Tâm điểm
Bùi Mẫn

Để tiến tới miễn viện phí cho người dân

Cách đây khoảng 15 năm, vào thời điểm Vương quốc Anh (UK) còn là thành viên của Liên minh châu Âu, tôi vừa lái xe vừa nghe một cuộc tranh luận trực tiếp trên sóng radio về một chủ đề gây chia rẽ lớn: liệu hệ thống y tế quốc gia (NHS) có nên yêu cầu bệnh nhân xuất trình giấy tờ tùy thân trước khi được điều trị?

Tranh luận diễn ra trong bối cảnh công dân EU có thể dễ dàng đến Anh theo diện du lịch (được gọi là "health tourism"), hoặc lao động ngắn hạn và lạm dụng hệ thống chăm sóc y tế miễn phí ở đây (khám chữa bệnh miễn phí, ngoài các bệnh hiểm nghèo, đòi hỏi đặc trị, chi phí cao). Các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải, thời gian chờ khám và điều trị kéo dài, làm dấy lên làn sóng bất bình trong dân chúng. Trong một nỗ lực ngăn chặn tình trạng công dân EU đến UK để chữa bệnh miễn phí, chính phủ UK từng đề xuất yêu cầu bệnh nhân xuất trình giấy tờ tùy thân trước khi được khám và điều trị.

Để tiến tới miễn viện phí cho người dân - 1

Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, TPHCM (Ảnh minh họa: Nguyễn Đức Trịnh)

Một thính giả gọi điện vào chương trình radio, kiên quyết ủng hộ việc kiểm tra ID (giấy tờ tùy thân) và khả năng chi trả hay tình trạng nhập cư của bệnh nhân trước khi chữa bệnh. Bà đưa ra những lập luận: hệ thống y tế không đủ nguồn lực để bao cấp cho tất cả; cần công bằng với người dân trong nước, những người đã đóng thuế; công dân UK phải được ưu tiên; và việc lạm dụng hệ thống cần bị ngăn chặn.

Nhưng, khi người dẫn chương trình đặt ra một tình huống: "Nếu bệnh nhân là một phụ nữ đang chuyển dạ, cần được cấp cứu ngay tại cửa bệnh viện, và không có giấy tờ, bà sẽ xử lý thế nào?" thì người phụ nữ kể trên đã trở nên ấp úng.

Một bác sĩ khác tham gia chương trình radio đã thể hiện rõ lập trường: "Nhiệm vụ của tôi là chữa bệnh, không phải kiểm tra ID". 

Tôi hoàn toàn đồng tình với vị bác sĩ này. Đây cũng là lập trường của hầu hết các nhân viên y tế của UK. Về nguyên tắc và y đức, bác sĩ được trả lương để cứu người, không phải để thực hiện các thủ tục hành chính. Sinh mạng con người phải được đặt lên hàng đầu, bất kể quốc tịch, giấy tờ hay khả năng chi trả.

Bản thân tôi cũng đã trải nghiệm việc khám, chữa bệnh qua số điện thoại 111 ở Anh, khi mắc zona (giời leo) rất đau nhức mệt mỏi mà bản thân không rõ nguyên nhân. Sau cuộc gọi, tôi được đặt lịch khẩn gặp bác sĩ ngay tại phòng cấp cứu của 1 bệnh viện đa khoa gần nhà, nhận đơn thuốc và điều trị hiệu quả.

Gần đây ở Việt Nam, sự việc nghi "nộp đủ tiền mới cấp cứu" liên quan đến một bệnh nhi 6 tuổi ở Nam Định đã gây bức xúc trong dư luận. Điều này hoàn toàn đi ngược lại truyền thống tương thân tương ái của Việt Nam, và đi ngược y đức. Trước mắt 3 bác sĩ và 2 điều dưỡng đã bị đình chỉ công tác để chờ làm rõ sự việc.

Theo tôi, quyền được chữa bệnh là một quyền cơ bản, và người nghèo không thể bị tước quyền đó chỉ vì túi tiền mỏng.

Thực tế cho thấy, y tế và giáo dục hiện là hai khoản chi tiêu lớn nhất của các hộ nghèo và cận nghèo ở Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê và các nghiên cứu độc lập, các hộ này có thể phải dành tới 30-40% tổng thu nhập hằng tháng cho hai nhu cầu cơ bản này. Riêng chi phí chăm sóc sức khỏe có thể chiếm khoảng 22% thu nhập của các hộ thu nhập thấp. Trong khi đó, người dân Việt Nam vẫn đang phải tự chi trả gần 40% tổng chi phí y tế, một tỷ lệ cao hơn nhiều so với ngưỡng khuyến nghị dưới 20% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chi phí cao khiến nhiều người ngần ngại điều trị. Viện phí trở thành gánh nặng thường trực cho hàng triệu người, nhất là những người thu nhập thấp, hoặc rơi vào tình cảnh khẩn cấp mà không thể chuẩn bị trước.

Trong bối cảnh đó, chỉ đạo mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tiến tới miễn viện phí toàn dân từ năm 2030 đến 2035 là một quyết sách mang tầm chiến lược và nhân văn sâu sắc. Theo lộ trình Bộ Y tế đề xuất, từ năm 2026, toàn dân sẽ được khám sức khỏe định kỳ miễn phí mỗi năm một lần; đến năm 2030, chi trả trực tiếp của người dân sẽ giảm xuống dưới 20%, tiến tới miễn hoàn toàn viện phí trong hệ thống công.

Đây là một bước ngoặt thể hiện rõ phương châm "lấy nhân dân làm trung tâm", đồng thời thể hiện cam kết cụ thể nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong tiếp cận dịch vụ thiết yếu.

