Tâm điểm
Hữu Bình

"Ngoại binh" ở đội tuyển bóng đá quốc gia

Đội tuyển bóng đá Việt Nam vừa kết thúc chuyến tập huấn tại Hàn Quốc và sẵn sàng bước vào các trận đấu tại giải bóng đá vô địch Đông Nam Á. Liệu người hâm mộ có thể trông đợi gì vào "những chiến binh sao vàng" trước giải đấu này?

Từ chuyện "ngoại binh" chơi cho đội tuyển…

Trước tiên, tôi muốn đề cập tới một gương mặt mới rất đặc biệt - tiền đạo Nguyễn Xuân Son, một "người nước ngoài 100%", vốn đến từ Brazil với tên gọi Rafaelson. Vâng, phải gọi là đặc biệt, vì việc triệu tập một cầu thủ "ngoại" như vậy vào đội tuyển bóng đá quốc gia từng tốn nhiều giấy mực của báo giới, cũng là đề tài tranh luận thú vị lâu nay.

Trong quá khứ, chúng ta từng có các "ngoại binh" (không tính các cầu thủ có một phần dòng máu Việt Nam) khoác áo đội tuyển, đấy là trường hợp của Phan Văn Santos (gốc Brazil), Đinh Hoàng La (tức Mykola, gốc Ukraina), Đình Hoàng Max (tức Maxwell, gốc Nigeria), tất cả đều có chuyên môn rất cao, thuộc nhóm dẫn đầu, nếu không nói là nhỉnh hơn các đồng đội người Việt cùng thời điểm. Tất cả trường hợp ấy đều trong giai đoạn đội tuyển được dẫn dắt bởi HLV Henrique Calisto, và ngoại binh cuối cùng lên tuyển cũng đã tròn 15 năm về trước.

Sau đó, dù bóng đá Việt Nam tiếp tục đón nhận các cầu thủ ngoại nhập quốc tịch, thi đấu cho các CLB tại V.League, trong đó cũng có những người bày tỏ khát vọng được cống hiến cho đội tuyển Việt Nam (các cựu "vua phá lưới" như Hoàng Vũ Samson, Đỗ Merlo… đều từng bảy tỏ nguyện vọng này), nhưng chưa có thêm tuyển thủ "gốc ngoại" nào được triệu tập vào đội tuyển. Đây đó chỉ có lời giải thích mơ hồ rằng "chủ trương còn chưa thống nhất".

Ngoại binh ở đội tuyển bóng đá quốc gia - 1

Nguyễn Xuân Sơn sẽ là sự tăng cường chất lượng cho đội tuyển Việt Nam (Ảnh: Lâm Anh)

Trên một chừng mực nào đó, điều này xem ra khá khác biệt không những so với bóng đá thế giới (phổ biến việc gọi các tuyển thủ nhập tịch) mà cả với một số đội tuyển quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á. Cách đây hơn 20 năm, Singapore là đội tuyển tiên phong tiến hành nhập tịch khá ồ ạt cầu thủ từ châu Âu để rồi mau chóng vượt mặt Thái Lan để 2 lần vô địch Đông Nam Á. Sau đó, tới lượt Philippines thực hiện chính sách này, nhưng không thành công bởi 2 lý do: Chất lượng cầu thủ "ngoại nhập" không cao hơn nhiều so với cầu thủ nội, và chưa tạo nên tập thể khi để xảy ra bất đồng trong đội tuyển giữa nhóm cầu thủ nội với cầu thủ nhập tịch hoặc "Phi kiều".

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, làng bóng đá khu vực chứng kiến một Indonesia gần như hoàn toàn "lột xác" với dàn ngoại binh và cả "Indo kiều" đến từ khắp các châu lục trên thế giới (đông đảo nhất là từ Hà Lan). Dưới sự dẫn dắt của HLV Shin Tae-yong, người ta đã thấy một đội Indonesia không chỉ "như Tây" về dáng vóc bề ngoài mà cả cách thức vận hành, chơi bóng hiện đại, tràn đầy tốc độ và sức mạnh. Bởi vậy, không có gì lạ khi đối đầu với đội tuyển Việt Nam (dưới thời HLV Troussier), Indonesia đã giành chiến thắng một cách thuyết phục. Sau đó, họ cũng chính là đại biểu duy nhất của Đông Nam Á tiến vào vòng loại cuối cùng của World Cup 2026, thắng cả Saudi Arabia để mở ra cơ hội (dù không nhiều) giành tấm vé lịch sử…

