DNews

Khúc mắc chờ lời giải đáp sau phiên đấu giá biển số thất bại

T.Thủy

(Dân trí) - Cư dân mạng đã đưa ra những câu hỏi về năng lực và trách nhiệm của đơn vị tổ chức đấu giá biển số xe đẹp sau sự cố trang web bị "sập" ngay khi vừa bắt đầu phiên đấu giá.

Khúc mắc chờ lời giải đáp sau phiên đấu giá biển số thất bại

Như Dân trí đã đưa tin, sáng 22/8, khi bắt đầu phiên đấu giá đầu tiên loạt biển số ô tô đẹp, trang web của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam (VPA) - đơn vị tổ chức đấu giá trực tuyến biển số ô tô - đã lập tức bị "sập" và không thể truy cập được.

Trang web của VPA bị

Trang web của VPA bị "sập" ngay khi bắt đầu phiên đấu giá biển số xe (Ảnh chụp màn hình).

Sự việc đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận và cộng đồng mạng trong nước, khi đây là lần đầu tiên có một phiên đấu giá biển số xe đẹp được thực hiện tại Việt Nam và mọi quá trình đấu giá, từ đăng ký, đặt tiền cọc và phiên đấu giá… đều được thực hiện qua mạng.

Tranh luận về năng lực của VPA - đơn vị tổ chức đấu giá trực tuyến biển số ô tô

Nhiều bài viết thảo luận về phiên đấu giá biển số xe thất bại xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến về ô tô, trong đó, nhiều cư dân mạng đã đặt ra câu hỏi về năng lực của VPA, đơn vị tổ chức đấu giá trực tuyến biển số xe.

VPA đưa ra lý do lỗi kỹ thuật khiến phiên đấu giá vào sáng 22/8 bị hủy bỏ (Ảnh chụp màn hình).

VPA đưa ra lý do lỗi kỹ thuật khiến phiên đấu giá vào sáng 22/8 bị hủy bỏ (Ảnh chụp màn hình).

"Đấu giá biển số xe với người tham gia trên khắp cả nước, do vậy chắc chắn lượng truy cập vào một thời điểm sẽ rất lớn, chẳng lẽ VPA không biết điều này? Nếu không biết chứng tỏ khả năng dự đoán tình huống của VPA quá kém, còn nếu biết mà không xử lý được thì năng lực và nền tảng kỹ thuật của VPA quá tệ", tài khoản Facebook B.Phước bình luận.

"Có thể xem phiên đấu giá là một sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, nhưng khâu chuẩn bị của VPA lại quá yếu kém. Bao nhiêu người tham gia đấu giá sẽ phải gác lại mọi công việc, chuyện riêng để chờ đấu giá, mà lại gặp lỗi, vậy thì ai sẽ đền bù cho họ đây?", tài khoản Facebook A.Hoàng nhận xét.

"Lượng truy cập vào phiên đấu giá chắc chắn sẽ ít hơn so với lượng người truy cập để xem điểm thi tốt nghiệp THPT hàng năm, vậy mà hệ thống tra cứu điểm thi vẫn chịu được bao nhiêu năm nay, còn hệ thống của VPA bị sập ngay từ lần đầu tiên, chứng tỏ năng lực của VPA quá kém cả về khả năng tổ chức lẫn cơ sở hạ tầng mạng", người dùng Facebook D.Hiếu bình luận.

"Tôi không có nhiều kiến thức về công nghệ và quản trị mạng, nhưng tôi cũng biết được rằng lượng truy cập khi diễn ra phiên đấu giá sẽ tăng đột biến, chẳng lẽ đội ngũ kỹ thuật của VPA không lường trước điều này để có giải pháp xử lý hay sao?", tài khoản Facebook có tên C.Hữu nhận xét.

Một cư dân mạng bày tỏ sự bức xúc trên nhóm Facebook chuyên về chủ đề xe ô tô (Ảnh chụp màn hình).

Một cư dân mạng bày tỏ sự bức xúc trên nhóm Facebook chuyên về chủ đề xe ô tô (Ảnh chụp màn hình).

Có chung quan điểm với cư dân mạng, anh Nguyễn Quang Hiếu, một chuyên gia quản trị hệ thống mạng đang làm việc tại Hà Nội, cho rằng lý do hệ thống quá tải khiến phiên đấu giá bị ngừng lại là rất khó để chấp nhận.

"Việc hệ thống bị treo khi lượng truy cập tăng đột biến là điều có thể xảy ra với mọi hệ thống máy chủ. Tuy nhiên, bộ phận quản trị hệ thống của đơn vị tổ chức đấu giá biển số xe hoàn toàn có thể lường trước điều này để có phương án xử lý phù hợp", anh Nguyễn Quang Hiếu nhận xét.

"Theo quy định, những người tham gia đấu giá sẽ nộp tiền đặt cọc chậm nhất 3 ngày trước thời điểm diễn ra đấu giá, nghĩa là VPA hoàn toàn nắm được số lượng người sẽ tham gia phiên đấu giá, từ đó có thể dự đoán được lượng truy cập và số kết nối cần xử lý để xây dựng hệ thống máy chủ đủ mạnh đáp ứng nhu cầu", anh Hiếu cho biết thêm.

