20 phương thức xét tuyển đại học và bài toán chất lượng
Một mùa thi đại học đã khép lại với việc các trường công bố điểm chuẩn. Thiết nghĩ đây là lúc nên nhìn lại phương thức tuyển sinh đại học để cơ quan quản lý và các trường tính toán đường dài, cho năm học tới và những năm sau nữa.
Mấy năm qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các trường đại học, cao đẳng được sử dụng 20 phương thức xét tuyển. Các trường có thể lựa chọn áp dụng phương thức nào phù hợp với mục tiêu tuyển sinh. Đây là một quyết định có ưu điểm là cởi mở, tăng tính tự chủ đại học. Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh khác, việc áp dụng các phương thức xét tuyển đa dạng như vậy có thể nảy sinh một số bất cập về chất lượng sinh viên.
Xin liệt kê chi tiết 20 phương thức xét tuyển như sau:
1/Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT
2/Xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ)
3/Xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh (Điều 8)
4/Xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo Đề án và các phương thức khác
5/Xét tuyển thẳng theo Đề án của cơ sở đào tạo
6/Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tự tổ chức để xét tuyển
7/Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển
8/Thi văn hóa do cơ sở đào tạo tổ chức để xét tuyển
9/Sử dụng kết quả thi văn hóa do cơ sở đào tạo khác tổ chức để xét tuyển
10/Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển
11/Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển
12/Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển
13/Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển
14/Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển
15/Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển
16/Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT nước ngoài
17/Xét tuyển qua phỏng vấn
18/Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với phỏng vấn để xét tuyển
19/Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với phỏng vấn để xét tuyển
20/ Sử dụng phương thức khác
Nhìn vào danh sách trên, ta có thể thấy về cơ bản sẽ có các kiểu phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp, trên điểm học bạ, điểm thi năng khiếu, chứng chỉ quốc tế, phỏng vấn, tuyển thẳng, tuyển qua kỳ thi riêng của trường hay hệ thống trường để đánh giá năng lực và tư duy… Sau đó là các kiểu phối hợp một số phương thức với nhau. Và kiểu thứ 20 rất mở, khi cho sử dụng các phương thức khác nằm ngoài 19 phương thức kể trên.
Hầu hết đại học, cao đẳng sử dụng 4-5 phương thức xét tuyển phù hợp với điều kiện và tiêu chí của trường mình. Trường nào ở trong nhóm dẫn đầu thì thường chọn các phương thức khó; riêng nhóm trường Y dược và Sư phạm được quy định cần có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ở phương thức xét tuyển bằng học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Còn các trường ở hạng thấp hơn theo đánh giá của cộng đồng người học thì sẽ sử dụng các phương thức dễ dàng, đa dạng và linh hoạt. Sự cởi mở này giúp các đại học "thường thường bậc trung", phần nhiều là đại học của địa phương, có thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu đặt ra.
Nhìn vào các phương thức xét tuyển đại học, có thể thấy sự chênh lệch về chất lượng giữa sinh viên tuyển bằng phương thức khó (qua các kỳ thi đầu vào) với sinh viên theo phương thức dễ (ví dụ, đơn thuần chỉ dùng điểm học bạ hoặc dùng học bạ như một yếu tố quan trọng trong các phương thức xét tuyển tổng hợp).
Đã có nhiều ý kiến lo ngại việc điểm học bạ có thể bị "làm đẹp", bị "chạy chọt" để nâng cao, lấy điểm vào đại học. Trong khi đó, chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các trường và địa phương có thể dẫn tới việc dù điểm trên học bạ như nhau, nhưng chất lượng học tập của học sinh thì rất khác nhau. Và nếu dựa vào phương thức này thì học sinh trường nào được chấm điểm sát sao, trung thực có thể không cạnh tranh được với học sinh ở những trường chấm điểm "thoáng" hơn.
Báo chí đã công bố một số con số đáng suy nghĩ. Theo kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm trung bình học bạ các môn tương ứng năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, nhiều môn có chênh lệch giữa điểm thi và học bạ lớn. Như Lịch sử chênh gần 2,7 điểm (điểm thi trung bình cả nước là 4,971 nhưng học bạ lên tới 7,659); Sinh học chênh 2,07; Tiếng Anh 1,247.
Sự chênh lệch trên phần nào cho thấy việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với thi tốt nghiệp.
Theo kết quả đối sánh được Vụ Giáo dục Đại học công bố tại hội nghị tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại TPHCM vào tháng 3/2024, có tới 60% thí sinh đỗ đại học bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp ở tổ hợp ba môn thấp hơn 3 điểm so với những em đỗ đại học bằng điểm thi tốt nghiệp. Từ đây có thể thấy vấn đề dùng điểm học bạ của học sinh để xét tuyển vào đại học thế nào vẫn là câu hỏi lớn.
Giả sử ta tôn trọng quyền được học đại học của các cháu, từ đó có những phương thức tuyển sinh rất dễ dàng, thì vấn đề chất lượng của sinh viên khi tốt nghiệp cần được quan tâm và có cơ chế kiểm soát thật tốt bằng các kỳ thi đầu ra. Nghĩa là vào đại học có thể không khó, nhưng rất khó tốt nghiệp nếu sinh viên không thực sự lao vào học hành tử tế.
Tuy nhiên điều này cũng đang là một vấn đề lớn, trong bối cảnh các trường đại học có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi và xuất sắc rất cao. Nhiều trường công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi là 73% cho tới 76%.
Từ các vấn đề nêu trên, thiết nghĩ các đại học, cao đẳng cần phải xem lại phương thức tuyển sinh của mình sao cho chặt chẽ, đảm bảo chất lượng đầu vào. Đồng thời từ đó, các trường cũng cần siết lại cung cách giảng dạy và đánh giá chất lượng đầu ra. Bởi vì nếu không thì những kết quả thành tích trên giấy của các em sẽ không thể che lấp chất lượng nhân sự khi gia nhập thị trường lao động.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!