PhotoStory

Xem AI giúp bác sĩ tìm mầm mống ung thư siêu nhỏ nấp trong bụng

Thực hiện: Minh Nhật - Thành Đông

(Dân trí) - Khi ống nội soi tiến vào khu vực có tổn thương, hệ thống AI phát ra tiếng bíp báo hiệu, trên màn hình hiện lên ảnh chụp niêm mạc ống tiêu hóa với vị trí tổn thương được tự động khoanh tròn.

Mắc bệnh Crohn, tình trạng gây viêm ruột dẫn đến hẹp một đoạn đại tràng, cách đây vài năm, ông Hưng (tên nhân vật đã được thay đổi), 70 tuổi, sống tại Hà Nội đã phải tiến hành phẫu thuật để điều trị di chứng của bệnh.

Với tiền sử bệnh như vậy, ông Hưng được khuyến cáo định kỳ nội soi đại tràng để kiểm tra tình trạng bệnh, bên cạnh đó có thể tầm soát nguy cơ ung thư có thể phát sinh.

Xem AI giúp bác sĩ tìm mầm mống ung thư siêu nhỏ nấp trong bụng - 1

Để thực hiện thủ thuật nội soi gây mê dạ dày và đại trực tràng, từ tối hôm trước bệnh nhân đã được hướng dẫn uống thuốc để làm sạch đại tràng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được yêu cầu không ăn, uống tối thiểu 2 tiếng trước giờ làm thủ thuật.

9h30, ông Hưng được đưa vào phòng nội soi, Trung tâm Tiêu hóa Kỹ thuật cao, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Tại đây ông được gây mê đường tĩnh mạch.

Theo các bác sĩ, việc gây mê giúp bệnh nhân hoàn toàn không còn cảm thấy khó chịu, bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể thực hiện nội soi đường tiêu hóa bệnh nhân một cách tỉ mỉ hơn.

Xem AI giúp bác sĩ tìm mầm mống ung thư siêu nhỏ nấp trong bụng - 2

Một dụng cụ giữ miệng bệnh nhân luôn mở tạo "cánh cổng" vào bên trong ống tiêu hóa. ThS.BS Phùng Hoàng Hiệp nhẹ nhàng đưa dây nội soi qua miệng rồi tiến dần xuống thực quản và đích đến của cuối cùng là dạ dày của bệnh nhân, để truy tìm các tổn thương trong đường tiêu hóa như: viêm, polyp, khối u…

Trong hành trình thực hiện nhiệm vụ này, bác sĩ nội soi có thêm một người bạn đồng hành đặc biệt: Trí tuệ nhân tạo (AI).

"Hệ thống nội soi được tích hợp trí tuệ nhân tạo là một công nghệ mới được áp dụng. Từ hình ảnh được gửi về qua camera nội soi, AI sẽ kịp thời phát hiện, phát ra cảnh báo, cũng như đánh giá nguy cơ ác tính của tổn thương", BS Hiệp chia sẻ.

Xem AI giúp bác sĩ tìm mầm mống ung thư siêu nhỏ nấp trong bụng - 3

Hình ảnh bên trong ống tiêu hóa được hiện lên rõ nét trên  màn hình theo tiến trình nội soi, song song màn hình của trí tuệ nhân tạo.

Xem AI giúp bác sĩ tìm mầm mống ung thư siêu nhỏ nấp trong bụng - 4

Khi ống nội soi tiến vào khu vực có tổn thương, hệ thống AI phát ra tiếng bíp báo hiệu, trên màn hình hiện lên ảnh chụp niêm mạc ống tiêu hóa với vị trí tổn thương được tự động khoanh tròn. Bên cạnh đó, hệ thống cũng đưa ra gợi ý về nguy cơ ác tính tổn thương.

Xem AI giúp bác sĩ tìm mầm mống ung thư siêu nhỏ nấp trong bụng - 5
Xem AI giúp bác sĩ tìm mầm mống ung thư siêu nhỏ nấp trong bụng - 6

"AI trong nội soi ống tiêu hóa là một trong những công nghệ mới được chúng tôi đưa vào sử dụng. Công nghệ này giúp chúng tôi tăng khả năng phát hiện được tổn thương trong ống tiêu hóa.

