trấn được TPHCM duy trì từ năm 1985 đến nay. Nếu thành phố tinh giản các tổ chức này thành công, kinh nghiệm có thể được nhân rộng ra toàn quốc góp phần đổi mới mô hình quản trị ở cấp gần gũi với người dân nhất.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng là tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!