Tâm điểm
Hữu Bình

27 năm chờ chinh phục "ngọn núi cao" của bóng đá Việt Nam

Trận chung kết lượt đi AFF Cup tối 2/1 đã diễn ra hấp dẫn và ngập tràn cảm xúc. Chiến thắng như món quà đầu năm, vừa giải "cơn khát" đã gần 27 năm của người hâm mộ về một chiến thắng trước Thái Lan ngay trên sân nhà. Trận lượt về đầy thử thách vẫn ở phía trước, nhưng bước đầu có thể thấy gì sau một trận đấu ý nghĩa như vậy?

"Núi cao là để vượt qua"

Vâng, xin được mở đầu bằng lời phát biểu mang tính truyền cảm hứng của huấn luyện viên (HLV) Kim Sang-sik trước trận đấu. "Lên dây cót tinh thần" cho các học trò trước trận đấu quan trọng là một phần của công việc của HLV. Và cách thầy Kim đã làm gợi cho chúng ta nhớ về Park Hang-seo, vị HLV đồng hương của ông cũng rất biết khơi gợi sự tự tin và quyết thắng trong lòng các cầu thủ, giúp họ trở thành những "chiến binh" hừng hực tinh thần chiến đấu trên sân cỏ.

Không phải tự nhiên mà giới bóng đá ví Thái Lan như "anh cả", một "ông kẹ" tại khu vực Đông Nam Á. Họ đã vô địch tới 7 trong 14 kỳ AFF Cup trước đó, từng giành huy chương đồng châu lục, và đương nhiên cũng chính là đối thủ nặng ký nhất của đội tuyển Việt Nam trong suốt hơn 34 năm qua (kể từ khi chúng ta hội nhập với sân chơi khu vực từ năm 1991).

Ngay cả Park Hang-seo, vị HLV đã xây dựng nên một đội tuyển Việt Nam thành công nhất trong lịch sử cũng chưa từng có cái "duyên" thắng được tuyển Thái Lan (điều này như một vết "gợn" trong hành trình 5 năm đầy chiến tích của ông với đội tuyển Việt Nam - ĐTVN).

27 năm chờ chinh phục ngọn núi cao của bóng đá Việt Nam - 1

Các cầu thủ Việt Nam ngăn chặn Gustavsson trong trận chung kết lượt đi tối 2/1 (Ảnh: Đỗ Minh Quân).

Thống kê cho thấy trong 29 trận đối đầu trước đó, ĐTVN chỉ thắng 3 (trong đó có 2 trận tại các giải chính thức). Lần cuối cùng thắng Thái Lan trên sân nhà diễn ra cách đây đã… 26 năm 4 tháng, tại bán kết Tiger Cup 1998 (3-0 tại sân Hàng Đẫy). Tất cả mọi con số thống kê tổng quan ấy đều nghiêng về Thái Lan - nhà đương kim vô địch của giải đấu. Ví von Thái Lan như một "ngọn núi cao" cũng chẳng quá lời!

Nhưng tại giải đấu này, trước thềm trận chung kết, người hâm mộ nước nhà đã thấy nhiều điều tích cực trong hành trình 6 trận đấu đã qua. Nhân tố nổi bật nhất không ai khác là Nguyễn Xuân Son, cầu thủ đã đem đến nguồn cảm hứng lớn cho toàn đội. Nghĩa là, thầy Kim không chỉ phát biểu kiểu "lên gân" để động viên các học trò mà hơn thế, ông có cơ sở để nghĩ về một chiến thắng, ít nhất là trong trận lượt đi để tạo nên lợi thế nhất định trước khi đôi bên tái đấu tại Bangkok vào ngày 5/1 tới.

Diễn biến của trận đấu đã cho thấy Thái Lan khó chơi như thế nào. Đội tuyển Việt Nam đã nhập cuộc bằng lối chơi tấn công hừng hực với những đòn đánh phủ đầu, bóng lên nhanh và liên tục hướng về cầu môn đối thủ với đủ các mảng miếng khá đa dạng (ngay cả các hậu vệ biên như Văn Thanh hay Văn Vĩ cũng thường xuyên dâng cao và sẵn sàng xâm nhập khu cấm địa để tung cú dứt điểm).

Thầy Kim muốn các học trò tận dụng lợi thế tinh thần trên sân nhà, lại hơn 1 ngày nghỉ, kèm theo đó là việc người Thái đã mất nhiều sức sau 120 phút đầy nhọc nhằn trước Philippines ở bán kết lượt về. Nhưng chúng ta cũng đã thấy, các trung vệ Thái Lan bình tĩnh tổ chức phòng ngự rất có kỷ luật, vừa kèm chặt Xuân Son ở phía trên, vừa luôn chủ động pressing (tạo áp lực lên đối phương) từ giữa sân.

Màn đấu trí của 2 HLV được cộng hưởng với sự nỗ lực của từng cầu thủ trên sân đã tạo nên một cuộc đọ sức toàn diện. Nó gợi cho những ai am tường môn thể thao vua liên tưởng tới các cuộc đọ sức giữa Hàn Quốc và Nhật Bản - 2 đội bóng quê hương của các vị HLV trưởng - tại đấu trường châu lục.

