Tâm điểm
Bích Diệp

Đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm?

Việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm được đề cập trong quá trình xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Dù đây là đề xuất chưa chính thức, song ngay lập tức gây xôn xao dư luận, tạo ra không ít băn khoăn lo ngại với nhiều người dân bởi cho đến thời điểm hiện tại, tiết kiệm vẫn là kênh gần gũi nhất, phổ biến nhất khi họ có chút dư dả về tài chính.

Thông thường, tiền lương, tiền công của người lao động sau khi đã nộp thuế thu nhập cá nhân được trích ra để gửi tiết kiệm. Nếu lãi tiền gửi tiếp tục bị đánh thuế, người dân không tránh khỏi tâm lý "thuế đơn, thuế kép".

Người ta lo còn bởi, gửi tiết kiệm vốn dĩ là cách mà người lao động "giữ tiền" không bị mất giá vì lạm phát, trước khi mong đồng tiền đó có thể sinh lời. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 là 3,63% trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở các ngân hàng cũng chỉ loanh quanh mức 5%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Còn nếu gửi tiết kiệm trong vòng 3-6 tháng thì mức lãi suất chỉ khoảng 4%/năm.

Điều đó có nghĩa là, dù lạm phát năm qua được kiểm soát tốt nhưng mức lãi suất thực dương (lãi suất cao hơn tỷ lệ lạm phát) không đáng là bao. Những người đem tiền gửi ngân hàng thường không phải là người làm ăn kinh doanh, tiết kiệm đơn giản chỉ là một cách trú ẩn để giá trị tài sản không bị lạm phát bào mòn mà thôi. Dù sao vẫn còn hơn là giữ tiền mặt trong két sắt! (Ở đây chúng ta còn chưa đề cập đến sự trượt giá của tiền nội tệ với USD).

Thế nên, với phương án đánh thuế lãi tiền gửi e rằng nhiều người sẽ không mặn mà với kênh tiết kiệm nữa và sẽ cất giấu tài sản ở những kênh sinh lợi khác, như vàng, ngoại tệ hay bất động sản. Rõ ràng điều này đi ngược với ý chí của nhà điều hành.

Đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm? - 1

Nhiều người dân lựa chọn gửi tiết kiệm khi có "của ăn của để" (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Nhìn lại năm 2024 giữa bối cảnh giá vàng tăng phi mã, tăng trưởng huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng đã giảm tốc đáng kể so với năm 2023. Tính đến thời điểm 25/12/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,06% (cùng thời điểm năm trước tăng 11,19%), theo Tổng cục Thống kê.

Tiền không đưa vào lưu thông, không đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và chỉ nằm bất động trong tài sản "cất két" thì gọi là "tiền chết". Trường hợp tiền gửi của dân cư sụt giảm, thậm chí tiền rút ra khỏi hệ thống ngân hàng do đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm như lo ngại của một số chuyên gia, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Nói nôm na, ngân hàng - đơn vị trung gian dẫn vốn - nếu huy động tiền gửi kém đi thì vốn cung ứng cho nền kinh tế cũng giảm, đẩy lãi suất vay lên cao, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn hơn. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam cho đến nay vẫn chủ yếu vay vốn từ ngân hàng mà thôi.

Góp ý cho dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), UBND TP Cần Thơ đề xuất: chỉ nên miễn thuế thu nhập cá nhân với lãi của các khoản tiền gửi tiết kiệm có quy mô nhỏ, và đánh thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm các khoản tiền gửi lớn. Song, mức nào được coi là khoản tiết kiệm quy mô lớn và thế nào là nhỏ? Chẳng hạn 100-200 triệu đồng với người này là nhỏ nhưng với người khác lại phải tích góp chật vật mới có.

Hơn nữa, khi quy định đánh thuế với các mức tiền gửi cụ thể thì việc xé nhỏ các khoản gửi để tránh thuế cũng có thể xảy ra.

Trong cơ cấu vốn huy động của ngân hàng, phân nửa là của các tổ chức và doanh nghiệp, còn lại là của dân cư (cá nhân). Năm 2024, tổng vốn huy động của ngành ngân hàng khoảng 14,7 triệu tỷ đồng với đóng góp từ khu vực dân cư là hơn 7 triệu tỷ đồng. Nếu "mở rộng cơ sở thu" bằng cách đánh thuế lãi tiền gửi tất nhiên là Nhà nước sẽ thu được số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động chính sách một cách thận trọng, kỹ lưỡng và đầy đủ để tránh hệ lụy cho nền kinh tế như đã phân tích ở trên.

Việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm không phải là một ý tưởng mới. Đề xuất này từng được nêu ra hơn 10 năm trước nhưng bị phản đối vì không phù hợp.

Trong tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNCN (thay thế) của Bộ Tài chính gửi Chính phủ có dẫn kinh nghiệm của các nước như Thái Lan đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng, Trung Quốc áp thuế với thu nhập từ lãi suất, hay tại Hàn Quốc thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân cũng bao gồm tiền lãi.

Thế nhưng việc áp dụng thông lệ quốc tế còn phải căn cứ vào từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Ở những quốc gia này ngân hàng không phải là trụ cột cung ứng vốn cho nền kinh tế, đồng thời, thị trường trái phiếu, cổ phiếu đã phát triển, người dân đã có kinh nghiệm với hoạt động đầu tư.

Tóm lại, việc đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm ở thời điểm này có thể dẫn đến hai trường hợp sau với người gửi:

Một là, với những người coi tiết kiệm là một kênh đầu tư hưởng lãi, họ sẽ chuyển hướng sang tích trữ vàng, ngoại tệ hoặc mua bất động sản đầu cơ.

Hai là, với những người không có kinh nghiệm đầu tư, họ có thể bị lôi kéo vào những mô hình ponzi (đa cấp lừa đảo), các kênh đầu tư tiền ảo, ngoại hối…

Cả hai trường hợp trên đều không có lợi cho nền kinh tế. Do đó, thiết nghĩ rằng việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm vẫn chưa nên đặt ra trong bối cảnh hiện tại và cơ quan điều hành nên tính đến các sắc thuế để chống đầu cơ; chống thất thoát thuế với các đối tượng phải chịu thuế.

Trong diễn biến mới nhất, chiều 20/2 Bộ Tài chính cho hay, trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và người dân, cơ quan này đã đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm như quy định hiện hành (nghĩa là miễn thuế). Thiết nghĩ đây là động thái cần thiết và chắc chắn nhiều người dân sẽ đồng tình với quan điểm coi việc miễn thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi cũng là chính sách phúc lợi đối với các đối tượng không có khả năng lao động (người về hưu, người tàn tật...) có nguồn tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng để nhận lãi.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!