Từ "điểm chuẩn" nghĩ về phương thức tuyển sinh đại học
Hầu hết các trường đại học trên toàn quốc đã công bố điểm chuẩn năm 2022. Mức điểm cao nhất thuộc về Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), với điểm trúng tuyển lên tới 29,95, ghi nhận ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) dành cho 3 ngành Hàn Quốc học, Đông phương học và Quan hệ công chúng; ngành Báo chí lấy 29,9 điểm.
Điểm chuẩn một số ngành, nhóm ngành có sự tăng mạnh so với năm trước nên nhiều người nhận xét là "điểm chuẩn" quá cao. Thậm chí có người còn so sánh với điểm chuẩn tuyển sinh vào Đại học từ những năm có riêng một kỳ thi này. Đây là so sánh rất khập khiễng. Thực ra mức "điểm chuẩn" như các trường đã công bố không hề đáng ngạc nhiên đến thế!
Ngay từ khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp và phổ điểm của một số tổ hợp thường xét tuyển, đã có chuyên gia đưa ra những nhận định thiếu chặt chẽ.
Xin nhắc lại những điều mà tại thời điểm đó tôi đã lưu ý với các học sinh và phụ huynh cần "cảnh giác". Bởi vì:
Thứ nhất, nói điểm một môn nào đó hay tổ hợp xét tuyển nào đó tăng hay giảm so với năm trước là thống kê trên quy mô toàn quốc, còn điểm chuẩn xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp của một ngành hay một trường sẽ phụ thuộc vào điểm của tập hợp các thí sinh có cùng nguyện vọng vào ngành đó hay trường đó mà thôi. Bởi vậy điểm môn hay tổ hợp nào đó giảm chưa hẳn đã làm cho điểm chuẩn xét tuyển giảm theo. Ví dụ phổ điểm môn tiếng Anh năm nay có thể giảm, nhưng điểm chuẩn vào trường Đại học Ngoại thương (với tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh) vẫn cao.
Thứ hai, điểm chuẩn bây giờ khác với điểm chuẩn trước đây. Trước đây điểm chuẩn là chung với mọi thí sinh, vì căn cứ vào điểm thi của cùng một kỳ thi tuyển sinh đại học, còn nay chỉ là điểm chuẩn cho phương án xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT trong nhiều phương thức xét tuyển khác. Những học sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác sẽ không cần quan tâm tới "điểm chuẩn" này. Được biết đã có 400.000 thí sinh trúng tuyển sớm bằng các phương thức khác và chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Hiện các trường đại học được xét tuyển theo nhiều phương thức, ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT, còn có các phương thức như xét tuyển bằng học bạ, tổ chức kỳ thi riêng của trường, xét tuyển thẳng, xét tuyển ưu tiên, xét tuyển theo các chứng chỉ quốc tế… Khi số chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm nhiều thì sẽ làm điểm chuẩn cao lên. Được biết có trường, có ngành chỉ tiêu này giảm một nửa so với năm trước. Thậm chí có trường đã thông báo từ năm 2023 sẽ không xét tuyển bằng phương thức này.
Theo tôi việc xét tuyển Đại học bằng các phương án tuyển sinh khác, không phụ thuộc vào điểm số của kỳ thi tốt nghiệp THPT, là xu hướng cần thiết. Một trong những lý do là đề thi tốt nghiệp THPT không có nhiệm vụ phân hóa để tuyển sinh đại học, các trường chỉ nên dùng kết quả tốt nghiệp THPT và điểm học bạ để sơ khảo mà thôi.
Ngành giáo dục nên đẩy mạnh xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập. Các Trung tâm này sẽ tổ chức thi nhiều đợt trong năm như thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hiện nay. Thí sinh thi chưa thỏa mãn về kết quả có thể ôn tập để đăng ký thi lại.
Các trường có thể sử dụng kết quả của các kỳ thi này tương tự như dùng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy của một số cơ sở đại học hiện nay để lên phương án tuyển sinh; cũng không nên quay trở lại tình trạng như trước đây trường nào cũng tổ chức thi gây tốn kém xã hội.
Ngoài ra, các trường có thể liên kết với nhau để tổ chức kỳ thi chung, sử dụng kết quả của trung tâm khảo thí để làm căn cứ tuyển sinh thì điều này mới là xu hướng tốt.
Tác giả: Ông Lê Thống Nhất, 67 tuổi, là tiến sĩ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy Toán; từng giảng dạy tại Khoa Toán, khối Chuyên Toán, Đại học Vinh.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!