Tâm điểm
Hà Đức Trí

Chờ đi metro ở TPHCM

Khi đi ngang qua khu vực Suối Tiên, quận 9 (TPHCM), Tuấn -  lái xe của tôi bảo rằng anh đang rất háo hức chờ đợi tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức lăn bánh. Anh cho biết sẽ mua vé đi suốt tuyến cho cả gia đình để cùng trải nghiệm đoàn tàu điện lần đầu tiên có ở thành phố.

Tôi nghĩ không chỉ Tuấn mà rất nhiều người dân TPHCM, đặc biệt là những người ở khu vực trung tâm và các vùng ven, nơi có tuyến metro chạy qua, cũng cùng chung cảm giác chờ đợi khoảnh khắc được cầm trên tay chiếc vé đầu tiên để bước lên toa tàu hiện đại.

Theo chủ đầu tư - Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), tuyến tàu điện sẽ vận hành thương mại chính thức vào ngày 22/12. Hy vọng lần này đoàn tàu sẽ lăn bánh đúng kế hoạch sau vài lần lỗi hẹn với người dân vì các lý do khác nhau.

Chờ đi metro ở TPHCM - 1

Các đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (Ảnh: Nam Anh)

Cùng với tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, TPHCM đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến metro với tổng chiều dài 183 km, gồm 148 nhà ga, mức đầu tư xấp xỉ 34 tỷ USD. Đến năm 2045, mạng lưới metro trên địa bàn thành phố dự kiến đạt 351km và toàn bộ các tuyến metro với tổng chiều dài 510km sẽ hoàn thiện vào năm 2060.

Như vậy đoạn tuyến đầu tiên của toàn bộ kế hoạch trên sẽ chính thức vận hành thương mại chỉ trong vài ngày nữa. Đây thật sự là một tín hiệu rất vui, góp phần tạo động lực phát triển cho thành phố khi bước vào năm 2025.

Về đường sắt đô thị, Hà Nội đi trước TPHCM khi đã có hai đoạn tuyến trên cao vận hành là Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Cầu Giấy. Hai dự án này đều có những vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ thi công, vốn đầu tư…, tuy nhiên  việc các đoàn tàu cuối cùng cũng lăn bánh phục vụ người dân đã trở thành dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử phát triển đô thị của Hà Nội. 

Khi ấy, xem những bài viết trên báo Dân trí về niềm vui sướng, nô nức của người dân thủ đô khi được đi trên những chuyến tàu hiện đại đầu tiên, tôi đã mong muốn tuyến metro số 1 ở TPHCM cũng sẽ sớm vận hành. Một đô thị lớn, tích cực, năng động trong đầu tư và phát triển không thể thiếu được hệ thống metro trong tiến trình hiện đại hóa giao thông công cộng.

Với tôi, metro không còn là điều mới mẻ hay lạ lẫm. Trong một số chuyến công tác hoặc du lịch nước ngoài, tôi đã có nhiều dịp trải nghiệm loại phương tiện công cộng này. Đặc biệt với những người sử dụng xe lăn như tôi, ngoài các loại xe buýt tiện ích, metro là phương tiện giao thông rất tiện lợi để đi lại giữa các nơi.

Hệ thống metro ra đời, không chỉ đơn giản để người dân được đi lại thoải mái hơn, nhanh hơn và an toàn hơn mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho một đô thị lớn đang trên đà phát triển như TPHCM. Chưa thể nói metro sẽ giải quyết ngay được tình trạng kẹt xe hàng ngày của thành phố.  Tuy nhiên, với một hệ thống gồm các tàu điện chạy trên cao và chạy ngầm dưới đất trong những năm tới, metro chắc chắn sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn so với những phương tiện giao thông công cộng khác vốn đều phải di chuyển trên các hạ tầng hiện có và đều đã quá tải. Ngoài đóng góp trong lĩnh vực giao thông vận tải và phát triển đô thị, metro còn là phương tiện thân thiện với môi trường trong bối cảnh chỉ số ô nhiễm cao ở thành phố những năm gần đây.

Việt Nam đi sau nhiều nước trên con đường phát triển giao thông đô thị hiện đại, vì vậy có cơ hội học hỏi kinh nghiệm để tối ưu hóa việc điều hành và khai thác hệ thống metro.

Trong khu vực Đông Nam Á, kinh nghiệm của Malaysia là xây dựng hệ thống kết nối đồng bộ giữa metro và các phương tiện giao thông khác, nhằm tạo ra sự liên kết đồng bộ, giảm tải áp lực giao thông cho khu vực trung tâm.

Thủ đô Bangkok của Thái Lan dù xây dựng được hệ thống chuyển đổi tiện lợi giữa các trạm metro với xe buýt, tàu hỏa,… nhưng vẫn chưa khuyến khích được người dân lựa chọn metro do chính sách giá chưa phù hợp. Giá vé metro ở Thái Lan còn tương đối cao so với thu nhập người dân, dẫn đến phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô vẫn là sự lựa chọn ưu tiên.

Trong lúc chờ đợi những đoàn tàu metro lăn bánh, công dân của một thành phố đô thị hiện đại có lẽ cũng cần chuẩn bị trước cho mình những điều cần thiết để sẵn sàng tham gia vào hệ thống giao thông công cộng mới. Tuân thủ thứ tự xếp hàng, giữ gìn vệ sinh chung, tôn trọng không gian công cộng, nhường chỗ cho các hành khách ưu tiên, hỗ trợ lẫn nhau… không chỉ là thể hiện thái độ văn hóa của một cá nhân mà còn là đóng góp quan trọng để xây dựng nên một cộng đồng giao thông văn minh.

Tác giả: Ông Hà Đức Trí hiện là một trong những Giám đốc Phụ trách Kinh doanh của Willis Towers Watson Việt Nam (WTW) thuộc Tập đoàn Môi giới Bảo hiểm đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ. Ông từng được bầu chọn là thanh niên tiêu biểu của TPHCM.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!