Tâm điểm
Vân Thiêng

Có nên đánh thuế thu nhập người mất việc?

Thế là sau bao nỗ lực chống chọi với những tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cũng phải làm cái việc cực chẳng đã là thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 2.300 công nhân, sau khi đã sa thải 2.700 công nhân trong năm 2020. Theo đó, người lao động được hỗ trợ 0,8 tháng lương cho mỗi năm làm việc, người nhận trợ cấp nhiều nhất là 379 triệu đồng, mức thấp nhất là 12 triệu đồng.

Tất cả người lao động đều bị trừ 10% thuế TNCN trên tổng số tiền được công ty trợ cấp. Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao dư luận, thu hút sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức, những người làm chính sách lao động - tiền lương.

Ngành thuế thì cho rằng việc trừ thuế TNCN trong trường hợp này là không sai. Người lao động khi mất việc, thôi việc đã được chi trả trợ cấp theo qui định của Luật Lao động, Luật BHXH. Nên khoản tiền trợ cấp ngoài qui định này vẫn được tính chung vào thu nhập. Mà khi thu nhập cao hơn mức chịu thuế thì họ phải nộp thuế TNCN. Cuối năm làm thủ tục khai quyết toán thuế, nếu số thuế đã nộp mà thừa thì nhà nước sẽ trả lại cho người lao động.

Điều đáng bàn, vì sao một việc làm được cho là không sai, mà lại gây ra nhiều băn khoăn đến mức xót xa như vậy trong dư luận?

Có nên đánh thuế thu nhập người mất việc? - 1

Công nhân PouYuen Việt Nam tan sở (Ảnh minh họa: Hải Long).

Ngành thuế TPHCM đánh thuế thu nhập đối với khoản trợ cấp mất việc mà công nhân Công ty Pou Yuen được hưởng. Bởi họ cho rằng, Luật thuế TNCN cũng đã dự liệu cả việc hoàn thuế cho người "tạm nộp" thuế, nếu đã nộp thừa, vào dịp quyết toán thuế cuối năm. Thực tế thì họ đã từng thực hiện việc hoàn thuế cho những công nhân bị Công ty PouYuen cho nghỉ việc từ năm 2020.

Đúng là ngành thuế đã nắm đằng chuôi!

Thiết nghĩ, tuy không sai nhưng phải chăng cách làm nêu trên đã quá máy móc, thậm chí là vô cảm khi nhìn tiền nào cũng là tiền, là "thu nhập" của người lao động.

Đại dịch Covid-19 là sự cố chưa có tiền lệ, đã đẩy nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn đốn, hàng vạn công nhân phải mất việc làm. PouYuen cũng như nhiều doanh nghiệp khác đã nỗ lực hết sức mà vẫn sụt giảm đơn hàng, buộc phải chấm dứt hợp đồng với người lao động. Một khoản trợ cấp lúc này chẳng những giúp công nhân có thể kéo dài cuộc mưu sinh, chờ cơ hội tìm lại việc làm mới, mà ý nghĩa hơn, có thể tác động tích cực đến an sinh xã hội.

Cần nhớ rằng, lúc triển khai gói hỗ trợ 63.000 tỉ đồng, mục tiêu cao nhất Chính phủ đặt ra là giúp đỡ những người chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh khi đất nước bị tác động nặng nề vì đại dịch Covid-19, trong đó, công nhân là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Vậy thì sao phải quyết thu thuế số tiền trợ cấp vốn chẳng nhiều nhặn gì này? Số thu đó có cần thiết với ngân sách thành phố không?

Chủ tịch UBND tp Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, tại cuộc họp về tình hình KT-XH thành phố ngày 3 tháng 3 mới đây, đã cho rằng: "…chúng ta đang chấp hành đúng quy định, nhưng số thu không được bao nhiêu, thì nên nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị không thu với khoản này nữa".

Chuyên gia tiền lương, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, vì kinh tế khó khăn, thiếu đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất, cực chẳng đã, doanh nghiệp mới sa thải công nhân, nên khoản trợ cấp cho người lao động mất việc không thể xem là khoản thu nhập đột biến để mà phải chịu thuế. 

Trên thực tế thì Luật Thuế TNCN 2012, tại Điều 1 khoản 2 điểm b… cũng đã loại trừ "trợ cấp đột xuất" và "trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội" ra khỏi "thu nhập chịu thuế".

Liệu khoản trợ cấp mất việc này của Công ty PouYuen có thể xem là "đột xuất" hay "bảo trợ xã hội"? Điều đó có lẽ thuộc thẩm quyền giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nếu chúng ta đặt mình vào vị trí của người lao động bị mất việc, phải đối mặt với những khó khăn cơm áo gạo tiền trong bối cảnh hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa mỗi tháng, số doanh nghiệp thành lập mới không bù đắp nổi số đóng cửa thì mới thấy khoản hỗ trợ này có ý nghĩa nhân văn như thế nào. Khoản tiền ấy không chỉ giúp công nhân vượt qua khó khăn, chờ kinh tế phục hồi, quay lại thị trường lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển, đóng góp năng suất lao động cho nền kinh tế.

Không chỉ Chủ tịch UBND TPHCM, mà một lời kiến nghị của Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền khác với UBTV Quốc hội để xem xét, giải thích luật cho rõ hơn, hoặc đề xuất miễn khoản thuế này cho những người lao động mất việc làm là rất cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của thực tế cuộc sống.

Cuối cùng, người viết bài này hiểu rõ rằng đã là luật thì phải được thi hành. Vì pháp luật là công cụ để quản lý nhà nước và xã hội. Nhưng pháp luật, cao nhất và trên hết vẫn phải là công cụ để bảo vệ con người. Đó mới là mục tiêu mà chúng ta hướng đến.

Tác giả: Nhà báo Nguyễn Vân Thiêng học Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Quy Nhơn, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!