Các nước áp dụng công nghệ gì để chống việc quên trẻ trên ô tô?
(Dân trí) - Tình trạng bỏ quên trẻ trên ô tô gia đình hoặc xe buýt chở học sinh không thường xảy ra, nhưng không phải là không có. Nhiều quốc gia đã áp dụng những công nghệ khác nhau để ngăn chặn tình trạng này.
Hẳn không ít người trong chúng ta nghĩ rằng việc để quên một đứa trẻ trên ô tô là điều không thể xảy ra, nhất là khi chỉ cần nhìn lướt qua một lượt phía sau xe, tài xế sẽ dễ dàng nhận ra có để quên thứ gì trong xe hay không.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc để quên trẻ em trên ô tô vẫn thỉnh thoảng xảy ra, không chỉ tại các quốc gia khác trên thế giới, mà ngay cả tại Việt Nam. Thậm chí, có những trường hợp trẻ em bị để quên trên xe cá nhân của gia đình, vốn có kích thước nhỏ gọn hơn xe buýt chở học sinh.
Điều đáng tiếc, hầu hết các trường hợp trẻ em bị bỏ quên trên xe đều dẫn đến kết cục buồn, khi trẻ bị say nắng, sốc nhiệt và dẫn đến tử vong do nhiệt độ trong xe đóng kín tăng lên rất cao.
Sự việc thương tâm xảy ra mới đây với em bé 5 tuổi tại Thái Bình một lần nữa khiến xã hội phải bàng hoàng và gióng lên một hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ em khi đưa đón bằng xe buýt đến trường học tại Việt Nam.
Kiểm tra xe buýt chở học sinh trước khi rời đi được xem là hành động bắt buộc đối với bất kỳ tài xế nào, nhất là trẻ nhỏ thường dễ ngủ quên khi đang trên đường đến trường vào sáng sớm. Tuy nhiên, nhiều tài xế đã không thực hiện bước kiểm tra này. Trong khi đó, đôi khi các giáo viên tại trường cũng chủ quan không liên lạc với gia đình trong trường hợp học sinh không đến lớp.
Việc kết hợp giữa quá trình kiểm tra của tài xế xe buýt đưa đón học sinh và giáo viên đứng lớp khi học sinh vắng mặt không lý do sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ trẻ em thiệt mạng khi bị bỏ quên trên xe buýt.
Tuy nhiên, về cơ bản, tất cả các quá trình kể trên đều thực hiện theo cách thủ công, nghĩa là phụ thuộc vào người thực hiện, điều này cũng có thể dẫn đến những sai sót không đáng có.
Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc do bỏ quên trẻ em trên ô tô của gia đình và xe buýt đưa đón học sinh của nhà trường, nhiều quốc gia đã áp dụng những công nghệ và đưa ra luật bắt buộc các loại ô tô, bao gồm xe cá nhân lẫn xe buýt đưa đón học sinh, phải tích hợp các công nghệ này.
Dưới đây là một số công nghệ đang được các nước áp dụng để tránh tai nạn đáng tiếc khi để quên trẻ em trong ô tô:
Mỹ
Mỹ là một trong những quốc gia có hệ thống xe buýt đưa đón học sinh hoạt động tấp nập nhất trên thế giới, do vậy, quốc gia này đã áp dụng nhiều công nghệ khác nhau để giảm thiểu tối đa nguy cơ trẻ em bị bỏ lại trên xe.
Đầu tiên đó là Hệ thống Quản lý xe buýt (BMS - Bus Management System). Đây là công nghệ theo dõi vị trí của xe buýt thông qua GPS và thẻ từ phát cho học sinh. Khi lên hoặc xuống xe buýt, học sinh sẽ chạm thẻ từ của mình vào máy quét để nhận dạng. Tất cả dữ liệu sẽ được cập nhật trực tiếp lên hệ thống BMS, nơi nhà trường, phụ huynh và tài xế xe buýt có thể kiểm soát được học sinh lên và xuống xe.
Ngoài ra, một hệ thống cảnh báo trẻ em cũng được lắp đặt trên xe buýt đưa đón học sinh. Hệ thống này sẽ tự động được kích hoạt ngay khi khởi động xe buýt và khi xe dừng lại, hệ thống báo động sẽ bắt đầu kêu.
Công tắc để tắt chuông báo động được đặt ở phía đuôi xe, buộc tài xế phải đi về phía cuối của xe buýt để tắt hệ thống báo động, điều này sẽ giúp tài xế xe buýt phát hiện được có học sinh nào ngủ quên trên xe hay không.
