ChatGPT và ngành giáo dục
Nhớ thời sinh viên lái xe ở Úc cách đây 30 năm, một trong những thứ tôi ghét nhất là phải vừa lái vừa tra bản đồ chi chít trong một cuốn sách dày cộm mà xe nào cũng có, còn chẳng may mà lạc đường thì chỉ có tấp xe vào lề mà tra cứu. Lúc đó, chỉ có mấy bác tài xế taxi là một tay giữ vô-lăng, tay còn lại lật bản đồ rất điệu nghệ.
Còn bây giờ, đa số ô tô đều cài các phần mềm, ứng dụng bản đồ chỉ đường, người lái chỉ cần vào dữ liệu hay đọc tên địa chỉ là phần mềm đưa ra hướng dẫn chi tiết ngay. Tài xế chỉ cần tập trung lái, gạt bỏ được gánh nặng tra cứu bản đồ. Nhờ vậy, bất cứ người lái nào cũng dễ dàng chọn cho mình một hành trình ngắn nhất, hoặc nhanh nhất, không thua gì các tài xế taxi dày dạn kinh nghiệm.
Dõi theo cuộc bàn luận sôi nổi về ChatGPT thời gian qua, tôi thấy ở một khía cạnh đơn giản nhất thì phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) này cũng giống như phần mềm bản đồ trên xe hơi. Đơn cử, nếu như phần mềm bản đồ trên xe hơi có thể đưa ra hành trình tối ưu theo ý của người lái, nhưng chưa thể thay thế người lái hoàn toàn được, thì một bài phát biểu được soạn bởi ChatGPT chỉ trở thành bài phát biểu hay, có giá trị, khi người sử dụng nó biết cách đặt vấn đề, biết cách biên tập, bổ sung nội dung và nhấn nhá lúc trình bày.
Một chiếc xe đơn thuần là đi đúng hành trình sẽ khác với một chiếc xe vừa đi đúng hành trình, vừa đúng giờ, lại vừa êm, cộng thêm khả năng phán đoán và đánh giá tình huống trên đường chính xác. Đó là những giá trị mà sự phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ mang lại cho chúng ta.
ChatGPT chưa thay thế hoàn toàn con người được, nhưng điều mà nó làm được tính đến thời điểm hiện nay đủ tạo nên những suy nghĩ về cách chúng ta sống, làm việc, học tập, nghiên cứu, giảng dạy. Nó sẽ bắt mọi người phải tư duy lại cách nhiều thứ đã được vận hành ổn định hàng trăm năm nay, nhất là lĩnh vực giáo dục.
Với sự tiến bộ liên tục của AI, cách học, cách dạy, cách chấm điểm, cách đánh giá, cách soạn giáo án, cách lên chương trình giảng dạy chắc chắn phải thay đổi dù chúng ta muốn hay không muốn. Vì trước sau gì nhà trường cũng không thể ngăn cản nổi học sinh, sinh viên sử dụng ChatGPT hay những phần mềm tương tự trong tương lai, giống như những gì đã xảy ra với Google. Vì nó thực sự là một công cụ hỗ trợ vượt trội.
Thay vì tìm cách ngăn cản ChatGPT để chống gian lận trong các bài luận, nhà trường nên chấp nhận nó để tìm được cách ra đề bài khác hơn, cũng như cách yêu cầu, kiểm tra, đánh giá khác hơn.
Đây là một thách thức rất lớn trong giai đoạn giao thời, vì để thay đổi một nội dung hay chương trình giảng dạy thường phải mất rất nhiều thời gian để đi qua nhiều khâu, nhiều thủ tục bài bản, chặt chẽ. Trong khi nền tảng ChatGPT đã có mặt từ ngày hôm qua, ngay lúc này. Một bài viết gần đây trên Dân trí đã đặt vấn đề thầy cô ở Mỹ đang lo ứng phó với… ChatGPT. Tôi cho rằng chuyện này sẽ nhanh chóng là thách thức với các giáo viên toàn cầu và Việt Nam không là ngoại lệ.
Nhiều người nhận định ChatGPT sẽ làm cho học sinh, sinh viên lười suy nghĩ, nhưng người viết bài này không nghĩ vậy, vì nếu biết cách đòi hỏi, hướng dẫn, thì đây là cơ hội để dạy các em suy nghĩ sâu hơn, rộng hơn, tinh tế hơn, phản biện hơn. Tư duy tự đòi hỏi mình phải suy nghĩ khác biệt, không hài lòng với những câu trả lời đã có sẵn từ Google, ChatGPT, và rộng hơn nữa từ xã hội, thế giới sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Hơn nữa, việc tương tác với ChatGPT, khai thác thông tin và tiềm năng hỗ trợ của nó lại là một kỹ năng tối quan trọng và cần thiết đối với học sinh, sinh viên trong việc chuẩn bị hòa nhập với môi trường làm việc chung đụng cùng các "robot" sau này. Một ví dụ nhỏ, có đối thoại là có cảm xúc, vậy các em sẽ kiểm soát cảm xúc của mình như thế nào nếu có sự cố hay mâu thuẫn với các robot đồng nghiệp? Nhà trường đến thời điểm hiện tại đã chuẩn bị, trang bị gì cho các em ở khía cạnh này?
Quá nhiều thách thức cho các em ở phía trước và quá nhiều việc cần phải làm dành cho các thầy cô, đội ngũ giảng viên và nhà trường ngay lúc này. Nhưng nhìn chung về mặt đường dài, ChatGPT rõ ràng đem lại quá nhiều lợi ích và thói quen mới để những người làm giáo dục không thể không quan tâm một cách nghiêm túc.
Tác giả: Ông Lý Quý Trung là nhà đồng sáng lập thương hiệu Phở 24, tác giả một số đầu sách về quản trị kinh doanh và xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi. Ông lấy bằng cử nhân và thạc sỹ tại Australia và bằng tiến sỹ tại Mỹ; hiện là giáo sư kiêm nhiệm và cố vấn cấp cao Trường Đại học Western Sydney, Úc.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!