Tâm điểm
Hữu Bình

Chuyện "lạ" và "quen" của đội tuyển dưới thời HLV Kim Sang-sik

Với trận thắng Singapore ở vòng bán kết, đội tuyển bóng đá Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên (HLV) Kim Sang-sik đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra trước giải là lọt vào chung kết AFF Cup 2024. Bước đầu đã có thể ghi nhận nhiều điều đáng chú ý trong hành trình của đội tuyển tại giải đấu lần này.

Một hành trình… khác lạ

Nhìn vào 2 trận chính thức đầu tiên dưới thời HLV Kim Sang-sik (cũng là 2 trận cuối của vòng loại thứ 2 World Cup 2026), và những trận đấu giao hữu trước giải, nhiều người có lẽ đã không tránh khỏi nghi ngờ vào khả năng của đội tuyển.

Không kể trận thắng 3-2 lần đá tập với đội Thép Xanh Nam Định, loạt trận đầu tiên của đội tuyển "thời thầy Kim" chỉ ghi nhận một chiến thắng chật vật (3-2) trước Philippines tại vòng loại World Cup, còn lại là các trận thua Iraq, Nga, Thái Lan và hòa Ấn Độ.

Chuyện lạ và quen của đội tuyển dưới thời HLV Kim Sang-sik - 1

HLV Kim Sang-sik (Ảnh: Thành Đông).

Điều "lạ" thứ 2 là việc đội tuyển lần đầu tham gia một giải chính thức mà không thi đấu tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Nguyên nhân của điều này từng được chúng tôi lý giải trong bài viết gần đây. Và khi bầu không khí cuồng nhiệt trên sân Việt Trì đã từ "lạ" thành "quen" với không chỉ các cầu thủ mà người hâm mộ cả nước, thì việc trở lại sân Mỹ Đình để đá bán kết hay chung kết không còn là điều quá quan trọng nữa!

Khoảng thời gian tập trung đội tuyển trước giải gần 1 tháng, nhưng Ban huấn luyện thường xuyên không có đủ quân số do các cầu thủ phải thi đấu tại cúp châu Á, một số mới trở lại sau chấn thương cần thêm thời gian để đạt thể lực tốt nhất. Nhưng điều nhiều người thấy "lo" hơn là trong suốt quá trình ấy, HLV Kim Sang-sik dường như vẫn chưa tìm được đội hình mà ông ưng ý nhất. Thậm chí đến khi bước vào giải, người ta vẫn thấy ông liên tục "xoay tua" cầu thủ, không trận nào giống trận nào, 6 trận đã qua là 6 lần thay đổi.

Đây là điều thật sự hiếm thấy ngay cả dưới thời của người tiền nhiệm đồng hương đến từ Hàn Quốc- ông Park Hang-seo (người cũng thường có những quyết định sử dụng nhân sự bất ngờ). Trong đó, các vị trí hậu vệ/tiền vệ cánh, tiền vệ trung tâm, tiền đạo và ngay cả thủ môn đều liên tục có sự thay đổi. Về khía cạnh tích cực, sự luân chuyển này giúp các cầu thủ có thêm thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo thể lực tốt nhất khi thi đấu trong bối cảnh mật độ dày. Nhưng ngược lại, nó có thể khiến một số vị trí chơi chưa thực sự ăn ý, lạc nhịp, thiếu độ "kết dính", vừa không phát huy được tốt nhất năng lực của từng cá nhân, vừa khiến hiệu quả lối chơi không được thể hiện tốt nhất.

Từ điều "lạ" trên dẫn tới điều "lạ" khác: Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã có chuỗi… 5 trận liên tiếp không ghi bàn trong hiệp 1 tại AFF Cup (cho tới trước trận bán kết lượt về), ngay cả khi đối thủ là những đội dưới cơ như Lào hay Myanmar. Đây là một điều chưa từng xảy ra tại các giải trước đó, dù HLV trưởng là ai.

Điều thú vị ở chỗ, trong tất cả các trận ấy, nhìn chung đội đều chơi tốt lên và có bàn thắng trong hiệp 2. Điều này cũng có nghĩa, HLV Kim Sang-sik khá giỏi trong việc nhìn nhận, đánh giá tình hình thực tế sau mỗi hiệp đấu để rút kinh nghiệm và chỉ cho các cầu thủ phải làm gì để chơi bóng hiệu quả hơn ở hiệp còn lại.

Hành trình 6 trận đã qua cũng khác lạ, bởi có thể chia thành 2 phần, nửa đầu (3 trận) không có sự tham gia của Nguyễn Xuân Son, đội tuyển của chúng ta thắng Lào 4-1, Indonesia 1-0 và hòa Philippines trong 1 trận đấu nhiều vị trí đá không đúng sức trên mặt sân cỏ nhân tạo và ai cũng đã nghĩ có thể thất bại.

