Chị Dung "làm màu" bỏ ôtô, đi metro?
Trước khi chuyển vào TPHCM sống và làm việc, có một thời gian ngắn tôi thường xuyên sử dụng tàu Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) để đi làm. Nhà tôi cách ga Văn Quán khoảng gần 10 phút đi bộ. Cơ quan tôi làm việc nằm trong khu Giảng Võ, cũng cách ga cuối Cát Linh khoảng gần 10 phút đi bộ nữa. Tổng cộng tôi mất khoảng 30 phút cho việc di chuyển từ nhà tới văn phòng, bất kể thời điểm nào trong ngày.
Thực tế tôi không tiết kiệm được tiền so với việc sử dụng xe máy như trước đó. Song, chi phí chênh lệch trên không đáng kể, trong khi lợi ích của việc sử dụng metro (tôi sẽ sử dụng từ này cho cả hệ thống hoàn toàn trên cao như Cát Linh - Hà Đông hay hệ thống bán ngầm Bến Thành - Suối Tiên) mang lại nhiều lợi ích vượt ngoài giá trị tiền bạc. Trong đó, riêng việc không phải chen lấn giữa dòng phương tiện ùn tắc mỗi ngày đã là một giá trị quá lớn đối với tôi.
Rời Hà Nội sang Mỹ du học, tôi vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống metro, kết hợp cùng xe bus hay tàu địa phương cho việc di chuyển. Tại những nước với hệ thống tàu điện ngầm nói riêng và hệ thống phương tiện công cộng nói chung phát triển, việc một người sử dụng phương tiện công cộng - dù ở bất kể tầng lớp nào, là điều hết sức bình thường. Dù là ở New York hay Tokyo, Seattle hay Seoul, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những nhân viên văn phòng ăn vận đẹp đẽ, bước ra từ những tòa nhà văn phòng hiện đại của các công ty lớn và nhanh chóng bước xuống tàu điện ngầm.
Bởi vậy, câu chuyện bỏ ôtô, bỏ phương tiện cá nhân để chuyển qua sử dụng giao thông công cộng là điều hoàn toàn bình thường, không có gì là "làm màu", như bình luận của nhiều người trong câu chuyện gần đây về việc chị Lê Phương Dung ở TPHCM chia sẻ việc bỏ ôtô để đi làm bằng metro.
Ở những đô thị như TPHCM, nếu có một người sẵn sàng bỏ ôtô và sử dụng metro, hãy ủng hộ họ vì những lợi ích cho cả bản thân họ và thành phố. Khi tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng chưa song hành với tốc độ gia tăng lượng xe ôtô theo từng năm, người lái xe ôtô phải chịu nhiều áp lực khi di chuyển trong các thành phố lớn, chưa tính đến những chi phí thực tế của việc vận hành xe ôtô hay thời gian phải đánh đổi khi kẹt giữa dòng người nhích từng chút trong giờ cao điểm.
Với nhiều người sử dụng xe ôtô, "tránh mưa, tránh nắng, tránh bụi bặm" hay "tiện cho di chuyển xa, đi xe máy cực quá" là những giá trị về mặt công năng thường đề cập. Nếu sinh sống tiện tuyến đường metro và công việc ngay trung tâm thành phố, những vấn đề trên hoàn toàn được giải quyết.
Đánh giá một cá nhân "làm màu" vì sử dụng metro để đi làm thể hiện việc nhiều người vẫn coi metro chỉ là một phương tiện giải trí - "đi coi cho biết metro ra sao", thay vì một phương tiện công cộng để di chuyển hàng ngày. Điều này dễ hiểu bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, metro vẫn là một loại hình phương tiện tương đối mới mẻ với phần đông người dân Việt Nam nói chung và người dân tại TPHCM nói riêng. Tại Hà Nội, lượng người sử dụng tàu Cát Linh - Hà Đông sau hơn gần 3 năm đã tăng trưởng mạnh và dần ổn định, chủ yếu cho việc di chuyển vì công việc hay học tập chứ không chỉ là tham quan như thời gian đầu. Trong thời gian đầu, phần lớn người dân sử dụng metro vì mục đích tham quan và trải nghiệm. Nhiều người bạn tôi chia sẻ việc chưa sử dụng metro trong thời gian này để đi làm khi lượng khách tham quan còn rất đông nhưng đến khi hết thời gian miễn phí, họ sẽ sử dụng metro để đi làm thường xuyên hơn.
Thứ hai, tuyến metro ở TPHCM hay cả Hà Nội với hai tuyến vẫn chưa có tính kết nối cao. Khi chỉ có một tuyến metro đồng nghĩa với việc lượng người sử dụng còn hạn chế. Song, mọi hệ thống metro đô thị đều cần khởi đầu từ một tuyến trước khi có thể mở rộng, kết nối và phủ rộng khắp thành phố. Thành phố cũng đang nỗ lực tăng cường các tuyến xe bus, mở rộng khả năng kết nối để người dân thấy việc sử dụng metro thực sự có giá trị thực tiễn chứ không chỉ để "làm màu".
