Cảm ơn người nông dân Việt Nam
Trong văn hóa của người Việt, Tết không đơn giản là một sự chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, mà còn mang những ý nghĩa thiêng liêng. Đó là dịp để các thành viên trong gia đình tìm về và sum vầy bên nhau sau những tháng ngày dài bôn ba xa nhà vì cuộc mưu sinh.
Có thể nói rằng kể từ khi Đất nước bước vào thời kỳ mở cửa và hội nhập, cấu trúc văn hóa gia đình Việt Nam bắt đầu có những thay đổi đáng kể. Bỏ lại sau lưng những gì thân thuộc nhất như gia đình, làng quê, chòm xóm và cả một thời thơ ấu nhiều kỷ niệm, các thế hệ trẻ tìm đến đô thị để học tập và sau đó ở lại lập nghiệp như sự khẳng định về sự trưởng thành và khả năng độc lập của mình. Điều này giải thích tại sao những miền quê nay vắng bóng những người trẻ…
Điều thiêng liêng của Tết cổ truyền nằm ở chính khả năng thúc giục mọi người trở về và đoàn tụ. Cũng bởi vậy nên người ta gọi Tết cổ truyền là Tết đoàn viên.
Đa số người Việt xuất thân từ nông thôn, có cha mẹ hoặc ông bà là nông dân. Bởi vậy, trở về với quê hương nguồn cội trong ngày Tết cũng là trở về nông thôn, trở về để tri ân những bậc sinh thành từng chân lấm tay bùn, hai sương một nắng để tạo những nền tảng ban đầu cho con cháu trưởng thành, phát triển. Và cũng bởi vậy, Tết là dịp để người đi xa trở về thăm lại làng quê, nơi một thời tuổi thơ của họ gắn chặt ở đó và để họ tự thưởng cho bản thân những giây phút thảnh thơi và bình yên bên những người thân yêu nhất. Tết thật thiêng liêng là như vậy.
Năm nay Tết chắc chắn Tết ở nhiều vùng nông thôn sẽ rộn ràng và sung túc hơn mọi năm. Lần đầu tiên trong lịch sử của ngành nông nghiệp Việt Nam, từ người trồng lúa ở vùng đồng bằng đến người nông dân trồng sầu riêng, hồ tiêu và cà phê ở vùng cao nguyên đất đỏ, đều có chung một niềm vui lớn. Đó là các vụ mùa đều được giá.
Theo tổng kết của ngành Nông nghiệp, năm 2023 tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục, như: Rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới; hạt điều 3,63 tỷ USD tăng 17,6%...
Nông vụ được giá cho người nông dân thêm nhiều hy vọng, sự lạc quan và cảm hứng để họ tiếp tục gắn bó với nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.
Những thành quả đó không dễ dàng có được. Để làm ra những hạt gạo, quả sầu riêng, hạt tiêu hay hạt cà phê v.v., người nông dân luôn phải đối diện với rất nhiều thách thức và rủi ro, đôi khi vượt quá sức chịu đựng của họ, như hạn hán, bão lũ, chi phí đầu vào tăng cao… Trong nhiều năm qua điệp khúc "được mùa, mất giá" trở thành nổi ám ảnh đối với người nông dân Việt, khiến không ít người bi quan, buông xuôi như cánh lục bình trôi nổi theo con nước.
Đã bao lần sau một năm ròng rã phơi mình trên đồng ruộng, người nông dân lại đứng trước tình trạng giá nông sản sụt giảm, thậm chí xa dưới điểm hòa vốn. Nhưng bà con vẫn chọn bám trụ với nông nghiệp. Chính nhờ vậy chúng ta có một điểm tựa, một trụ cột bền vững cho từng gia đình và cho cả nền kinh tế.
Sự gượng dậy, sự vững vàng của nông nghiệp trước đòn giáng đến từ thiên nhiên và thị trường cần được nhìn nhận như những kỳ tích, đáng để chúng ta ghi nhận và trân trọng.
Việc các vụ mùa đều được giá như năm nay là kết quả xứng đáng với người nông dân Việt Nam, đồng thời truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các ngành nghề khác và hứa hẹn một tương lai sắp tới thịnh vượng hơn.
Xin cúi mình cảm ơn những người nông dân Việt Nam, cảm ơn ngành Nông nghiệp.
Mong sao niềm vui được mùa được giá sẽ nối dài sang nông vụ năm sau và những năm sau nữa. Chúc cho tất cả gia đình Việt Nam mùa Tết vui tươi, hạnh phúc và bình an như chính ý nghĩa của Tết.
Tác giả: TS Đặng Ngọc Toàn là Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Ứng phó Biến đổi Khí hậu Tây Nguyên (CHCC), thuộc Liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!