"Cơn sốt" metro
Sau hơn 20 ngày vận hành chính thức, metro Bến Thành - Suối Tiên vẫn đông nghẹt, người dân xếp hàng dài, đứng chật kín tại ga ngầm Bến Thành từ sáng tới chiều. Có thể nói là đang có "cơn sốt" metro ở TPHCM.
Nhớ lại những năm tháng tươi đẹp học tập và lao động tại Liên Xô (cũ), lang thang ngắm nhìn các ga tàu điện ngầm Moscow, tôi luôn tự hỏi tại sao họ có thể xây dựng được những công trình to đẹp như vậy và bao giờ Việt Nam mới có metro - tàu điện ngầm.
Sau mấy chục năm đổi mới, cùng với sự thay đổi ngoạn mục về kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người…, nước ta đã có những đoạn tuyến đường sắt đô thị - metro đầu tiên ở Hà Nội và TPHCM.
Trên thế giới có rất nhiều loại hình giao thông khác nhau, mỗi loại hình đáp ứng cho một phương thức di chuyển hay vận chuyển hàng hóa. Trong đô thị, giao thông công cộng được xem là quan trọng, vì giúp giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường. Đối với giao thông công cộng thì metro hay tàu điện ngầm là phương tiện giao thông quan trọng hàng đầu, phổ biến ở các đô thị lớn trên toàn thế giới.
Metro có thể chở lượng lớn hành khách, góp phần giảm tắc nghẽn giao thông, tốc độ di chuyển khá nhanh, thân thiện với môi trường… Thực tiễn vận hành các tuyến metro trên thế giới cho thấy đây là phương tiện rất an toàn.
Nhiều nước đã tập trung đầu tư hệ thống metro và hệ thống này được coi là niềm tự hào của họ, biểu tượng của sự phát triển và hiện đại hóa đô thị, thậm chí còn là biểu tượng của văn hóa và nghệ thuật quốc gia. Chẳng hạn như metro Paris (Pháp) nổi tiếng với các nhà ga được trang trí nghệ thuật với phong cách kiến trúc đồng nhất, hiệu quả theo trường phái Art Nouveau (tân nghệ thuật).
Metro Tokyo (Nhật Bản) được biết đến với độ chính xác cao và hiệu quả, là niềm tự hào của người dân Nhật Bản về công nghệ và văn hóa phục vụ, mỗi ngày tiếp đón hàng triệu lượt khách lên xuống.
Metro Seoul không những là phương tiện di chuyển mà còn là hình ảnh của sự phát triển nhanh về thành tựu khoa học công nghệ hiện đại của Hàn Quốc; sạch sẽ, an toàn, hiệu quả, phục vụ nhu cầu di chuyển cho hàng triệu người dân.
Subway New York hay Metro New York (Mỹ) là hệ thống metro lâu đời, lớn nhất thế giới, hoạt động 24/7, không những là phương tiện giao thông mà còn là biểu tượng văn hóa Mỹ, từng xuất hiện trong nhiều bộ phim và các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng.
Metro Moscow (Nga) có tuyến đường dài nhất châu Âu với những ga tàu nằm sâu nhất thế giới. Hệ thống tàu điện ngầm này không chỉ đóng vai trò công trình giao thông, mà còn là điểm thu hút khách du lịch nhờ vào nội thất tráng lệ của các ga tàu.
Trở lại với hệ thống metro ở Việt Nam, theo quy hoạch mạng lưới giao thông đô thị mới nhất, Hà Nội sẽ có 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài cả hệ thống lên tới 643,6 km, TPHCM có 8 tuyến với tổng chiều dài là 169 km. Tại Hà Nội, hai tuyến đầu tiên được xây dựng là tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội); còn ở TPHCM, tuyến đầu tiên Bến Thành - Suối Tiên đã chính thức vận hành từ ngày 22/12/2024.
Hiện tượng ùn tắc, kẹt xe những ngày qua tại các thành phố lớn cho thấy không thể chậm trễ hơn nữa trong việc xây dựng metro. Đây là lời giải hữu hiệu nhất cho bài toán giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông, chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ thi công metro nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, với sự quyết tâm của các ngành, các cấp.
Công cuộc tinh gọn bộ máy hiện nay bên cạnh ý nghĩa về tổ chức, còn là cơ hội để có thể tăng tốc xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, trong đó có metro. Hiện nay Trung ương đã có kế hoạch sáp nhập Bộ Giao thông Vận tải và Bộ xây dựng, Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư…, đây là điều kiện thuận lợi tập trung đầu mối về quy hoạch, về đầu tư và xây dựng để triển khai xây dựng metro.
Về mặt kỹ thuật, các hệ thống metro ở Hà Nội và TPHCM có nhà thầu từ nhiều nước khác nhau, sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn khác nhau, việc đồng bộ hóa các hệ thống này có thể gặp khó khăn về mặt kỹ thuật, do vậy chúng ta cần đặt ra yêu cầu hợp tác chặt chẽ giữa các nhà thầu quốc tế. Tương tự như vậy, các nhà sản xuất thiết bị cho hệ thống metro đến từ nhiều nước khác nhau, chúng ta cần chú ý việc đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định khi kết nối giữa các tuyến cũng như toàn hệ thống.
Việc đào tạo và quản lý nhân lực để nắm vững các hệ thống kỹ thuật phức tạp từ nhiều nước, đặc biệt khi các hệ thống yêu cầu vận hành và bảo trì theo những tiêu chuẩn riêng biệt là thách thức khi quản lý vận hành. Ngoài ra, tích hợp các phần mềm điều khiển và quản lý khác nhau có thể gặp khó khăn, đòi hỏi các hệ thống phần mềm phải tương thích với nhau.
Việc kết nối tất cả các tuyến metro trong bối cảnh nêu trên có những khó khăn nhất định, nhưng không phải là những vấn đề không thể vượt qua.
Về mặt hình thái kiến trúc, do nguồn vốn đầu tư và khả năng huy động tài chính từ nhiều nguồn khác nhau, mỗi tuyến metro được thiết kế bởi các nhóm kiến trúc sư đến từ nhiều nước, nên sẽ có sự đa dạng trong phong cách thiết kế. Kiến trúc sư thường lồng ghép các yếu tố văn hóa đặc trưng của mỗi nước khi tham gia thiết kế nội thất, tạo nên sự khác biệt về hình thái kiến trúc mỗi ga. Mỗi nhà ga lại có quy mô, chức năng khác nhau, nên sự lựa chọn về kiểu dáng, nội thất và bố trí không gian cũng khác nhau phù hợp với nhu cầu sử dụng của hành khách.
Do vậy, chúng ta cần chú ý đến sự thống nhất về kiến trúc hình ảnh metro, đặc biệt các nhà ga phải được thiết kế hiện đại mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, để metro Việt Nam không những là phương tiện giao thông đô thị, mà còn là niềm tự hào của người Việt Nam.
Tác giả: Ông Lý Văn Vinh là Tiến sĩ quản lý đô thị; nguyên thư ký Bộ trưởng Bộ Xây dựng; nguyên Giám đốc Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch quốc gia.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!