Sử dụng metro đem lại nhiều lợi ích hơn một vài tấm hình đẹp đăng mạng xã hội. Từ trải nghiệm cá nhân khi sống tại Hà Nội hay Mỹ, sử dụng metro giúp tôi có thêm thời gian vận động. Mỗi ngày, tôi dành ít nhất 30-40 phút cho việc đi bộ khi sử dụng metro (chưa kể thời gian ngồi trên metro). Điều này quan trọng với dân văn phòng với thời gian ngồi quá nhiều và ít thời gian vận động.
Metro cũng giải quyết các vấn đề thời tiết trên đường như mưa lớn, nắng nóng hay các kiểu hình thời tiết khắc nghiệt khác. Nếu sống ở Hà Nội hay TPHCM, điểm mạnh nổi bật của việc sử dụng metro là tránh được việc kẹt xe vào hai buổi sáng chiều. Phải lái xe máy trong giờ tan tầm mới hiểu những căng thẳng đi cùng việc sử dụng phương tiện cá nhân, gây ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của nhiều người.
Không chỉ vậy, khi có thể thảnh thơi không lo điều khiển phương tiện cá nhân, tôi có thời gian đọc sách, nghe nhạc, kiểm tra email công việc hay làm việc riêng trên tàu. Khi đã quen với việc sử dụng phương tiện công cộng, việc trở lại với phương tiện cá nhân khó hơn tôi tưởng. Điều này đúng với nhiều người; nếu có một lựa chọn phương tiện công cộng đủ tốt và tiện lợi, tôi không thấy có lý do để trở lại sử dụng xe máy.
Vượt ngoài những giá trị cá nhân, metro sẽ đem lại nhiều thay đổi về kinh tế - xã hội cho các thành phố. Giảm áp lực lên đô thị là điều dễ dàng nhận thấy khi thay vì phải ở trung tâm với giá cả đắt đỏ, mật độ dân số lớn, người dân giờ đây có thể chuyển về các quận vùng ven với chi phí sống rẻ hơn nhưng vẫn dễ dàng trong việc di chuyển vào trung tâm làm việc. Khi metro đi vào hoạt động, tình trạng kẹt xe ở nhiều thành phố cũng giảm đáng kể. Theo ước tính tại thành phố Los Angeles, Mỹ, hệ thống metro giúp tiết kiệm 2,1 tỷ USD cho người dân thành phố mỗi năm (con số trên được quy đổi tương ứng từ tổng số thời gian kẹt xe người dân phải chịu nếu sử dụng xe ôtô cá nhân).
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, năng suất lao động cũng tăng lên khi người dân sử dụng metro tại Los Angeles. Các hệ thống tàu điện ngầm hay đường sắt đô thị cũng giúp cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường. Một nghiên cứu của World Bank được thực hiện với 1.500 thành phố trong đó có 192 thành phố với hệ thống tàu điện ngầm đã chỉ ra rằng, các thành phố với hệ thống tàu điện ngầm có lượng khí CO2 giảm đáng kể.
Tuần trước, một người bạn tôi vừa quyết định chuyển nhà từ Bình Chánh về Thủ Đức. Ở chung với em trai, bạn tôi làm ở quận Nhất trong khi em trai làm ở Bình Dương. Chuyển về Thủ Đức, bạn quyết định sử dụng Metro đi làm khi căn nhà bạn thuê chỉ cách ga tàu vài trăm mét. Sẽ cần nhiều thời gian để đánh giá xem xu hướng chuyển dịch đô thị sẽ diễn ra như thế nào với sự xuất hiện của tuyến metro nhưng ít nhất ở hiện tại, tôi biết nhiều người đang đặt metro là yếu tố quan trọng để cân nhắc lựa chọn công việc và nhà ở.
Xây dựng một tuyến metro cần nhiều thời gian, nhưng để người dân quen với việc sử dụng metro cũng sẽ cần không ít thời gian. Khi vai trò của metro thực sự được trả về đúng nghĩa như một loại hình phương tiện giao thông quan trọng và cần thiết ở các đô thị lớn thay vì một điểm tham quan du lịch, việc bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng metro sẽ không còn là một thứ "làm màu" hình thức.
Tác giả: Bùi Minh Đức tốt nghiệp Thạc sĩ Truyền thông từ đại học Clark, Mỹ; hiện đang là quản lý truyền thông cho một công ty công nghệ đồng thời là giảng viên đại học. Anh cũng là tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách xuất bản tại Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!