Ngoài ra, một số xe buýt đưa đón học sinh tại Mỹ còn lắp đặt cảm biến phát hiện chuyển động, có thể giúp nhận diện các chuyển động bên trong xe để phát tín hiệu cảnh báo đến nhà trường hoặc tài xế từ xa. Điều này có thể giúp mọi người sớm can thiệp trong trường hợp trẻ em bị bỏ lại trên xe buýt.
Các loại xe buýt đưa đón học sinh tại Mỹ cũng thường có kiểu thiết kế cửa sổ có thể mở được từ bên trong, điều này giúp trẻ em có thể tự giải thoát chính mình nếu bị nhốt trên xe.
Úc
Tại Úc, các xe buýt chuyên chở học sinh cũng được tích hợp hệ thống cảnh báo trẻ em tương tự như ở Mỹ. Hệ thống này sẽ được kích hoạt mỗi khi xe khởi động và khi tài xế tắt máy, họ sẽ có 30 giây để đi đến phía cuối xe nhấn nút tắt hệ thống cảnh báo, trước khi chuông vang lên. Điều này giúp tài xế có thể phát hiện học sinh ngủ quên trên xe.
Chính phủ Úc quy định hệ thống chuông cảnh báo phải đủ to để mọi người có thể nghe được trong phạm vi bán kính 10m.
Ngoài ra, trên cửa lên xuống xe cũng có dán các tấm bảng nhắc nhở tài xế kiểm tra kỹ bên trong xe buýt trước khi rời đi, tránh để quên trẻ em.
Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản yêu cầu các xe buýt đưa đón học sinh phải đáp ứng 2 hệ thống an toàn để đảm bảo không để quên trẻ em trên xe.
Đầu tiên là hệ thống "Kiểm tra khi xuống xe". Mỗi khi tài xế xe buýt tắt máy, hệ thống này sẽ phát tín hiệu cảnh báo để yêu cầu tài xế và các nhân viên khác phải kiểm tra toàn bộ xe xem học sinh đã xuống hết hay chưa. Tài xế hoặc nhân viên sẽ đi về phía cuối xe để tắt hệ thống cảnh báo.
Nếu sau một khoảng thời gian nhất định mà tài xế hoặc nhân viên trên xe không tắt hệ thống cảnh báo, nghĩa là họ chưa kiểm tra hết toàn bộ xe, một hệ thống báo động bổ sung sẽ kêu lên để cảnh báo những người bên ngoài xe.
Hệ thống an toàn thứ 2 được tích hợp trên xe buýt đưa đón học sinh tại Nhật Bản đó là "Phát hiện tự động".
Sau một khoảng thời gian nhất định khi tài xế đã tắt máy và khóa cửa xe, hệ thống tự động sẽ bắt đầu kiểm tra bên trong xe bằng camera hoặc các cảm biến khác, giúp nhận diện xem có trẻ em nào bị bỏ lại hay không. Khi phát hiện có trẻ em bị bỏ quên trên xe, hệ thống này sẽ phát ra âm thanh để cảnh báo những người xung quanh.
Kể từ năm 2023, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu tất cả xe buýt đưa đón học sinh trên khắp cả nước phải lắp đặt các hệ thống cảnh báo bỏ quên trẻ em. Chi phí lắp đặt các hệ thống cảnh báo này sẽ do chính phủ tài trợ.
Trung Quốc
Vấn nạn trẻ em bị bỏ quên trong ô tô tại Trung Quốc ở mức đáng báo động. Truyền thông Trung Quốc cho biết trong những năm gần đây đã ghi nhận hàng chục trường hợp trẻ em bị bỏ quên trong ô tô giữa trời nắng, hơn 80% trong số đó bị thiệt mạng do sốc nhiệt và say nắng.
Để ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bỏ quên trong ô tô, nhiều hãng xe tại Trung Quốc đã nghiên cứu và tích hợp công nghệ nhận diện trẻ em trong xe, bao gồm các loại cảm biến, giám sát đối tượng, cảm biến gắn trên dây an toàn và cửa xe, camera bên trong xe… để cảnh báo kịp thời cho chủ phương tiện nếu họ để quên trẻ em trên xe.
Các hãng xe cũng, bao gồm những thương hiệu xe sang đến từ châu Âu, đã phải tích hợp những công nghệ nhận diện này vào sản phẩm của mình để lấy lòng người dùng tại Trung Quốc.
