Tâm điểm
Hữu Bình

"Cơn sốt" khi đội tuyển quốc gia về tỉnh

Việc đội tuyển Việt Nam chọn sân Việt Trì (Phú Thọ) để thi đấu 2 trận sân nhà tại vòng bảng ASEAN Cup (gặp Indonesia vào ngày 15/12 và gặp Myanmar vào ngày 21/12) thay vì sân vận động quốc gia (SVĐQG) Mỹ Đình khiến nhiều người thắc mắc. Lý do bởi trước đó, SVĐQG Mỹ Đình đã có hợp đồng tổ chức chương trình concert "Anh Trai Say Hi" vào các ngày 7 và 9/12, nên khó có thể đảm bảo điều kiện khác để phục vụ các trận đấu trên. Nhưng nếu xét kỹ thì đây cũng không phải điều quá bất thường.

Vì sao đội tuyển quốc gia không thể đá ở SVĐQG?

Theo khuyến cáo của LĐBĐ châu Á, trước các trận đấu quốc tế tại các giải chính thức, mặt sân cỏ phải được đảm bảo chất lượng và không phục vụ cho các sự kiện nào khác trước trận đấu 3 tuần. Ngay cả khi có thể "du di" điều này thì việc chỉ có khoảng 1 tuần để chỉnh trang lại sau 1 concert lớn như vậy (hàng vạn người đứng và ngồi ở dưới mặt sân) rõ ràng là không thể đảm bảo.

Ghi nhận ngay trước thời điểm tôi viết bài này, 3 ngày sau concert cuối cùng của "Anh Trai Say Hi" và chỉ 1 ngày trước trận gặp Indonesia (15/12), mặt sân cỏ tuy không bị hư hại nhiều như người ta lo ngại, nhưng vẫn để lại nhiều vệt hình vuông chi chít (do các tấm nhựa được phủ lên để bảo vệ mặt sân trong quá trình show diễn), việc vệ sinh mặt sân, tháo dỡ dàn giáo và vệ sinh trên các khán đài vẫn đang được thực hiện…

Rõ ràng, việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - do đã lường trước tình trạng này - quyết định chuyển 2 trận đấu vào các ngày 15 và 21/12 khỏi sân Mỹ Đình là rất kịp thời và hợp lý.

Còn nhớ hồi năm ngoái, sân Mỹ Đình cũng từng vấp phải làn sóng chỉ trích khi mặt cỏ bị hư hại khá nhiều sau khi tổ chức sự kiện của ban nhạc Black Pink (Hàn Quốc) và phải mất một thời gian mọi thứ mới trở lại bình thường.

Cơn sốt khi đội tuyển quốc gia về tỉnh - 1

Sân Việt Trì có sức chứa khoảng 20.000 chỗ ngồi (Ảnh: Mạnh Quân).

Nhiều người đã phê phán việc SVĐQG không thể sử dụng cho đội tuyển bóng đá quốc gia (dù trong nhất thời) bởi lý do phục vụ cho một sự kiện không phải thể thao là vô lý, bất thường. Thậm chí còn có người quy kết đấy là hành động "hám lợi" làm ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia… Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì việc các SVĐ, bao gồm cả SVĐQG được sử dụng cho các chương trình, sự kiện lớn không phải thể thao vốn dĩ là điều rất bình thường trên thế giới. Bởi kết cấu theo hình tròn và gần như khép kín, các SVĐ đặc biệt phù hợp với các chương trình nhạc hội lớn, nhờ sức chứa gấp hàng chục lần, thậm chí vài chục lần so với các nhà hát.

Hơn nữa, SVĐQG Mỹ Đình hoạt động theo cơ chế tự chủ (lại đang phải gánh một khoản nợ khổng lồ), gặp nhiều khó khăn, nên việc cố gắng tận thu bằng các hoạt động kinh doanh khi không phải thực hiện sự kiện chính trị, hoặc các sự kiện thể thao quốc gia cũng là điều bình thường. Vấn đề có thể còn nằm ở sự phối hợp giữa các bên, cụ thể là LĐBĐ Việt Nam và lãnh đạo Khu Liên hợp Thể thao quốc gia đã thật sự sát sao chưa? Có không những khúc mắc bên trong mà những người ngoài không hiểu rõ?

"Trong cái rủi, có cái may"

So sánh thì hơi khập khiễng, nhưng việc đội tuyển bóng đá Việt Nam - sau khi đã để mất đi niềm tin của người hâm mộ khá nhiều với những kết quả không như ý thời gian qua - thi đấu tại một sân ở tỉnh có khi cũng hay.

Chúng ta từng thấy sân Mỹ Đình vắng và thiếu không khí như thế nào khi đội tuyển Việt Nam - dưới sự dẫn dắt của HLV Kim Sang-sik đá 2 trận trong khuôn khổ giải quốc tế với tuyển Nga (một đội bóng đẳng cấp thế giới) và Thái Lan (kình địch nhiều năm qua của tuyển Việt Nam) vào tháng 9 vừa qua. Tôi có cảm giác số đông người hâm mộ đang muốn chờ đợi thêm, kiểu "để xem đội đá như thế nào dưới thời thầy Kim" rồi mới tới sân cổ vũ, hay "yêu lại từ đầu"!

