Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Tuyển sinh đại học và điểm thi tốt nghiệp THPT

Chỉ còn vài tháng nữa đến kỳ thi tuyển sinh đại học, tôi lại được giao trách nhiệm tư vấn hướng nghiệp cho các em, các cháu trong nhà. Theo sát kỳ thi đại học qua từng năm mới thấy, phương thức xét tuyển thi đại học đã thay đổi khá nhiều so với thế hệ tôi cách đây gần 15 năm.

Một trong những điểm được nhiều người quan tâm trong câu chuyện xét tuyển đại học là việc các trường có thể chủ động xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau.

Trên thực tế quy chế này không mới khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã "mở cửa" cho các trường xét tuyển chủ động từ 2015, và đến năm 2019 nhiều trường bắt đầu thực hiện các phương thức xét tuyển riêng. Nhìn chung các chuyên gia đều cho rằng việc để các trường chủ động trong xét tuyển là một chính sách hợp lý, phù hợp với đặc điểm của từng trường, từng ngành học cũng như phù hợp với xu hướng giáo dục trên thế giới. 

Tuyển sinh đại học và điểm thi tốt nghiệp THPT - 1

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (Ảnh: M.Q.).

Tại nhiều nước phương Tây như Mỹ, các trường đại học từ lâu đã tự chủ tuyển sinh với đa dạng các phương pháp xét tuyển. Tuy không có kỳ thi tốt nghiệp THPT, với những học sinh theo học hình thức homeschool (tự học ở nhà) hay học sinh bị gián đoạn việc học, các em vẫn phải tham gia kỳ thi GED (General Education Development) với 5 môn để tốt nghiệp cũng như làm căn cứ xét tuyển đại học.

Với những học sinh theo học trung học phổ thông bình thường, hoàn thành chương trình học đồng nghĩa với việc tốt nghiệp trung học phổ thông. Phương thức xét tuyển đại học cũng rất đa dạng, từ bảng điểm 4 năm, điểm thi SAT hay ACT (các bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ), bài luận, phỏng vấn.

Quay lại với câu chuyện giáo dục trong nước, bên cạnh việc mở cửa cho các trường chủ động với đa dạng phương thức xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vẫn khuyến khích các trường sử dụng điểm từ kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT). Không ít người quan ngại điểm thi tốt nghiệp không phân hóa được hết học sinh, vàng thau lẫn lộn, vừa thiệt thòi cho các thí sinh giỏi, vừa không giải quyết được bài toán thu hút nguồn sinh viên chất lượng cho các trường đại học. 

Quan ngại trên không phải không có căn cứ, nhưng khi nhìn vào câu chuyện điểm tốt nghiệp sẽ thấy nhiều lợi ích đáng để các trường cân nhắc.

Thứ nhất, kỳ thi tốt nghiệp đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, dù ở thành phố hay nông thôn. Đây là một điều quan trọng trong giáo dục, đặc biệt với giáo dục phổ thông. Là một kỳ thi tại chỗ, thi tốt nghiệp cho phép thí sinh không tốn tiền di chuyển, ăn ở hay phải làm quen với môi trường mới trước kỳ thi. 

Tôi đồng ý rằng khái niệm "công bằng" chưa thể trọn vẹn, khi hàng năm vẫn có vụ việc gian lận ở một vài hội đồng thi bị phanh phui. Nhưng một vài con sâu không khiến cho kỳ thi tốt nghiệp mất đi yếu tố công bằng với phần lớn thí sinh. Việc các trường sử dụng những điểm số như IELTS, TOEFL tạo ra rào cản giữa học sinh từ các gia đình có điều kiện kinh tế và phần lớn gia đình ở nông thôn.

Kỳ thi riêng của các trường đại học mang tính phân loại tốt nhưng đòi hỏi thí sinh phải học thi và luyện thi riêng, bên cạnh việc tập trung cho ôn thi tốt nghiệp. Không phải học sinh nào cũng có thể dành toàn thời gian cho việc ôn tập thi cử nếu còn những gánh nặng gia đình.