Chương trình đánh giá an toàn xe hơi Trung Quốc (C-NCAP) đang có kế hoạch bổ sung các công nghệ nhận diện trẻ em bị bỏ quên trên xe vào các tiêu chuẩn đánh giá an toàn của mình.
Tuy nhiên, những công nghệ này chủ yếu được tích hợp vào các loại xe cá nhân và gia đình, thay vì sử dụng cho hệ thống xe buýt đưa đón học sinh.
Trong khi đó, với xe buýt đưa đón học sinh, Trung Quốc áp dụng công nghệ thẻ từ để quét và nhận diện mỗi khi học sinh lên và xuống xe, giúp nhà trường và phụ huynh giám sát vị trí của học sinh theo thời gian thực.
Hàn Quốc
Hàn Quốc cũng áp dụng hệ thống cảnh báo trên xe buýt trẻ em với công tắc để tắt chuông báo động đặt ở phía cuối xe.
Sau khi tài xế xe buýt tắt động cơ, hệ thống cảnh báo sẽ bắt đầu được kích hoạt và tài xế sẽ có 3 phút để đi về phía cuối xe nhằm tắt hệ thống này, trước khi chuông cảnh báo vang lên.
Thái Lan
Một số xe buýt đưa đón học sinh tại Thái Lan đã được tích hợp hệ thống xe buýt thông minh SSB (Smart School Bus), cho phép phụ huynh và nhà trường có thể định vị xe theo thời gian thực thông qua ứng dụng di động.
Hệ thống này cũng được lắp đặt các cảm biến bên trong xe buýt để phát hiện chuyển động và phát đi cảnh báo, giúp nhà trường có thể biết được trẻ em bị bỏ quên trên xe.
Nhà trường, phụ huynh nên giáo dục trẻ em cách xử lý khi bị bỏ quên trên xe
Việc trẻ em bị bỏ lại trong ô tô khóa kín là điều không ai mong muốn, nhưng phụ huynh và nhà trường có thể chủ động hướng dẫn cho trẻ cách xử lý trong trường hợp này không may xảy ra.
Điều đầu tiên cần nhắc nhở trẻ đó là phải biết cách giữ bình tĩnh dù đang bị khóa kín trong ô tô, bởi lẽ càng mất bình tĩnh, trẻ sẽ càng lúng túng và không nhớ cách xử lý vấn đề.
Tiếp theo, người lớn hãy hướng dẫn trẻ cách bấm còi trên ô tô. Các loại ô tô nói chung, dù đã tắt máy và rút chìa khóa, còi vẫn được kết nối với hệ thống điện trên xe và sẽ phát ra âm thanh khi bấm còi. Việc trẻ em liên tục bấm còi có thể thu hút sự chú ý của những người xung quanh, giúp trẻ được giải cứu kịp thời.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể nhấn vào nút đèn khẩn cấp trên ô tô (biểu tượng hình tam giác màu đỏ) trên táp lô, lúc này, tất cả đèn xi-nhan của ô tô sẽ liên tục chớp tắt, giúp tăng sự chú ý của những người bên ngoài.
Một số xe ô tô hệ thống cửa kính điện vẫn hoạt động dù đã rút chìa khóa. Người lớn có thể hướng dẫn trẻ em nhấn nút mở cửa kính ô tô để thoát ra ngoài.
Ngoài ra, phía bên cửa lái của ô tô cá nhân và xe buýt đều có nút mở khóa cửa xe từ bên trong, người lớn có thể hướng dẫn trẻ gạt chốt khóa này để mở cửa xe mà không cần chìa khóa.
Lời kết
Việc để quên trẻ em trên ô tô cá nhân hay xe buýt đưa đón học sinh là một sai lầm thường dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Những giải pháp về công nghệ cũng chỉ phần nào giúp khắc phục những thiếu sót của con người và hạn chế khả năng để quên trẻ trên ô tô.
Điều quan trọng nhất vẫn là cần phải trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng thoát hiểm để xử lý trong trường hợp trẻ bị nhốt một mình trên ô tô.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng có thể tham khảo bài viết của Dân trí tại đây để lựa chọn cho con em mình một mẫu đồng hồ trẻ em phù hợp giá tiền, với chức năng gọi điện thoại, giúp trẻ có thể liên lạc với người lớn trong những trường hợp khẩn cấp.