Tranh luận về đề xuất miễn học phí cho sinh viên trường Y
Năm 2024, ngành y tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, đạt và vượt toàn bộ 3/3 chỉ tiêu được Quốc hội giao, bao gồm số bác sĩ trên 10.000 dân ước đạt 14 (chỉ tiêu Quốc hội giao là 13,5); số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 34 (chỉ tiêu là 32,5); và tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% (chỉ tiêu là 94,1%).
Cũng trong năm nay, ngành y tế đã trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi hai luật về khám chữa bệnh và dược, mở rộng quyền lợi cho người bệnh, giảm thủ tục giấy chuyển tuyến BHYT với bệnh hiểm nghèo, đơn giản hóa quy trình đấu thầu thuốc.v.v. Lãnh đạo Bộ Y tế đã có nhiều quyết sách đúng, hợp lòng dân.
Trên đây là những kết quả và nỗ lực lớn của toàn thể nhân viên y tế sau thời gian có những biến động mạnh với ngành. Là một bác sĩ, tôi vui mừng vì những điều kể trên. Tuy nhiên với đề xuất gần đây là giảm học phí cho sinh viên trường y, thì cũng như nhiều người khác, tôi không khỏi băn khoăn.
Theo Bộ Y tế, số lượng bác sĩ so với nhu cầu còn thiếu nhiều, tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân nước ta còn ở mức thấp, nên cần phải miễn học phí cho sinh viên y để động viên, giống như bên ngành Giáo dục miễn học phí cho sinh viên sư phạm.
Đúng là số lượng bác sĩ của Việt Nam còn thấp. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2019, thế giới có trung bình 17 bác sĩ trên 10.000 dân. Việt Nam năm nay mới phấn đấu có 14 bác sĩ trên 10.000 dân.
Nhìn chung do xã hội thiếu bác sĩ nên ngành y là một trong những ngành có sức hút nhất. Học sinh thi đỗ vào trường y là được đảm bảo về tương lai, công việc ổn định và có vị trí xã hội khá, có nhiều cơ hội làm thêm kiếm tiền. Vì thế trong một thời gian rất dài, học y là mơ ước của nhiều bạn trẻ và của rất nhiều ông bố, bà mẹ. Câu thành ngữ "Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa…" ra đời trong bối cảnh thời bao cấp là vì như vậy.
Đến thời kỳ Đổi mới, đất nước mở cửa, các trường đại học được tự chủ, thì đào tạo ngành y trở thành một mỏ vàng cho các trường khai thác. Đào tạo y khoa bùng nổ. Từ chỗ cả hai miền Bắc - Nam chỉ có khoảng 10 trường đại học y và vài chục trường trung cấp y tế, đến nay theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, gồm 66 trường đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 viện nghiên cứu (đào tạo tiến sĩ). Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện. Số bác sĩ tốt nghiệp năm ngoái trong toàn quốc là gần 11.300, dược sĩ gần 8.500, điều dưỡng khoảng 18.200.
Cùng với việc gia tăng số lượng đào tạo, chi phí học ngành y cũng thay đổi đến chóng mặt. Trước năm 1990, sinh viên học y cũng như các trường khác, không những không mất học phí mà còn được cấp tiền, cấp gạo để ăn học. Như khi tôi đỗ vào Đại học Y Hà Nội năm 1977 được cấp 17 đồng/tháng (bằng khoảng 1/3 lương trung bình khi đó) và sổ gạo 13kg gạo/tháng.
Sau khi nhà nước rút dần bao cấp với các trường đại học, những khoản phụ cấp trên mới bị cắt và sinh viên phải quen với việc đóng tiền để được học. Tiền học phí này tăng dần từng năm, tới nay lên đến mức "đắt đỏ" hàng đầu trong các ngành học. Hiện nay học phí của các trường uy tín đã lên tới 80 triệu đồng/năm học cho ngành y đa khoa và 50 triệu đồng cho các ngành khác. Với các trường y tư thục thì con số này lên tới vài trăm triệu đồng cho một năm học.
Tuy học phí cao như vậy nhưng không phải cứ đóng tiền là được học, mà tỷ lệ "chọi" ở các trường y vẫn rất cao. Những trường như Y Hà Nội, Y dược TPHCM điểm chuẩn để đỗ vào vẫn trong nhóm đứng đầu các trường đại học. Người dân vẫn sẵn sàng đầu tư cho con em mình học y, vì thực tế cho thấy đó là một khoản đầu tư chắc chắn.
Dựa trên cả lịch sử và thực tế hiện nay, tôi thấy việc miễn học phí cho sinh viên y là không thật cần thiết mà có thể còn gây ra những bất lợi.
Bất lợi trước hết là làm chậm tiến trình tự chủ đại học. Hiện nay bộ mặt các trường y khang trang, cơ sở đào tạo có nhiều trang thiết bị mới nhờ quá trình tự chủ kinh tế này. Chính phủ đã mất một thời gian khá dài để giảm bao cấp cho các trường, nay nếu hỗ trợ toàn bộ học phí cho sinh viên trường y nghĩa là quay lại như trước đây.
Thứ hai là miễn học phí cho sinh viên trường y sẽ gây bất bình đẳng cho các ngành khác. Vì sinh viên các trường khác vẫn phải đóng học phí mà đầu ra việc làm còn bấp bênh hơn sinh viên y nhiều lần. Ngành y tuy còn nhiều bất cập về lương bổng, nhưng thật ra nhu cầu còn rất thiếu, học y ra không lo thất nghiệp.
Nhìn nhận chung thì nhu cầu xã hội với học ngành y còn rất lớn, chúng ta không lo về nguồn đầu vào. Nếu muốn tăng nhanh số lượng đào tạo ngành y, việc căn cơ nhất là mở thêm cơ sở đào tạo. Chính phủ có thể hỗ trợ cho quá trình này như tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cấp phép, về đất đai, về vốn. Một số địa phương ngoài Hà Nội, Huế, TPHCM… nếu có điều kiện và đáp ứng được các yêu cầu đề ra thì có thể cho mở cơ sở đào tạo y khoa. Sinh viên học ngành y ở các địa phương đó không cần phải lên Hà Nội hay TPHCM, và việc học gần nhà sẽ giúp giảm chi phí sinh hoạt, giảm chi phí đào tạo.
Lực lượng giảng viên của các trường đại học y mới mở này tận dụng các bác sĩ của bệnh viện tỉnh, cùng với chuyên gia y tế đã nghỉ hưu. Trang thiết bị và môi trường bệnh viện tuyến tỉnh đủ để đáp ứng nhu cầu đào tạo bác sĩ đa khoa tuyến huyện, đáp ứng nhu cầu phổ cập. Còn đào tạo chuyên sâu dành cho các trường nhóm đầu có truyền thống lâu năm.
Khi có thêm cơ sở đào tạo thì theo quy luật cung cầu, chi phí học y sẽ tự động giảm xuống đến mức hợp lý mà phần lớn gia đình đều có thể lo được. Chính phủ nên hỗ trợ như có chính sách học bổng cho học sinh giỏi hoặc cho vay để đi học. Như vậy vừa tạo điều kiện cho nhiều người theo học, vừa không ảnh hưởng đến tính tự chủ đại học.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!