Trong khi ấy, báo giới từng hào hứng mô tả cảnh tượng hàng vạn người chen chân vào sân Việt Trì (Phú Thọ) để xem trận giao hữu giữa đội tuyển quốc gia với đội U23 quốc gia hồi tháng 12/2020, hay việc dòng người xếp hàng vào sân Lạch Tray rồi phủ kín các khán đài một màu cờ đỏ khi đội tuyển Việt Nam - khi còn được dẫn dắt bởi HLV Troussier - đá giao hữu với Hồng Kông hồi năm ngoái… Tất cả đều cho thấy sự khao khát của khán giả hâm mộ ở các địa phương được tận mắt chứng kiến, cổ vũ cho các tuyển thủ bóng đá quốc gia.

Cơn sốt khi đội tuyển quốc gia về tỉnh - 2

Đội tuyển Việt Nam sẽ gặp đội tuyển Indonesia trên sân Việt Trì vào ngày 15/12 (Ảnh: Tuấn Bảo).

Nói cách khác, việc trận đấu của đội tuyển tổ chức ở một tỉnh khác ngoài Hà Nội, đồng nghĩa với khó khăn hơn cho những khán giả "trung thành" và người hâm mộ Thủ đô, nhưng lại tạo thêm điều kiện để đón tiếp khán giả, người hâm mộ bóng đá của địa phương được trao quyền tổ chức trận đấu.

Chúng ta từng chứng kiến sự cuồng nhiệt của khán giả yêu thể thao nói chung và môn bóng chuyền nói riêng khi giải quốc tế VTV Cup được tổ chức tại Phú Thọ hay Nam Định (thay vì tại Thủ đô Hà Nội). Các nhà thi đấu luôn được lấp đầy, sự cổ vũ luôn rất sôi động, bằng tất cả tình cảm nồng hậu dành cho các tuyển thủ quốc gia.

Cách đây ít ngày, tôi vừa có chuyến công tác tại TPHCM, và qua trao đổi với những người làm thể thao và đồng nghiệp báo chí phía Nam, mới thấy họ mong chờ đội tuyển quốc gia sẽ vào thi đấu tại sân Thống Nhất hoặc các sân bóng khác tại khu vực phía Nam như thế nào. Suy rộng hơn, đấy cũng là tâm tư, là mong muốn của hàng vạn người hâm mộ bóng đá nước nhà đang sinh sống và làm việc tại TPHCM và các tỉnh, thành Nam bộ. Trên một chừng mực nào đó, việc đội tuyển quốc gia thi đấu ở địa phương khác ngoài Thủ đô cũng là sự đóng góp thiết thực và nhiều ý nghĩa cho đời sống tinh thần của địa phương, một dịp quảng bá rất tốt cho tỉnh/thành ấy!

Mở rộng hơn nữa, việc các đội tuyển bóng đá quốc gia khác nhiều khi không thi đấu tại SVĐ quốc gia là điều rất bình thường. Gần nhất là Thái Lan tổ chức giải bóng đá quốc tế King's Cup, với 2 trận đội tuyển Thái Lan gặp Philippines và Syria tại tỉnh Songkhla (miền Nam, gần biên giới Malaysia). Đây là một trong 3 địa điểm sẽ tổ chức SEA Games 33 vào năm tới.

Trong khi ấy, cả 2 trận giao hữu trước thềm ASEAN Cup 2024 của "bầy voi chiến" đều tại tỉnh Pathum Thani. Hay đội tuyển Nhật Bản, trong năm nay đã thi đấu 3 trận sân nhà trong khuôn khổ Vòng loại cuối cùng của World Cup 2026 tại… 3 thành phố khác nhau gồm Tokyo, Hiroshima và Saitama (thay vì chỉ tại Thủ đô Tokyo). Tất nhiên, điều kiện tiên quyết là các SVĐ được lựa chọn thay thế cho SVĐQG đều phải đảm bảo yêu cầu, chất lượng, kèm theo đó là cơ sở vật chất như khách sạn, hệ thống giao thông thuận tiện.

Sân Việt Trì sở hữu mặt cỏ đẹp, được bảo quản rất tốt, các khán đài được chăm chút. Và theo thông tin mới nhất, thì trận Indonesia ngày 15/12 đã sớm hết vé. Hy vọng sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả sẽ giúp đội tuyển đá tốt để góp mặt ở vòng bán kết. Sau đó, liệu đội tuyển có trở về SVĐQG Mỹ Đình hay không (với tâm thế mới, kèm theo sự háo hức và trở lại của đông đảo khán giả) thì xin… hậu xét!

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình là Phó giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!