Bảo tồn biệt thự cổ: Không thể chạy theo thị hiếu ngày nay!
Những tranh luận ồn ào về dự án bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp Nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và cả những ý kiến trái chiều, theo tôi chứa đựng nhiều điều tích cực hơn là tiêu cực.
Điều tích cực đầu tiên là nó cho thấy xã hội quan tâm đến việc bảo tồn các di sản văn hóa - kiến trúc nói chung và biệt thự Pháp cổ nói riêng.
Căn biệt thự này nằm trong khuôn viên có diện tích lên tới 993 m2, ở trung tâm Thủ đô, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX. Đây là một trong không nhiều những công trình còn giữ nguyên giá trị kiến trúc tiêu biểu cho quá trình hình thành khu phố Pháp ở Hà Nội.
Với ý nghĩa đó, sau khi được bảo tồn, đây sẽ là điểm đến của những người yêu di sản và là địa chỉ rất thích hợp cho việc tìm hiểu những ảnh hưởng, giao thoa văn hóa giữa hai nước Pháp - Việt trong suốt giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, cho các hoạt động văn hóa - xã hội giữa Việt Nam và Pháp ngày nay.
Thông qua dự án này, chúng ta tiếp cận được cách bảo tồn công trình di sản kiến trúc không chỉ tôn tạo, phục dựng sát với nguyên gốc: bao gồm bên trong, bên ngoài ngôi nhà, sân vườn, cảnh quan, vật liệu/chất liệu tạo nên công trình mà cả nguyên liệu, công cụ để chế tác, thực hiện dự án.
Như vậy, việc dư luận xã hội quan tâm đến công tác bảo tồn Nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài chính là sự khích lệ to lớn đối với những người đang làm công việc này. Tuy nhiên chúng ta cũng cần công bằng trong việc bày tỏ những cảm nhận về công trình bảo tồn.
Chúng ta cần khoan dung trước di sản thay vì đưa ra những quan điểm chủ quan, cảm tính. Đặc biệt là chúng ta không thể đưa ra những nhận định với cách quan sát, thẩm mỹ của ngày hôm nay để phán xét một thực thể vốn đã có mặt tại Hà Nội cách đây hơn một thế kỷ.
Những nhận định đúng sai/xấu đẹp như kiểu "theo tôi thì nên nhạt hơn, trầm hơn; giống cái nọ, cái kia hơn" là mang tính chủ quan, và phải chăng nếu chủ quan như vậy là tự chúng ta bỏ phí một cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn, tiếp nhận một cách nghiêm túc hơn những thông điệp quý giá từ một trăm năm trước chuyển tải tới hôm nay?
Người Việt đã có quá nhiều bài học đau xót: hủy hoại di sản bằng cách làm mới di sản vài trăm tuổi chỉ còn vài tuổi để thuận mắt những bạn trẻ, hay thuận mắt những người tuy nhiều tuổi nhưng ít hiểu biết lại có quyền định đoạt di sản.
Tiếp theo, về quy trình tiến hành bảo tồn cũng như kinh phí, đây là dự án do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội làm chủ đầu tư, với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia vùng Ile-de-France (Cộng hòa Pháp), do vậy tôi tin rằng dự án được triển khai và giám sát theo đúng các quy định hiện hành cũng như tiêu chuẩn cao do chuyên gia Pháp hỗ trợ.
Có thể khó tìm được bản vẽ gốc của tòa nhà, nhưng như tôi biết thì cách khảo sát của các chuyên gia và đội ngũ tiến hành dự án là công phu và kỹ lưỡng để đảm bảo các vấn đề về mặt kỹ thuật, kết cấu, nguyên vật liệu sao đúng nguyên tắc bảo tồn khoa học, nghiêm túc nhất.
Đơn cử, màu vôi của biệt thự với sắc đỏ - vàng hiện nay chính là màu phổ biến của các biệt thự cổ ở Hà Nội thời kỳ trước đây. Các chuyên gia Pháp cho hay màu vôi hiện tại của biệt thự cổ này dựa trên hai cơ sở:
Một là, kiểm tra lớp vữa gốc phủ bên ngoài tường rồi tìm ra màu tương tự. Các công trình khi mới làm vào đầu thế kỷ XX có màu vôi vàng và màu vôi đỏ giả màu gạch, kẻ các đường chỉ giả ốp chỉ bám sát nguyên gốc.
Hai là, dựa trên bộ ảnh của nhà nhiếp ảnh người Pháp Leon chụp năm 1915, đặc biệt là các bức ảnh màu. Mặc dù màu ảnh thời kỳ đó không thật như bây giờ nhưng vẫn thể hiện nhiều công trình được xây dựng theo kiểu biệt thự cổ này, có các lớp đan xen giữa tường vàng và tường đỏ.
Màu vôi đỏ và vàng được pha chế từ vôi nước với các bột màu làm từ khoáng chất tự nhiên sẵn có tại các vùng trung du Việt Nam, các màu tự nhiên này pha thêm hàn the để quét bên ngoài nhà, rất bền trong môi trường nhiều mưa nắng và cũng đảm bảo vệ sinh, tránh ẩm mốc, các côn trùng nguy hại.
Những màu sắc tương phản rực rỡ không chỉ làm các khối hình đắp nổi bề mặt tòa nhà được tách ra rõ hơn, tạo cảm giác vật liệu giả gạch, giả đá nổi bật hơn mà còn làm cả tòa nhà nổi bật trong khuôn viên xanh mướt, trong các con đường cũng rợp bóng cây xanh của Hà Nội trước đây.
Có thể ngày nay chúng ta nhìn màu sắc đậm đó không quen mắt, nhưng đặt trong bối cảnh Hà Nội trước đây - khi những căn biệt thự mới được xây dựng, thì màu sắc đó lại hài hòa trong tổng thể màu xanh của cây xanh ở Hà Nội.
Bảo tồn biệt thự cổ là công việc phức tạp, nhất là biệt thự đó đã trăm năm tuổi, nếu chúng ta nhìn biệt thự cổ bằng con mắt thị hiếu của ngày hôm nay thì công việc đó sẽ càng thêm những phức tạp không đáng có. Vì vậy, hãy nhìn sự việc bằng con mắt của tinh thần phục dựng di sản.
Tác giả: Ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, là nhà nghiên cứu về lịch sử kiến trúc và quy hoạch, xây dựng đô thị.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!