Chứng kiến hình ảnh đội tuyển Indonesia "khác xưa" như thế, cộng thêm việc cả Thái Lan, Philippines hay Campuchia đều đang dần có thêm "ngoại binh", nhiều người đã đề cập tới việc: Tại sao đội tuyển Việt Nam, bên cạnh việc tìm kiếm thêm nguồn lực Việt kiều, lại không thể triệu tập một vài cầu thủ nhập tịch, những người đã bày tỏ khát vọng được cống hiến cho Việt Nam - quê hương thứ 2 của họ. Chúng ta không chủ trương sử dụng "ngoại binh" cho đội tuyển một cách ồ ạt, nhưng việc dành một vài vị trí cho những trường hợp đặc biệt thì xét về nhiều khía cạnh là việc nên làm.

Rafaelson - Nguyễn Xuân Son là một trường hợp như vậy. Chân sút từng góp công vào ngôi vô địch lịch sử của CLB Thép Xanh Nam Định ở V.League 2023/2024 từ lâu đã bày tỏ sự khát khao được góp sức cho đội tuyển Việt Nam. Cuối cùng, nhờ sự hỗ trợ từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và theo thông báo từ Liên đoàn Bóng đá châu Á, vào ngày 21/12 tới đây, Xuân Son có thể đủ điều kiện chơi cho đội tuyển.

Không có gì để nghi ngờ sự góp mặt của Son sẽ giúp hàng công của ĐTVN mạnh hơn, nhưng điều quan trọng nhất chính là việc này cho thấy một sự thay đổi về chính sách ở đội tuyển bóng đá quốc gia, cũng đồng nghĩa có thể cơ hội sẽ tiếp tục mở ra với một số "ngoại binh" khác sau này.

Hy vọng về một luồng sinh khí mới

Gần như ngay lập tức, thông tin về tiền đạo Nguyễn Xuân Son của đội tuyển Việt Nam tại ASEAN Cup 2024 gây xôn xao giới truyền thông trong khu vực. Báo chí Indonesia tỏ ra quan tâm đặc biệt, thậm chí còn đánh giá Son sẽ là chân sút lợi hại hàng đầu tại giải đấu năm nay. Trong khi ấy, HLV Shin Tae-yong của đội tuyển xứ Vạn đảo cũng coi Việt Nam là một đối thủ đáng gờm bậc nhất.

Tuy nhiên, Xuân Son sẽ không thể thi đấu trong "trận cầu đinh" ở vòng bảng với Indonesia vào ngày 15/12 tới mà chỉ có thể khoác áo ĐTVN thi đấu từ trận thứ 4 - trận đấu cuối cùng tại vòng bảng, gặp Myanmar. Cuộc cạnh tranh 2 tấm vé vào bán kết trong bảng sẽ diễn ra rất gay cấn khi ngoài Việt Nam và Indonesia, cả Philippines và Myanmar cũng đều đặt mục tiêu đi tiếp. Như vậy, muốn vào bán kết - chưa nói tới mục tiêu tối thiểu ở giải này là vào chung kết - đội tuyển Việt Nam cần thi đấu tốt ngay từ trận đầu tiên - gặp Lào (trên sân khách) vào ngày 9/12 - trước khi tiếp tục dốc sức cạnh tranh với Indonesia (15/12, sân nhà), Philippines (18/12, sân khách), cuối cùng là gặp Myanmar (21/12, sân nhà).

Sự hài lòng của HLV Kim Sang-sik với đội tuyển sau chuyến tập huấn ở Hàn Quốc đã phát ra tín hiệu khá tích cực. Các cầu thủ trụ cột ở hàng tiền vệ như Nguyễn Quang Hải hay Nguyễn Hoàng Đức đang cho thấy sự phục hồi phong độ, bên cạnh đó là sự ổn định của Ngọc Hải, Duy Mạnh, Xuân Mạnh, Văn Thanh (hậu vệ), Tiến Linh, Văn Toàn (tiền đạo). Các cầu thủ này là "bộ khung" của đội tuyển tại giải, và sự bổ sung Xuân Son sẽ giúp gia tăng sức cạnh tranh giữa các vị trí trên hàng tấn công, đồng thời cũng giúp ban huấn luyện có thêm giải pháp.

Hy vọng, tất cả sẽ tạo thành một luồng sinh khí mới cho đội tuyển bóng đá quốc gia, qua đó giúp đội tuyển chơi tốt và lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ bóng đá nước nhà!

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình là Phó giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!