Một chút tiếc nuối sau những pha bỏ lỡ của Xuân Son hay Văn Thanh ở hiệp đầu càng khiến cảm xúc của người hâm mộ bùng nổ khi Xuân Son liên tiếp lập công. Thầy Kim hoàn toàn có lý khi tung thêm Quang Hải vào sân, đồng thời vẫn giữ lại "bộ đôi" Hoàng Đức - Ngọc Tân, các tiền vệ trung tâm đã chơi rất xuất sắc ở trận đấu này, qua đó giúp tuyến giữa giàu sức sáng tạo và lối đá được triển khai nhịp nhàng hơn.

Nhưng một lần nữa Thái Lan đã cho thấy bản lĩnh khi họ không hề vỡ trận, ngược lại trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều khi buộc phải dâng cao, liên tục dồn ép ở nửa cuối hiệp 2 bằng những màn phối hợp cực nhanh và sắc sảo, để rồi có bàn gỡ 1-2.

Công bằng mà nói, đội hình của họ rất đồng đều, với nhiều cầu thủ chất lượng cao (trong đó có những cầu thủ "Thái kiều" trưởng thành từ châu Âu). Nếu không có sự xuất sắc của thủ môn Đình Triệu, sự hiệu quả trong thu hồi bóng và lăn xả của Doãn Ngọc Tân, sự tập trung bọt lót của các hậu vệ thì có thể Thái Lan đã còn làm được hơn thế!

"Ngọn núi thứ 2" vẫn ở trước mặt

Khá lâu rồi, chúng ta mới lại thấy hàng triệu người khắp cả nước xuống đường "đi bão" ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá quốc gia.

Không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… mà ngay cả nhiều tỉnh lẻ cũng tràn ngập hình ảnh người dân thể hiện niềm vui, rợp màu cờ đỏ với những gương mặt đầy hân hoan. Những câu hô vang "Việt Nam vô địch", những cái đập tay, những cái ôm của những người không hề quen biết nhưng có chung một niềm hạnh phúc. 

Ngay cả rất đông người nước ngoài cũng hòa mình vào những dòng người ấy, để cùng sống trong những thời khắc ngập tràn cảm xúc của người hâm mộ. Vâng, những lúc như thế này, chúng ta càng thấy rõ hơn khả năng truyền cảm hứng của  thể thao nói chung và bóng đá nói riêng tới đời sống xã hội lớn thế nào.

27 năm chờ chinh phục ngọn núi cao của bóng đá Việt Nam - 2

Các cầu thủ Việt Nam ăn mừng sau khi Xuân Son ghi bàn mở tỷ số (Ảnh: Mạnh Quân).

Nhưng với thầy trò HLV Kim Sang-sik thì hành trình tới ngôi vô địch vẫn còn một "ngọn núi cao" nữa (thậm chí còn nhiều thử thách chông gai hơn) cần vượt qua - trận lượt về tại sân vận động Rajamangala. Ở đó, Thái Lan từng vượt qua Philippines trong trận lượt về tại vòng bán kết (sau khi cũng thất thủ 1-2 trên sân khách).

Tuyển Thái Lan hiện tại không có mặt những anh tài như Teerathep, Songkrasin, Dangda… nhưng họ đang sở hữu những ngôi sao khác thậm chí còn xuất sắc hơn thế như Ben Davis ("nhạc trưởng" ở tuyến giữa), Mickelson, Gustavson, Supanat hay Supachok.

Lợi thế sân nhà, cộng với việc buộc phải thắng sẽ khiến Thái Lan chọn cách tiếp cận rất khác, thiên về tấn công dồn ép đối thủ, điều chúng ta đã được chứng kiến ở trận bán kết hay trận chung kết lượt đi vừa qua.

"Cơn khát" thắng Thái Lan trên sân nhà đã giải tỏa rồi, niềm vui ban đầu cũng đã tận hưởng rồi, nhưng với thầy trò đội tuyển bóng đá quốc gia thì tất cả sẽ chỉ được xem như sự động viên tinh thần trước trận đấu lượt về mà thôi.

Khó khăn, thử thách và vô vàn áp lực đang chờ đợi họ trên đất Thái. HLV Kim Sang-sik và các cầu thủ hẳn đều hình dung được tất cả và sẽ có những cách để đối mặt phù hợp sau khi đã nhận diện rõ hơn về đối thủ sau trận lượt đi.

Còn với chúng ta, những người hâm mộ, hãy cùng chúc cho đội tuyển Việt Nam sẽ "chân cứng đá mềm", tiếp tục phát huy tinh thần đồng đội và quyết tâm để vượt qua ngọn núi cao trước mặt.

Kết quả xin được hậu xét (trong thể thao thật khó nói trước điều gì), nhưng chỉ cần họ sẽ cùng nhau chơi tốt, ít nhất như trận lượt đi, thì sẽ lại góp phần tạo nên một nguồn cảm hứng mới trong dịp đầu năm 2025 cho thể thao nước nhà!

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình là Phó giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!