"Cỗ máy biết tuốt" ChatGPT và tương lai việc làm
Hãy thử tưởng tượng bạn đang trò chuyện với một người "biết tuốt". Làm thế nào để học giỏi tiếng Anh hơn? Quá dễ để trả lời. Thế nào là một món ăn ngon? Trả lời được luôn. Vì sao Chiến tranh thế giới lần thứ hai lại xảy ra? Cũng trả lời được sau đúng 5 giây suy nghĩ. Thế ý nghĩa của cuộc sống là gì? Đa số chúng ta có lẽ sẽ bó tay trước một câu hỏi trừu tượng và đầy tính triết lý như vậy nhưng phần mềm ChatGPT thì không.
ChatGPT không bao giờ đầu hàng trước câu hỏi khó, nó chỉ từ chối trả lời những câu hỏi kiểu như "làm thế nào để cướp ngân hàng?" hay "lương tháng của hàng xóm tôi là bao nhiêu?" Nhưng ChatGPT là gì mà lại có thể trả lời được mọi câu hỏi từ dễ đến khó như vậy?
ChatGPT là một loại chatbot sử dụng công nghệ gọi là xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để hiểu và soạn văn bản theo cách bắt chước các cuộc trò chuyện của con người. NLP là một nhánh của trí tuệ nhân tạo (AI) tập trung vào sự tương tác giữa máy tính và ngôn ngữ của con người. Nó cho phép chatbot hiểu ý nghĩa và ngữ cảnh của các từ và cụm từ được sử dụng trong cuộc trò chuyện và tạo ra các phản hồi phù hợp trong thời gian thực.
Tóm lại, ChatGPT là một hệ thống AI sử dụng quá trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên để tạo văn bản giống với cuộc trò chuyện của con người. Nó có thể được sử dụng trong các ứng dụng như dịch vụ khách hàng để cung cấp câu trả lời nhanh chóng và chính xác cho các câu hỏi thường gặp.
Đây không phải là câu trả lời của tôi mà là của ChatGPT viết về chính nó. Liệu bao nhiêu người trong chúng ta có thể trả lời một cách khúc chiết đến vậy sau chỉ vài giây suy nghĩ? Tôi e là rất ít.
Chỉ mới được phát hành vào cuối năm 2022, ChatGPT đã gây ra một cơn sốt cho hàng triệu người dùng khi có khả năng cung cấp các câu trả lời rõ ràng, mạch lạc, và công ty phát hành công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) này nhanh chóng được định giá tới 29 tỷ USD. Nhiều chuyên gia dự báo các AI như ChatGPT có tiềm năng mang lại những giá trị kinh tế mới lên tới hàng nghìn tỷ USD và được so sánh như sự bùng nổ của internet hay iPhone lần đầu ra mắt.
Vậy thì còn những thông tin quan trọng nào về ChatGPT mà chúng ta có thể bỏ sót ngoài đoạn viết của công cụ này về chính nó nêu trên?
Thứ nhất, ChatGPT vận hành trước tiên bằng cách đọc một khối lượng lượng dữ liệu khổng lồ trên mạng internet rồi tìm ra các quy luật và mối quan hệ giữa các từ và các câu rồi sau đó tiên đoán những từ tiếp theo ở trong một câu. Ví dụ, đằng sau từ "con", ChatGPT hiểu rằng sẽ chỉ có thể là những từ như "xe", "bò", "sông" chứ không thể là "nhà", "rau" hay "giày".
Thứ hai, ChatGPT đủ mạnh để khiến lãnh đạo của Google phát hoảng và phải nhanh chóng phát "báo động đỏ" ("Code Red") cho toàn công ty. Hơn ai hết, họ hiểu rằng ChatGPT hoàn toàn có tiềm năng phát triển thành một phần mềm có khả năng thay thế được công cụ tìm kiếm vốn là "cần câu cơm" và "bảo kiếm" của Google trong suốt nhiều năm qua.
Thứ ba, sức mạnh của ChatGPT nằm ở chỗ nó không những trả lời được gần như mọi câu hỏi chúng ta có thể nghĩ ra mà nó còn có thể tóm tắt văn bản, viết được tiểu luận, sáng tác văn thơ, viết lời bài hát, dịch xuôi ngược giữa nhiều ngôn ngữ, và lập trình phần mềm. Gần như bất kỳ điều gì liên quan tới ngôn ngữ là ChatGPT đều có thể làm được.
