Bước chuyển tư duy kinh tế nông nghiệp
Ngành Nông nghiệp nhận chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao cho năm 2022 là xuất khẩu nông, lâm thủy sản phải vượt mức năm 2021 (năm kỷ lục với 48,6 tỷ USD). Chúng tôi đưa ra con số rất khiêm tốn trên 50 tỷ USD. Nhưng Thủ tướng nói rằng trên đà này thì nông nghiệp phải phấn đấu cao hơn nữa. Thực tế chúng tôi cũng lo ngại, nhưng chỉ tiêu càng cao thì toàn ngành càng phải nỗ lực làm tốt hơn.
Đến hết tháng 5, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 23,2 tỷ USD, nhập khẩu 18,1 tỷ USD, như vậy là xuất siêu 5,1 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng trong những tháng đầu năm. Chặng đường phía trước như thế nào, có thể vẫn còn những yếu tố bất ngờ. Nhưng nhìn vào kết quả vừa nêu, chúng ta thấy rất nhiều khó khăn đã được vượt qua như: Đại dịch Covid-19, gián đoạn lưu thông ở cửa khẩu, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy nguồn nguyên liệu nhập khẩu vật tư đầu vào để phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…
Nhìn vào bức tranh chung, chúng tôi thấy đã có một số nét chấm phá trong câu chuyện tái cấu trúc nền nông nghiệp hay chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Chúng ta đã bắt đầu thích ứng, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất mặc dù quá trình này không phải dễ dàng. Rõ ràng, khi chúng ta điều chỉnh và thị trường chấp nhận thì mới con số xuất khẩu mới được như thế.
Đây là một xu thế, là nét chấm phá đầu tiên của chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn mà Thủ tướng đã phê duyệt, cũng như đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo tư duy Nghị quyết Đại hội XIII. Đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Nông nghiệp truyền thống vì mục tiêu duy nhất là sản lượng. Nông nghiệp mới hướng tới vừa đạt mục tiêu sản lượng và đạt cái còn quan trọng hơn là chất lượng, chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp". Tư duy này phải lan tỏa có sự "xắn tay áo" từ trung ương đến địa phương, từ người nông dân đến người làm chính sách. Chúng ta không chỉ bán cái gì chúng ta có mà bán những gì thị trường cần.
Một số khó khăn tồn tại nhiều năm qua vẫn còn đó, đặt biệt là vấn đề vật tư đầu vào. Giá cả, chất lượng vật tư đầu vào khiến bà con thấp thỏm. Nhưng có một tín hiệu là nhiều nông dân tự mình giảm chi phí đầu vào bằng cách dùng các chế phẩm sinh học tự sản xuất. Chúng tôi cũng đã bắt đầu giao cho viện, trường nghiên cứu. Chiến lược sắp tới sẽ là giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, bởi đây là vấn đề chúng ta có thể quyết định được, chứ giá bán đầu ra thì cung cầu thị trường thế giới sẽ quyết định.
Trong lĩnh vực cà phê, rất nhiều mô hình của bà con nông dân tự nghĩ ra hoặc của các dự án, các mô hình mà Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đang triển khai đã đạt được mục tiêu kép: Một là giảm chi phí; hai là chất lượng tăng lên. Mặc dù sản lượng không cao bởi vì sản xuất hữu cơ và chế phẩm sinh học, nhưng chính bà con nói rằng "sản lượng ít như vậy song giá bán cao hơn, bù được, thậm chí còn lời hơn so với làm theo tư duy truyền thống". Đây là bài học cho thấy lạm dụng vật tư đầu vào khiến cho chi phí sản xuất đội lên, trong khi chất lượng nông sản lại không đạt được yêu cầu của thị trường.
Thời gian tới, công việc đầu tiên chúng ta phải tập trung là hỗ trợ phát triển thị trường; nắm bắt được thông tin và chuẩn mực thị trường để điều chỉnh lại sản xuất. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Công Thương và một số bộ, ngành liên tục có những cuộc đàm phán mở thị trường. Khi kích hoạt được thị trường thì dòng chảy nông sản mới thuận lợi, mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn cho người nông dân.
Thị trường luôn biến động. Nhưng rõ ràng sau khi chúng ta đàm phán với Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia…, nhiều loại nông sản của Việt Nam đã và đang thâm nhập các thị trường này. Chúng ta tự tin có thể làm tốt hơn. Tuy nhiên, việc này chưa thành một chương trình tổng thể mà chúng ta vẫn đi theo mối quan hệ mà tôi hay nói là "buôn chuyến" nhiều hơn. Bây giờ chúng ta cần lập một chiến lược tổng thể cho từng loại thị trường và đề ra quyết sách phù hợp, nghiên cứu thói quen tiêu dùng của người dân ở đó. Đơn cử như người Trung Quốc thích ăn thanh long ruột đỏ của Việt Nam, song một số nước khác lại thích thanh long ruột trắng.
Hiện nay nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng nhiều nhất, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 đạt 12,6 tỷ USD. Tuy nhiên các thị trường khác có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Đơn cử như EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính.
Ngành Nông nghiệp đang dự thảo đề án đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản dựa trên lợi thế từ các hiệp định thương mại với Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EVFTA), Anh (UKVFTA)... Vấn đề đặt ra là thị trường các nước phát triển đòi hỏi chất lượng nông sản rất cao. Chẳng hạn như Mỹ yêu cầu quy trình sản xuất đảm bảo từ giống, trồng trọt, chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại cho đến tỷ lệ chất bảo quản, tồn dư chất bảo vệ thực vật trong hoa quả. Chuyên gia của Mỹ sẽ sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá và cấp mã số vùng trồng.
Hiện nay thị trường Trung Quốc cũng bắt đầu yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa. Tư duy kinh tế nông nghiệp lúc này nằm trong các vấn đề như chuẩn hóa vùng nguyên liệu, thay đổi tập quán, thói quen chăn nuôi, trồng trọt; truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, mã vùng trồng, mã vùng nuôi, đóng gói... Đây là những việc cần làm ngay bởi vì người tiêu dùng thế giới và các thị trường không chờ đợi chúng ta.
Tác giả: Ông Lê Minh Hoan là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông từng giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Thời kỳ công tác tại địa phương, ông Lê Minh Hoan còn được biết đến là tác giả của nhiều bài báo với bút danh "Xích Lô", gửi gắm những trăn trở về chiến lược phát triển địa phương, về vai trò của người nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa…
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!