Thắc mắc về số tiền đặt cọc đang nằm trong tài khoản ngân hàng của VPA

Theo Nghị định 39/2023/NĐ-CP về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, mọi quá trình đăng ký và tham gia đấu giá biển số xe đều được thực hiện hoàn toàn trên mạng internet, thông qua trang web của công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam (VPA).

Người tham gia đấu giá sẽ phải nộp tiền hồ sơ (100 ngàn đồng), tiền đặt cọc (40 triệu đồng) vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá. Hạn cuối nộp tiền là 3 ngày trước khi phiên đấu giá diễn ra.

Nếu đấu giá trúng, tiền đặt trước sẽ được chuyển vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an để nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Nếu không trúng phiên đấu giá, tiền đặt cọc sẽ được trả lại cho người tham gia đấu giá.

Đơn vị tổ chức đấu giá tài sản (cụ thể ở đây là VPA) có trách nhiệm tiếp nhận thông tin đăng ký tham gia đấu giá và tiền đặt cọc từ ngày niêm yết việc đấu giá cho đến thời điểm 3 ngày trước khi bắt đầu đấu giá. Nghĩa là, VPA sẽ có được danh sách những người tham gia đấu giá từ 3 ngày trước khi phiên đấu giá chính thức diễn ra.

Do vậy, sau khi phiên đấu giá gặp sự cố và không thể diễn ra, nhiều cư dân mạng đã đặt câu hỏi về số tiền đặt cọc đang được nằm trong tài khoản ngân hàng của VPA.

"Một người nộp tiền đặt cọc 40 triệu, nếu số người tham gia đấu giá lên đến hàng ngàn, chục ngàn hoặc thậm chí hàng trăm ngàn thì tổng số tiền cọc này rất lớn. Số tiền nằm trong tài khoản ngân hàng của VPA thì tiền lãi hàng ngày sẽ xử lý như thế nào và thuộc về ai?", người dùng Facebook H.Anh đặt câu hỏi.

Nhiều cư dân mạng thắc mắc về số tiền đặt cọc của người tham gia đấu giá nằm trong tài khoản ngân hàng của VPA (Ảnh chụp màn hình).

Nhiều cư dân mạng thắc mắc về số tiền đặt cọc của người tham gia đấu giá nằm trong tài khoản ngân hàng của VPA (Ảnh chụp màn hình).

"Dù lãi suất theo ngày của ngân hàng là không đáng kể, nhưng nếu số tiền gửi rất lớn thì tiền lãi thu được cũng không hề nhỏ. Nếu VPA nắm giữ số tiền cọc của những người tham gia đấu giá, chắc chắn sẽ có tiền lãi phát sinh, không rõ số tiền này sẽ được nộp vào ngân sách hay sẽ được phía VPA nắm giữ?", tài khoản Facebook M.Mẫn bình luận.

"Sau khi phiên đấu giá gặp sự cố, VPA vẫn chưa công bố thời điểm tổ chức lại đấu giá, nghĩa là số tiền cọc của mọi người vẫn sẽ nằm trong tài khoản của VPA thêm nhiều ngày, đồng nghĩa sẽ có tiền lãi phát sinh. Tôi không biết số tiền lãi đó nhiều hay ít, nhưng tôi chỉ thắc mắc ai sẽ được hưởng khoản lãi suất này?", người dùng Facebook T.Phương chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại, sau phiên họp báo chóng vánh vào chiều 22/8 để đưa ra lời xin lỗi và giải thích lý do kỹ thuật khiến phiên đấu giá biển số xe gặp sự cố, VPA vẫn chưa đưa ra thêm thông tin cập nhật nào khác, đồng thời vẫn chưa cho biết thời điểm sẽ tổ chức lại phiên đấu giá biển số ô tô.

Cuối tháng 7/2023, Bộ Công an đã quyết định chọn Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam (trụ sở tại phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức đấu giá biển số xe.

Theo Bộ Công an, trang thông tin đấu giá trực tuyến của VPA có sẵn chức năng tích hợp với hệ thống xác thực định danh điện tử của Bộ Công an, có sẵn cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đảm bảo an ninh an toàn, chức năng tích hợp với Hệ thống đăng ký, quản lý xe và Hệ thống quản lý đấu giá biển số xe ô tô của Cục Cảnh sát giao thông.

Doanh nghiệp này cũng đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc đóng góp vào ngân sách nhà nước trừ thuế giá trị gia tăng (tính tới thời điểm nộp hồ sơ) là trên 200 triệu đồng.

Với mỗi biển đấu giá thành công, tổ chức đấu giá sẽ được trả thù lao bằng 8% giá khởi điểm. Ngoài thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá tài sản là 10.000 đồng một biển số ôtô đưa ra đấu giá.

Đáng chú ý, vào cuối tháng 7, sau khi VPA được chọn là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức đấu giá biển số xe, khi truy cập vào trang web của VPA, người dùng chỉ nhận được thông báo "Hệ thống đang được nâng cấp".