Cuối cùng, một trong những ưu điểm rất lớn của ChatGPT so với một số đối thủ cạnh tranh khác là nó hiểu được ngữ cảnh một cách chính xác và trả lời những câu hỏi hết sức phức tạp. Đây chính là điều tôi đã kiểm chứng được sau khi hỏi ChatGPT các câu hỏi có chung một nội dung cơ bản nhưng với mức độ chi tiết và phức tạp khác nhau.
Nếu bạn hỏi ChatGPT rằng "Làm thế nào để học giỏi tiếng Anh?", nó sẽ chỉ đưa ra 5 gạch đầu dòng với những gợi ý cơ bản để cải thiện khả năng dùng tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu câu hỏi mà tôi đặt ra là "Tôi xuất thân từ một gia đình có thu nhập thấp ở khu vực miền núi của một quốc gia Châu Á, nơi tôi không có nhiều cơ hội để thực hành tiếng Anh. Làm thế nào tôi có thể đạt đến trình độ thông thạo tiếng Anh của người bản ngữ?", câu trả lời của ChatGPT sẽ tốt hơn rất nhiều. Khi đó câu trả lời sẽ dài hơn đáng kể, chi tiết hơn đáng kể và quan trọng hơn cả là nó sẽ đưa ra lời khuyên dành cho đúng một bạn học sinh với hoàn cảnh nêu trên chứ không phải là cho một người bất kỳ nào.
Từ ChatGPT nói riêng và tốc độ phát triển của của AI nói chung, nhiều người đang đặt ra câu hỏi tương lai của nhân loại sẽ ra sao khi mà AI hoàn toàn có thể đuổi kịp hay vượt xa chúng ta trong nhiều lĩnh vực ở một thời điểm nào đó? Tôi tin đây là một câu hỏi rất quan trọng xứng đáng nhận được sự quan tâm nghiêm túc từ những người dân bình thường cho tới các nhà hoạch định chính sách ở cấp cao nhất.
Ở thời điểm này, AI vẫn còn những hạn chế tương đối rõ rệt. ChatGPT tuy đã là một trong những phần mềm AI ngôn ngữ tiên tiến nhất nhưng câu trả lời đôi khi vẫn còn ngây ngô và thiếu chính xác. Hơn nữa, các câu trả lời của ChatGPT thường có xu hướng tròn trịa, an toàn và dừng lại ở mức khá. Để nó có thể đưa ra những câu trả lời thật sự xuất sắc, người dùng phải biết đặt câu hỏi, đề bài xuất sắc. Hãy tưởng tượng ChatGPT giống như một quả cam vậy, không phải ai cũng biết vắt nó thật kiệt. Nhiệm vụ của chúng ta là học cách để trở thành những người biết vắt quả cam ChatGPT đến giọt cuối cùng để phục vụ lợi ích của mình.
Ngoài ra, hiện OpenAI chỉ cho phép đăng ký ChatGPT ở các nước châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á. Người dùng Việt Nam nếu muốn sử dụng ChatGPT sẽ phải mua tài khoản nước ngoài. Tuy nhiên với sự đầu tư mạnh mẽ hiện nay thì chắc chắn công cụ AI sẽ nhanh chóng "phủ sóng" toàn cầu.
Nhiều người khi nghe tới ChatGPT và biết sức mạnh của nó đều lo rằng những phần mềm AI như vậy sẽ khiến họ mất việc. Điều đó vừa đúng vừa sai. Xe máy có thể đã khiến những người phu xe kéo tay mất việc nhưng nếu trở thành những người lái xe ôm, họ sẽ có một công việc mới với tính chất tương tự nhưng nhẹ nhàng và thoải mái hơn nhiều lần.
Logic này cũng sẽ áp dụng với AI trong tương lai. Các phần mềm AI sẽ khiến một loạt các công việc bị "tuyệt chủng" nhưng nếu chúng ta học được cách thích nghi và biết cách sử dụng AI như một siêu trợ lý, một loạt công việc mới sẽ được tạo ra. Những công việc đó sẽ giải phóng chúng ta khỏi nhiều thứ công việc tay chân nhàm chán, mang tính lặp đi lặp lại để tập trung vào những thứ giúp ta phát huy trí tuệ của con người nhất. Nói cách khác, trong cơ có nguy và trong nguy luôn có cơ. Một tương lai có AI sát cánh bên con người sẽ không phải là phim khoa học viễn tưởng.
Tác giả: Ngô Di Lân nhận học bổng toàn phần và tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa học xã hội tại Đại học Maastricht, Hà Lan. Anh cũng là 1 trong 5 ứng viên xuất sắc nhất được Đại học Brandeis (Mỹ) cấp học bổng tiến sĩ toàn phần và hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học này.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!