Tôi cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn và là bước đi tất yếu trên con đường xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Dù thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện chỉ vừa vượt ngưỡng trung bình, khoảng 4.700 USD/năm, việc tiến tới miễn viện phí toàn dân nếu thực hiện được sẽ thể hiện tính ưu việt của xã hội Việt Nam.

Dĩ nhiên, thực hiện chủ trương này không dễ dàng. Nó đòi hỏi những nỗ lực lớn, sự cải tổ đồng bộ hệ thống y tế, đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể, từ tăng thu - giảm chi, tối ưu hóa hệ thống y tế công, cho đến xây dựng nền y tế hiệu quả, bền vững và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Trước hết, Việt Nam cần nỗ lực từng bước giảm dần tỷ lệ chi trả trực tiếp của người dân trong chi phí khám chữa bệnh, từ mức gần 40% hiện nay xuống 20% vào năm 2028, 10% vào năm 2032, về 0% năm 2030. Để làm điều đó, chúng ta cần giải pháp đồng bộ, trong đó theo tôi có một số trụ cột sau.

Thứ nhất, đẩy mạnh y tế dự phòng hay như mọi người hay nói là "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Đây là cách hiệu quả nhất để giảm gánh nặng chi phí y tế cho toàn dân. Cùng với các biện pháp từ phía ngành y tế và cơ quan chức năng, thì việc trang bị các kiến thức để người dân có lối sống vui, khỏe, lành mạnh là rất cần thiết.

Thứ hai, xây dựng hệ thống y tế hiện đại, hiệu quả, tiêu chuẩn, và rộng khắp từ tuyến xã đến trung ương để không còn khái niệm "vượt tuyến". Thái Lan đã xây hàng ngàn trạm Y tế cơ sở (clinics). Tại đây các bác sĩ gia đình giải quyết hơn 80% số ca bệnh. Tại Cuba mỗi bác sĩ gia đình phụ trách 120-150 hộ.

Tại Anh Quốc, với chính sách chăm sóc ban đầu làm nền tảng (Primary Care as the Foundation), các bác sĩ gia đình thuộc hệ thống NHS  làm "người gác cổng", xử lý  phần lớn các ca bệnh, chỉ phần nhỏ ca còn lại cần được chuyển lên bệnh viện.

Để làm được điều trên, Việt Nam cần hợp tác quốc tế,  tăng cường đào tạo y, bác sĩ cả về số lượng lẫn chất lượng. Với tỷ lệ bác sĩ chỉ hơn 10/10.000 dân, thấp hơn chuẩn WHO, Việt Nam cần xây dựng thêm nhiều trường/ngành đào tạo trong lĩnh vực y tế; lưu ý chú trọng chất lượng trong đào tạo. Đây là bài học của Cuba. Việc xuất khẩu bác sĩ và chuyên gia y tế của Cuba đã mang lại nguồn thu rất lớn cho Cuba năm 2024.

Thứ ba, đẩy mạnh chuyển đổi số ngành y tế (cố gắng sớm đạt 100%) để tăng hiệu quả, giảm chi phí, giảm thời gian chờ, giảm áp lực, và giảm thiểu tiêu cực. Chuyển đổi số cần được thực hiện từ hồ sơ sức khỏe điện tử, đơn thuốc, quản lý kho thuốc cho đến công tác quản trị của các bệnh viện và quản lý nhà nước.

Thứ tư, xây dựng nền kinh tế y tế. Trên nền tảng y tế hiện đại đó, Việt Nam cần tiến xa hơn: đào tạo nguồn nhân lực y tế đạt chuẩn quốc tế, hướng tới xuất khẩu bác sĩ, chuyên gia, dược phẩm…, và đặc biệt là phát triển du lịch y tế.

Thứ năm, tiếp tục cải cách mạnh mẽ chính sách bảo hiểm y tế và tăng chi tiêu công cho y tế. Đơn cử, chúng ta có thể nghiên cứu áp dụng thuế sức khỏe (đối với rượu bia, thuốc lá, đường…). Chi tiêu cho y tế còn có thể đến từ việc phân bổ hợp lý hơn trong đầu tư công, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Thứ sáu, trên cơ sở các giải pháp nêu trên, tiến tới áp dụng chính sách miễn phí tại điểm sử dụng. Nghĩa là người dân không phải trả tiền khi đi khám bệnh, điều trị tại bệnh viện, sinh con, hoặc cấp cứu. Dịch vụ được chi trả từ ngân sách nhà nước, không thu phí trực tiếp từ bệnh nhân. Người dân được cung cấp dịch vụ dựa trên nhu cầu y tế, không phải khả năng chi trả. Bất cứ ai cư trú hợp pháp tại Việt Nam đều được tiếp cận dịch vụ y tế công như nhau, không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, nghề nghiệp, hay hoàn cảnh. Đây là yếu tố đảm bảo tính nhân văn, công bằng và nhất quán của hệ thống.

Tôi tin rằng, với chính sách đúng, sự quyết tâm, sự đồng lòng của nhân dân sẽ là sức mạnh để vượt qua mọi thử thách; và sự đồng lòng của nhân dân cũng là sức mạnh để chúng ta có những thành tựu to lớn hơn, bền vững hơn.

Tác giả: TS Bùi Mẫn, Giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services tại Dubai, là chuyên gia cao cấp trong nghiên cứu đặc tính đất và thí nghiệm địa kỹ thuật tiên tiến, với trọng tâm về quản lý và kiểm soát chất lượng. Ông từng giảng dạy tại Đại học Bách khoa TPHCM và tham gia nhiều dự án hạ tầng lớn cùng các công ty tư vấn hàng đầu như Fugro, WS Atkins, và Amec Foster Wheeler.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!