Tâm điểm
Bích Diệp

Lãng phí biệt thự công!

Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa có diện tích 410m2, tọa lạc ở khu "đất vàng" trên địa bàn phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang là địa chỉ gây chú ý khi bị bỏ hoang suốt 8 năm qua.

Căn biệt thự này được ông Hoàng Văn Nghiên (khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội) sử dụng trong 12 năm, trong đó có thời gian 2 năm ông Nghiên tại nhiệm và 10 năm còn lại khi đã về hưu. Đến năm 2014, nguyên Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên mới chính thức trả lại căn biệt thự cho thành phố.

Lãng phí biệt thự công! - 1

Sau khi được nguyên Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên trả lại, biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa bị bỏ hoang hơn 8 năm vì đang "chờ" nghị định của Chính phủ (Ảnh: Nguyễn Dũng).

Để có kết quả nói trên là sự vào cuộc của báo chí và cơ quan chức năng đã phải rất vất vả để đi "đòi". Mà oái oăm thay, đòi được rồi lại để hoang, không ai sử dụng! Hình ảnh căn biệt thự bề thế, tọa lạc giữa khu vực trung tâm Thủ đô nhưng lại ngập ngụa rác, các hạng mục xuống cấp khiến người xem không khỏi xót xa.

Theo lý giải thì thời gian qua TP Hà Nội chưa đưa ra phương án xử lý biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa là để "chờ quy định mới"?! Ô hay, đâu có lý nào lại thế!?

Trước hết cần khẳng định rằng việc quan chức trả lại tài sản công cho Nhà nước (nhà công, xe công) sau khi nghỉ hưu là đương nhiên và cần phải tuân thủ, bởi đó là đãi ngộ gắn với chức danh nhằm mục đích phục vụ tốt nhất cho quá trình công tác. Cán bộ khi không còn đảm đương chức vụ nữa, tất yếu phải trả lại tài sản công cho Nhà nước - đó là hành động "đúng lý, hợp tình" và thể hiện sự tự trọng, liêm khiết của người đảng viên!

Ông Hoàng Văn Nghiên chậm trễ trả lại biệt thự công cho thành phố đã là vấn đề khiến dư luận thắc mắc trong nhiều năm. Đến khi biệt thự được thu hồi thì thành phố lại chậm đưa vào khai thác, phát huy giá trị theo đúng quy định pháp luật. Dư luận thêm một lần nữa bức xúc!

Một số luật sư, đại biểu Quốc hội đã phân tích rằng, không thể đổ lỗi cho thiếu quy định, nhất là trong thời gian kéo dài tới 8 năm, vấn đề là các cơ quan tham mưu cho thành phố đã làm hết trách nhiệm hay chưa? Có tính toán rằng, giả sử tiền thuê biệt thự mỗi tháng 30 triệu đồng thì trong 8 năm qua, Nhà nước đã có thể thu về  gần 3 tỷ đồng và số tiền đó đủ để xây hàng chục căn nhà cho những gia đình nghèo ở miền núi. Thật là một sự lãng phí khủng khiếp!

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu đã chỉ ra rằng bên cạnh tham nhũng thì lãng phí cũng tác hại không kém, gây ra thất thoát lớn nguồn lực Nhà nước. Quốc hội đã ban hành nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó nêu rõ bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.

Nghị quyết này nêu lên nhiều nhóm vấn đề, bao gồm việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số Bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả, sử dụng sai mục đích, lãng phí; sắp xếp chậm, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm…

Trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội đã yêu cầu xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Từ sự việc lùm xùm liên quan đến biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa trong nhiều năm qua, có thể thấy rằng các cơ quan chức năng, các nhà quản lý cần sâu sát và trách nhiệm hơn trong việc quản lý tài sản công, nhà công, đất công. Từ thái độ trách nhiệm thì mới có những giải pháp kịp thời; còn đơn thuần đổ cho cơ chế thì e rằng khó vẫn hoàn khó, nhìn vào đâu cũng sẽ lại nảy sinh vướng mắc mà thôi.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!