Nông nghiệp thoát "quẩn quanh"
Chuyện "nuôi trồng - chặt bỏ", "được mùa - mất giá" trong nông nghiệp không mới, nhưng những năm gần đây theo dõi thông tin trên báo chí và một số diễn đàn chính thức, tôi thấy các chuyển động diễn ra nhanh hơn.
Đơn cử, vài ba năm trước, thông tin về việc trồng cây sầu riêng đa số là tích cực, đây đã trở thành cây tạo việc làm và nâng cao thu nhập, làm giàu cho nông dân, nhất là một số tỉnh miền Tây. Nhiều nơi nông dân ồ ạt bỏ lúa, mít, hồ tiêu… để trồng cây sầu riêng. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, khi sầu riêng phát triển nóng thì những hồ hởi đã nhường chỗ cho sự lo lắng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuối năm 2022 đã phải ban hành chỉ thị về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, trong đó đề nghị các địa phương khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng…
Tương tự như vậy với cây dâu tây. Chỉ mới năm ngoái báo chí đưa tin đây là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân nhiều huyện miền núi Tây Bắc, nhiều hộ gia đình thu tiền tỷ nhờ trồng giống cây này. Nhưng nay phóng sự trên Đài truyền hình Quốc gia cho thấy không ít hộ trồng dâu tây ở Sơn La gặp khó khăn khi giá dâu tây giảm, một số hộ đã phải chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, cũng thông tin trên báo chí phản ánh hàng loạt hộ chăn nuôi ở Đồng Nai đang kiệt quệ, "treo chuồng" vì bán sản phẩm dưới giá thành, mong ngân hàng gia hạn nợ vay…
Có thể khẳng định ngành nông nghiệp những năm qua đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đảm bảo an ninh lương thực và góp phần quan trọng vào ổn định giá cả trong nước, là trụ đỡ của nền kinh tế. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 53,2 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay và vượt xa mốc kỷ lục 48,6 tỷ USD của năm 2021.
Tuy nhiên, hiện tượng "nuôi trồng - chặt bỏ", "được mùa - mất giá" như nêu trên cho thấy chúng ta còn nhiều việc phải làm để hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Trong đó, theo tôi, cần rà soát và lên chiến lược ngành phù hợp hơn nữa, đồng thời chiến lược ngành phải được hỗ trợ bởi chiến lược kinh tế quốc gia.
Nếu chúng ta cứ làm kiểu mỗi ngành làm một công đoạn, mạnh ai nấy làm, không ngành nào, địa phương nào tính toán đến yếu tố chuỗi giá trị thì sẽ khó mà bền vững lâu dài.
Chiến lược ngành ở đây hiểu là việc xác định mục tiêu, tầm nhìn trong trung hạn và dài hạn cho ngành nông nghiệp nói chung và từng ngành hàng nói riêng, từ đó đề ra giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể. Còn chuỗi giá trị bao gồm các khâu từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Chu kỳ kinh tế là quy luật, sẽ có giai đoạn thuận lợi và giai đoạn khó khăn. Do vậy, để người làm nông nghiệp không vì 1, 2 năm khó khăn mà phải từ bỏ sản xuất, kinh doanh thì phải có bàn tay của cơ quan quản lý và các hiệp hội trong việc liên kết chuỗi giá trị.
Việc hình thành chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp sẽ giúp các chủ thể tham gia chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây cũng là nơi các phân khúc hỗ trợ và bù đắp lẫn nhau tùy theo biến động thị trường. Năm nay khâu sản xuất không có lợi nhuận (do cung vượt cầu, do chi phí vốn cao trong khi vòng quay vốn chậm...), thì có thể thương mại lại thuận lợi (nhờ cung nhiều mà mua được giá rẻ, nhờ quay vòng vốn nhanh ...). Nghĩa là sẽ có lúc sản xuất "nuôi" thương mại và có lúc sản xuất lại phải nhờ thương mại "cõng".
Xây dựng chiến lược ngành, ví dụ lấy chăn nuôi làm ngành chủ lực thì phải tính đến quy hoạch và nguồn cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn gia súc. Qua đó đảm bảo một tỉ lệ khối lượng ổn định (tự chủ trong nước, có chính sách hỗ trợ), và một phần biến động (nhập theo giá thị trường quốc tế). Tỷ lệ tự chủ so với nhập từ bên ngoài thì điều chỉnh tùy vào dự báo nguồn cung cập nhật hàng năm.
Trên thị trường, sẽ có năm mảng nguyên liệu/thức ăn gia súc hỗ trợ chăn nuôi, và sẽ lại có năm thì chăn nuôi phải hỗ trợ người trồng nguyên liệu/chế biến thức ăn gia súc. Nhà nước là người đóng vai trò điều tiết. Mô hình như thế sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, giúp phát triển bền vững lâu dài.
Dù là trồng cây gì, nuôi con gì, nếu cứ để cho dân làm tự phát như lâu nay, mạnh ai nấy làm, thì sẽ còn tình trạng lúc thuận lợi thì cùng nhảy vào, lúc khó khăn thì bỏ hết... chẳng có gì bền vững vì chúng ta không tạo được lợi thế cạnh tranh ở quy mô ngành hàng và nhìn rộng ra là quy mô quốc gia.
Chúng ta đều biết rằng câu chuyện ngành hàng sầu riêng không chỉ nằm ở diện tích, chất lượng các vườn trồng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nó còn là vấn đề cạnh tranh quốc tế với sầu riêng Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia…, và ngay cả Trung Quốc - thị trường chính của sầu riêng thế giới, thì họ cũng đang đầu tư để phát triển diện tích trồng sầu riêng của họ (trồng ở Trung Quốc hoặc quốc gia khác).
Vậy nên câu chuyện sầu riêng Việt Nam còn là nâng cao giá trị của cả một ngành hàng, là marketing, phân phối sản phẩm và xây dựng thương hiệu, là mở rộng thị trường ngoài nước… Những việc đó người nông dân không làm được, mà tách ra từng công đoạn mạnh ai ở công đoạn nào tự làm thì cũng biết trước thất bại. Hơn nữa, cứ chặt bỏ - trồng - chặt bỏ, thay đổi liên tục như thế sẽ rất khó để đầu tư, cải tiến, nâng cao hiệu quả, công nghệ.
Thực sự xây dựng, triển khai được chiến lược ngành và chuỗi giá trị thì chúng ta sẽ thoát khỏi nền nông nghiệp "quẩn quanh".
Tác giả: Ông Đỗ Hòa là chuyên gia tư vấn chiến lược, tư vấn thiết lập hệ thống quản lý doanh nghiệp; từng giữ chức vụ Tổng Giám đốc nhiều công ty trong và ngoài nước; nguyên Giám đốc Chiến lược và Marketing khu vực Châu Á Thái Bình Dương của tập đoàn Shell.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!