Lý do bác sĩ sẽ không thất nghiệp vì ChatGPT
Trong bộ phim khoa học viễn tưởng "Hành trình đến hành tinh chết - Prometheus", có một cảnh kinh điển là nhân vật nữ chính Elizabeth Shaw trèo vào ca bin y tế thông minh, rồi khởi động chương trình và hoàn thành ca sinh mổ tự động cho chính mình.
Liệu trí tuệ nhân tạo (AI) có hiện thực hóa được ý tưởng này?
Với sự phát triển nhanh chóng của y học hiện đại, thì nhiều thứ khoa học viễn tưởng sẽ không còn viễn tưởng nữa; và nhiều người đang lo cho các bác sĩ Xquang như tôi sẽ bị sa thải.
Những lo lắng đó không phải là không có cơ sở, nhưng có lẽ mọi thứ không đơn giản như phim.
Mới đây, đồng nghiệp của tôi làm việc ở một bệnh viện lớn, cô bị ốm, nên chụp Xquang tim phổi kiểm tra. Bác sĩ Xquang đọc kết quả bình thường. Cô nhờ tôi đọc lại kết quả. Tôi thử đọc một cách bài bản như đã từng hướng dẫn các bác sĩ đến học chuyên khoa. Cách đọc ABCDE. Trong đó, A là đường thở (Airways), B là xương (Bones), C là trái tim (Circulation), D tức là bất thường (Disability), E là đủ mọi thứ khác (Everything).
Công việc dễ dàng nhất là B, tôi ngồi đếm 24 xương sườn, 2 xương đòn, 2 xương bả vai, 1 xương ức, 12 đốt sống ngực; tổng thời gian đếm và xem xét bình thường hay bất thường mất 2 phút. Cứ như vậy, qua đủ hết công đoạn ABCDE, tôi mất đúng 20 phút mới xong, phát hiện ra đám tổn thương viêm cấp tính tổ chức kẽ nhu mô, vùng viêm nằm ngoại vi phổi trái.
Tôi thử đưa hình ảnh cho máy tính, phần mềm đọc phim bằng trí tuệ nhân tạo AI, chưa đầy nháy mắt, AI cho ngay ra cái hình đám tổn thương ngoại vi phổi trái, rồi định hướng chẩn đoán viêm tổ chức kẽ cấp tính. Nhưng để chẩn đoán nguyên nhân là gì, thì AI chịu, lúc này phải trông chờ vào trí tuệ của tôi.
Cuối cùng, sau 22 phút đọc kết quả (gồm 20 phút đọc phim và 2 phút đối chiếu lâm sàng), tôi phát hiện viêm phổi do Covid-19. Như vậy, bước chẩn đoán cơ bản sẽ nặng về thủ công, tôi mất 20 phút nhưng máy tính chỉ tính bằng giây. Ngược lại, để chẩn đoán cao hơn là nguyên nhân gây viêm phổi, thì máy tính "bó tay", tôi chỉ thêm 2 phút và đó là 2 phút mà ở thời điểm hiện tại máy tính chưa thể làm thay con người.
Ở một bệnh viện lớn, mỗi ngày chụp phim Xquang tính đến con số vài nghìn, mỗi bác sĩ đọc từ 300 đến 500 phim, thời gian đọc trung bình mỗi phim khoảng 1-2 phút. Đọc phim Xquang là một quá trình có tính hệ thống. Việc tăng tốc 1-2 phút như vậy, bỏ sót tổn thương, đánh giá sai tổn thương là điều có thể xảy ra. Đó là tôi mới chỉ nói phim Xquang, còn những phương pháp hình ảnh khác như siêu âm mỗi ca set hàng trăm ảnh, CT tính hàng vài nghìn đến vài chục nghìn ảnh mỗi trường hợp, cộng hưởng từ và PET cũng vô cùng nhiều hình ảnh.
Rõ ràng, công đoạn 20 phút ban đầu, chỉ là việc đọc theo tuần tự, thì chúng ta có thể huấn luyện để AI thực hiện, nó chỉ làm trong nháy mắt và sẽ không bỏ sót. Vì thế mà, tôi vẫn nói với các đồng nghiệp trẻ rằng trước khi có AI, người bác sĩ chúng tôi phải hì hụi lao động thủ công 95% thời gian mà vẫn sai sót suốt ngày, còn lại 5% lao động trí óc. Sau khi có AI, thì chúng tôi sẽ ngược lại, chỉ còn 5% lao động thủ công là nhấp chuột ra lệnh, còn lại hoạt động trí óc 95% là suy nghĩ những kiến thức y thuật áp vào chẩn đoán và điều trị.
Trí tuệ nhân tạo AI nói chung hay ChatGPT nói riêng là những công cụ xử lí dữ liệu hay xử lí ngôn ngữ, nó không thể thay thế cho bác sĩ. Vì là công cụ, nên các phần mềm trên cơ sở AI cần đội ngũ nhân lực có kiến thức chuyên môn phù hợp, mới có thể vận hành.
