Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Xét tuyển sớm ở đại học và những hệ lụy

Ngày 13/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bắt đầu quy trình "lọc ảo", mà theo công bố của Bộ là sử dụng phần mềm xét tuyển để lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường (đại học) khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà trường gửi lên hệ thống.

Việc lọc ảo này sẽ phải làm 6 lần. Lần lọc ảo thứ 6 sẽ hoàn thành vào 16h ngày 17/8. Sau đó, các trường tải về kết quả xử lý nguyện vọng lần thứ 6 và chuẩn bị cho việc công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Bên cạnh quá trình lọc ảo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị cũng hình thành 2 nhóm lọc ảo phía Bắc và phía Nam. Nhóm lọc ảo phía Bắc do Đại học Bách khoa chủ trì và nhóm lọc ảo phía Nam do Đại học Quốc gia TPHCM điều phối.

Xét tuyển sớm ở đại học và những hệ lụy - 1

Các thí sinh tham dự thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Mạnh Quân).

Sở dĩ có chuyện lọc ảo này là vì các trường chia ra hai đợt xét tuyển, xét tuyển sớm và xét tuyển sau khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Các đợt xét tuyển này mỗi trường đưa ra các tiêu chí xét tuyển khác nhau. Đó là chưa kể thí sinh còn có nhiều nguyện vọng vào các trường và ngành khác nhau theo thứ tự ưu tiên. Chính vì vậy nếu không lọc ảo thì con số chỉ tiêu tuyển sinh và lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào từng trường sẽ có độ chênh rất lớn.

Tuy nhiên nhìn vào quá trình tuyển sinh theo các phương thức xét tuyển hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các đại học đang thấy nổi lên những tồn tại với phương thức xét tuyển sớm, thường rơi vào hai vấn đề.

Một là có không ít học sinh sau khi đã biết đậu đại học từ sớm thì chỉ học phần còn lại của chương trình phổ thông cho xong, thi đạt điểm tốt nghiệp là được mà không nỗ lực hay cố gắng hết mình.

Hai là chỉ tiêu xét tuyển sớm mà các đại học đưa ra có thể dẫn tới tình trạng thiếu công bằng, và lại dẫn tới độ ảo rất khó có căn cứ để xác minh. Ví dụ, một trường có 100 chỉ tiêu ngành A, trường ấn định 60 chỉ tiêu cho xét tuyển sớm.  Vậy căn cứ nào để đưa ra con số 60 này?

Một tình huống khác là trường chưa dự báo được tỷ lệ ảo, nên chỉ tuyển 100 sinh viên nhưng nâng lên 200 chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, đến cuối cùng thì đủ 100 thí sinh đăng ký xét tuyển sớm. Như vậy, khi đã tuyển đủ chỉ tiêu xét tuyển sớm rồi sẽ không còn chỉ tiêu cho các trường hợp khác nữa.

Tóm lại, để giải quyết 2 vấn đề tồn tại trên, ta cần xem xét các giải pháp cụ thể, mà nhiều quốc gia có nền giáo dục tiến bộ trên thế giới đã áp dụng.

Thứ nhất, nhiều nước trên thế giới cho học sinh xét tuyển rất sớm. Ví dụ Mỹ hay Canada đều là các quốc gia cho học sinh nộp đơn xét tuyển sớm tùy từng trường, thậm chí ngay khi các em học xong lớp 11. Song các trường đại học đó đều ghi rõ tiêu chí điểm số, các môn học cần đủ tín chỉ tại cấp trung học phổ thông cho các em. Vì vậy các em buộc phải hoàn tất nghiêm túc, đầy đủ, đạt tiêu chuẩn khi tốt nghiệp lớp 12; nếu không đạt thì các em sẽ bị hủy kết quả vào đại học.

Vì vậy, xét tuyển sớm hay trễ với họ không phải là vấn đề, học sinh vẫn phải học hành tử tế từ đầu tới cuối vì đã có quy định và tiêu chuẩn rõ ràng.

Xét tuyển sớm ở đại học và những hệ lụy - 2

Quy trình xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ hai là phương thức xét tuyển. Các trường có thể đưa ra phương thức xét tuyển riêng tổng hợp từ các phương thức đáng tin cậy và khoa học, căn cứ vào thành tích, điểm số. Tuy nhiên để công bằng thì nên có điều kiện kèm theo. Ví dụ học sinh tham gia xét tuyển sớm thì phải đi kèm với quyết định sớm. Nếu đã đồng ý với kết quả trường nhận sớm, các em sẽ chỉ được cam kết với một trường và sau đó không được phép tham dự kỳ xét tuyển thông thường nữa. Như vậy sẽ có một kết quả thật ngay sau đợt đó chứ không sợ bị ảo mà phải lo lọc đi lọc lại nhiều lần.

Còn em nào muốn chọn nhiều trường, sau khi được xét tuyển sớm và nghĩ lại thì sẽ rút đơn ở trường đó, nộp đơn vào kỳ xét tuyển thông thường và báo cho trường nào mà mình chọn học. Khi đó công tác quản lý thí sinh trúng tuyển sẽ dễ dàng hơn, vì Bộ và các trường nắm chắc thông tin của từng đợt xét tuyển.

Về cạnh tranh thu hút thí sinh, trường nào tốt sẽ có tỷ lệ chọi cao và được học sinh đủ điều kiện chọn lựa. Những trường này có thể chỉ cần 2 đợt xét tuyển là đủ. Những trường nào không có sức thu hút, thì sẽ được phép tuyển không chỉ 2 đợt mà có thể 3-4 đợt để đón những em trượt từ các trường tốt, các nguyện vọng ưu tiên. Cách làm này thuận lợi hơn cho các trường khi xét tuyển và người học thì thấy rõ mình đủ năng lực vào trường nào, phải chuẩn bị ra sao.

Như vậy ở đây chỉ cần điều chỉnh lại các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình sao cho hợp lý, hợp tình, là cả Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các đại học và thí sinh sẽ dễ dàng hơn trong tuyển sinh đại học, tránh được phiền toái và lãng phí. Điều này nếu làm tốt cũng sẽ tránh việc mỗi năm thay đi đổi lại quy định rất mệt mỏi cho các bên liên quan.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!