Thứ hai, tổ chức một kỳ thi không hề đơn giản và tốn kém. Nếu phụ thuộc vào các chứng chỉ quốc tế (đa phần là chứng chỉ ngoại ngữ), câu chuyện quay về vấn đề bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Nhưng để các trường có thể tổ chức một kỳ thi trơn tru đòi hỏi một quy trình chuẩn hóa, đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Trong xu hướng chung tự chủ tài chính của các trường đại học, việc giảm thiểu các kỳ thi cũng giúp các trường giảm chi phí, nhìn xa hơn là bớt áp lực lên học sinh. Hiện nay, chỉ có một vài cơ sở đại học tại Việt Nam tổ chức kỳ thi riêng như Đại học Quốc gia, Đại học Bách Khoa…, và nhiều trường đại học khác cho phép thí sinh sử dụng kết quả từ các kỳ thi này khi xét tuyển vào trường. 

Thứ ba, Bộ GD&ĐT không yêu cầu các trường phải dành bao nhiêu phần trăm cho việc tuyển sinh dựa trên kỳ thi tốt nghiệp, mà chỉ khuyến khích các trường đại học dựa trên lợi ích của thí sinh cũng như giảm áp lực tổ chức kỳ thi cho mỗi trường. Về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp vẫn mang tính quốc gia và đảm bảo được hầu hết những tiêu chí cần có ở một kỳ thi tuyển sinh lớn như dễ tiếp cận, mang tính tổng thể, theo sát nội dung chương trình học phổ thông tạo ra một thước đo chung. Bên cạnh đó, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng tạo được niềm tin với thí sinh, gia đình và xã hội.

Ngoài ra, phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT còn giúp giảm thí sinh ảo so với những phương thức như xét học bạ khi số thí sinh ảo lớn, trúng tuyển nhiều nhưng nhập học không nhiều. Đây là một vấn đề đã được ghi nhận qua kỳ thi những năm trước đây. 

Rõ ràng việc xét tuyển đại học dựa vào điểm thi tốt nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho đa số học sinh Việt Nam. Và để phát huy lợi ích của kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngành Giáo dục có thể đưa ra các đề thi có tính phân hóa cao hơn, vì đây chính là cách để khuyến khích các trường đại học sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển.

Về phía các trường đại học, việc lựa chọn phương thức tuyển sinh nào, mỗi phương thức áp dụng với tỷ lệ bao nhiêu sẽ dựa trên mục đích, yêu cầu của nhà trường. Thiết nghĩ, khi tính phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT được nâng cao, thì việc dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển là một lựa chọn tốt bên cạnh các phương thức khác như phân tích ở trên.

Theo quan sát của tôi, gần đây khi một số trường đại học nhóm đầu ở Mỹ đưa điểm thi SAT vào yêu cầu tuyển sinh bắt buộc, dư luận đã chia làm hai luồng quan điểm. Một bên cho rằng những bài thi tốn kém như SAT sẽ chỉ có lợi cho học sinh từ các gia đình kinh tế tốt, vô tình khiến các thí sinh ở những gia đình thu nhập thấp bị thiệt thòi. Một bên cho rằng khi học bạ và điểm số ở bậc trung học không đáng tin cậy, một kỳ thi chuẩn hóa như SAT sẽ là một thước đo chính xác hơn. 

Như vậy, các nước dù có hệ thống giáo dục khác nhau, thì cuối cùng cũng nảy sinh vấn đề khá tương đồng về tuyển sinh đại học. Tìm ra một phương án tối ưu không phải một điều đơn giản. Tôi cho rằng hiện nay điểm thi tốt nghiệp THPT ở Việt Nam vẫn là một "chiếc phao" an toàn để nhiều trường đại học neo vào.

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!