Chân sút gốc Brazil xuất hiện từ trận Việt Nam gặp Myanmar, ngay lập tức hàng công của đội tuyển trở nên biến hóa hơn, tạo nên chiến thắng 5-0 thật sự tưng bừng. Sẽ là hơi thừa khi nhắc lại ảnh hưởng của Nguyễn Xuân Son tới đội tuyển, cả trong khả năng lôi kéo, tạo khoảng trống, trực tiếp tạo cơ hội cho bản thân và đồng đội bằng sự càn lướt và khéo léo. Có Xuân Son, một chút "cấn cá" về hiệu quả dứt điểm của hàng công lập tức được cải thiện. Son hay đã đành (ghi 5 bàn, dẫn đầu danh sách ứng cử viên vua phá lưới chỉ sau 3 trận), mà sự hiện diện của Son còn giúp Tiến Linh có cơ hội liên tục lập công (4 bàn), và truyền cảm hứng cho các đồng đội khác. Vậy nên, nhiều chuyên gia khẳng định, không phải trong lịch sử bóng đá Việt Nam mà ngay cả Đông Nam Á cũng chưa từng xuất hiện 1 tiền đạo toàn diện như thế.

Tới điều tích cực rất… thân quen

Tình yêu Việt Nam của Nguyễn Xuân Son không chỉ thể hiện qua lời nói mà bằng chính hành động cụ thể. Hình ảnh Nguyễn Xuân Son tập trung hát quốc ca rất đúng lời, hôn lên lá Quốc kỳ trên ngực áo, ôm chầm đồng đội sau khi ghi bàn, thường cùng Tiến Linh "ghép hình trái tim" sau các bàn thắng hay chia vui với người hâm mộ sau trận đấu… tất cả đều rất tự nhiên, đi thẳng vào trái tim của người hâm mộ. Son không hề "diễn", mà anh đang thật sự chìm đắm trong một niềm đam mê vô bờ bến - được "cháy" vì đội tuyển Việt Nam và khát khao thành công dưới màu cờ, sắc áo đội tuyển!

Một Xuân Son rất xuất sắc, nổi bật như thế, nhưng lại không có chút gì xa cách, anh vừa nỗ lực ghi bàn, vừa luôn sẵn sàng "làm bóng", tạo cơ hội cho các đồng đội khác, thậm chí chủ động 2 lần nhường sút penalty cho Tiến Linh trong 2 trận bán kết với Singapore. Chơi bên cạnh Xuân Son, không chỉ Tiến Linh mà cả Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Văn Toàn hay Đinh Thanh Bình đều hay hơn hẳn!

Chuyện lạ và quen của đội tuyển dưới thời HLV Kim Sang-sik - 2

Nguyễn Xuân Son gây ấn tượng mạnh trong màu áo đội tuyển Việt Nam (Ảnh: Mạnh Quân).

Vâng, với tính cách và hành động như thế, Son đã tìm được một vị trí đương nhiên trong đội hình chính và nhận được sự ủng hộ của các tuyển thủ khác. Hoàn toàn không có dấu hiệu gì của sự phân biệt giữa các cầu thủ, nhóm cầu thủ trong đội tuyển hiện tại (trong quá khứ từng xảy ra điều này), thay vào đó là hình ảnh của một tập thể thật sự gắn bó và sẵn sàng sẻ chia.

Chuyện thầy Kim liên tục "xoay tua" đội hình hóa ra không khiến các cầu thủ bị áp lực "cạnh tranh vị trí". Thậm chí, họ có thể thoải mái hơn vì… ai cũng đến lượt cả thôi. Và tôi rất thích thú khi chứng kiến cảnh các tuyển thủ của chúng ta khoác vai nhau sau mỗi bàn thắng, thể hiện tinh thần đoàn kết vô cùng đáng quý.

Điều tích cực này thật sự rất… quen. Tôi nhớ lại trước đây, HLV Park Hang-seo từng tiết lộ "bí quyết" thành công lớn nhất của ông chính là tạo nên đội bóng "như một gia đình", HLV trưởng như người cha tinh thần, các trợ lý như người chú người anh, còn các cầu thủ như thể anh em một nhà. Từ nền tảng ấy, ông truyền ngọn lửa tự tin để các cầu thủ không còn "sợ" khi đối đầu những đội bóng lớn tại châu lục, phát huy tối đa lối chơi phòng ngự phản công hiệu quả. Dường như HLV Kim Sang-sik, người được chính HLV Park Hang-seo giới thiệu (ông cũng từng khẳng định đã học hỏi nhiều từ thầy Park) cũng đang tạo nên một tập thể gần như thế.

Những điều "lạ" và "quen" ấy đan cài, hòa quyện vào nhau, để rồi tạo nên một hành trình thú vị và thực sự đáng nhớ của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại giải vô địch Đông Nam Á kỳ này. Giờ đây, khi đội tuyển đã tiến tới 2 trận chung kết (ngày 2/1 tại sân nhà và 5/1 tại sân đối phương), hẳn ai cũng đang nghĩ về chức vô địch. Còn đó một chút lo lắng về nhân sự khi sau Văn Toàn, tới lượt Tấn Tài chia tay giải sớm vì chấn thương; sự e ngại khi các cầu thủ vẫn dính nhiều thẻ vàng không đáng có, cũng như việc còn chưa hiệu quả trong khả năng đánh chặn ở giữa sân. Nhưng, qua theo dõi các trận đấu tại giải lần này thì có thể nói mặt bằng trình độ của đối thủ không hơn chúng ta.

Hãy cùng chúc đội tuyển vượt khó để rồi vượt luôn "chỉ tiêu" tại giải đấu, qua đó giải được cơn khát trong lòng người hâm mộ nước nhà!

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình là Phó giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!