Ở đây cũng cần phân biệt những phần mềm trong lĩnh vực y tế, như phần mềm đọc phim, là các ứng dụng được phát triển bởi các nhà chuyên môn; còn phần mềm ChatGPT sau khi công bố thì đang và sẽ được huấn luyện bởi cộng đồng.
Trong cơn sốt về ChatGPT hiện nay, nhiều người nhận thức về nó như là cỗ máy biết tuốt và đang ngày càng thông minh hơn, nhưng cần lưu ý rằng sự hiểu biết của AI ở đây là do con người huấn luyện. Thực tế thì ChatGPT đang trả lời sai rất nhiều những thông tin cơ bản, chưa nói đến thông tin trong lĩnh vực chuyên sâu như y tế. Ví dụ, chúng ta hỏi Nguyễn Du là ai? ChatGPT có thể trả lời Nguyễn Du là nhà thơ của Việt Nam. Hỏi tiếp tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Du là gì? Nó trả lời Nguyễn Du nổi tiếng nhất với tác phẩm Chí Phèo!
Sở dĩ AI trả lời sai vì nó được huấn luyện sai. Với thuật toán huấn luyện ngôn ngữ hiện nay, khi AI trả lời tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Du là Chí Phèo, chúng ta bảo đúng rồi, vài lần lặp lại như vậy thì AI sẽ tưởng thế là đúng và ghi nhớ để sau này trả lời người khác.
Điều gì sẽ xảy ra nếu cộng đồng cứ nhồi nhét nội dung sai vào ChatGPT và cái sai đó lan truyền? Có thể nhà phát triển phần mềm này sẽ tìm giải pháp, sử dụng cả máy móc và con người để giám sát nội dung đầu vào và đầu ra của ChatGPT, lọc dữ liệu độc hại và dần hoàn thiện nó. Đây sẽ là một quá trình lâu dài.
Về nguyên lý y học thì bệnh nhân không thể kể triệu chứng với ChatGPT, rồi yêu cầu nó chẩn đoán đúng. Tôi không nhìn thấy khả năng này xảy ra cả trong hiện tại và tương lai. Đó là lý do vì sao tôi sẽ không thất nghiệp vì ChatGPT. Tất nhiên đây là ý kiến chủ quan và mong nhận được các trao đổi, phản biện.
Một lý do nữa là bác sĩ hiện nay rất thiếu. Thế giới hiện có 10% trong số 8 tỉ người được tiếp cận dịch vụ y tế tốt, 40% dân số chỉ được tiếp cận y tế ở mức cơ bản, 50% thậm chí không được tiếp cận với chăm sóc y tế đúng nghĩa. Ngay ở các nước phát triển, hệ thống y tế đang phải chịu áp lực chi phí gia tăng và thời gian chờ đợi lâu, vì thiếu nguồn nhân lực. Bạn tôi ở châu Âu hay Mỹ, khám bệnh chờ đợi 1-3 tháng là chuyện bình thường, nếu không phải cấp cứu nguy hiểm thì cứ đợi và đợi.
Đào tạo được một bác sĩ vô cùng khó. Hãy thử tưởng tượng, bác sĩ chuyên ngành Xquang, để đọc thành thạo phim Xquang cơ bản như tôi đọc 20 phút phát hiện ra đám tổn thương viêm phổi, thì người bác sĩ đó phải có 5 năm rèn luyện tay nghề với số phim Xquang tim phổi phải đọc là 10.000 tờ phim.
Đọc 10.000 tờ phim Xquang trong 5 năm. Tôi nhấn mạnh con số đó, để thấy rằng nhìn vào hình ảnh Xquang y học, nó rất khác so với công việc đào tạo nhìn vào hình ảnh trong tự nhiên; đó là lí do AI không thể làm thêm được công đoạn mà tôi chỉ mất 2 phút.
Triển vọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y học cũng như các lĩnh vực khác là rất lớn. Nếu có cơ sở dữ liệu tốt và không ngừng cập nhật, AI sẽ học rất nhanh và khiến chúng ta ngạc nhiên. Những gì thuộc về định lượng, trực giác, thì AI làm tốt và rất tốt. Nhưng về định tính, về cảm tính hay cảm giác thì máy móc chưa thể thay thế con người. Thuật toán đằng sau ChatGPT là bước đột phá AI. Nhưng bản chất, nó cũng vẫn chỉ là cắt dán các đoạn văn bản cho phù hợp, dựa trên cơ sở nhận diện ý nghĩa văn bản; nó không thể thay được cảm giác, định tính để có thể có những chẩn đoán chuyên sâu. Bởi vậy AI chỉ có thể là trợ lý giúp bác sĩ sàng lọc chứ chưa thể thay thế bác sĩ. Thực tế sẽ chưa thể như trên phim.
Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!