Đồng thời hỗ trợ chúng tôi trong việc đánh giá, phân loại mức độ nguy cơ của các tổn thương được phát hiện qua đó chọn lựa được các vị trí cần đánh giá kỹ hơn", BS Phùng Hoàng Hiệp chia sẻ.

AI thông minh lên theo thời gian nhờ vào việc "học" và phân tích trong một cơ sở  dữ liệu rất lớn các hình ảnh và chẩn đoán trước đó.

Ngoài ra còn có sự điều chỉnh, cải tiến từ các chuyên gia gửi về nhà phát triển để AI không ngừng được nâng cấp, giúp cho khả năng phát hiện, đánh giá tổn thương ngày càng hiệu quả và chính xác hơn.

Xem AI giúp bác sĩ tìm mầm mống ung thư siêu nhỏ nấp trong bụng - 7

Theo BS Hiệp, thông qua hệ thống AI này, các bác sĩ cũng có thể tiến hành hội chẩn với chuyên gia nước ngoài, vì hình ảnh tổn thương của bệnh nhân được cập nhật trực tiếp lên hệ thống dữ liệu đám mây.

Sau khi hoàn tất nội soi dạ dày, các bác sĩ tiếp tục chuyển sang nội soi đại trực tràng của bệnh nhân.

Xem AI giúp bác sĩ tìm mầm mống ung thư siêu nhỏ nấp trong bụng - 8

Ống nội soi từ trực tràng tiến dần lên đại tràng Sigma. Hệ thống AI một lần nữa phát tín hiệu cảnh báo. Trên màn hình hiển thị hình ảnh của một polyp, được đánh giá có nguy cơ cao là tổn thương tân sinh.

Xem AI giúp bác sĩ tìm mầm mống ung thư siêu nhỏ nấp trong bụng - 9

Bác sĩ điều chỉnh ống nội soi tiến sát vị trí polyp vừa được cảnh báo, chuyển chế độ dải tần ánh sáng hẹp (NBI) giúp tăng độ tương phản của các cấu trúc bên trong nhằm dự đoán bản chất của polyp này.

"Đại tràng sigma là một trong những vùng khó quan sát nhất khi nội soi vì bên trong có các nếp niêm mạc đan xen vào nhau. Polyp vừa phát hiện có kích thước chỉ 0,3cm nằm ẩn dưới các nếp gấp nên rất dễ bị bỏ sót, nếu chỉ quan sát bằng mắt thường.

Tuy nhiên, AI lại có khả năng quan sát rất nhanh và quan sát toàn cảnh hình ảnh camera nội soi gửi về. Do đó, dù tổn thương chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong khung hình, nó cũng có thể nhận diện và đưa ra cảnh báo", BS Hiệp phân tích.

Các bác sĩ nhận định, việc có thể phát hiện các bất thường kích thước nhỏ, nằm ở vị trí khó quan sát, để tránh bỏ sót là một trong những công dụng đắc lực nhất của hệ thống AI này.

Xem AI giúp bác sĩ tìm mầm mống ung thư siêu nhỏ nấp trong bụng - 10
Xem AI giúp bác sĩ tìm mầm mống ung thư siêu nhỏ nấp trong bụng - 11

Thông qua chiếc kìm siêu nhỏ được luồn vào ống nội soi, BS Hiệp cắt bỏ polyp vừa được phát hiện. Theo BS Hiệp polyp có kích thước nhỏ như vậy ít nguy cơ ung thư nhưng việc cắt bỏ sẽ giúp loại trừ khả năng polyp phát triển thành ung thư thực sự.

Xem AI giúp bác sĩ tìm mầm mống ung thư siêu nhỏ nấp trong bụng - 12

Polyp sau khi được cắt và đưa ra bên ngoài nhanh chóng được xử lý và cho vào ống chứa mẫu, để gửi đi làm chẩn đoán mô bệnh học. Xuyên suốt quá trình nội soi đại trực tràng, có 3 polyp như vậy đã được phát hiện và cắt bỏ.

Giường nội soi bên cạnh vang lên tiếng cảnh báo của hệ thống AI. Trên màn hình, một khối sần sùi có màu sắc nhợt nhạt và hình ảnh bề mặt bất thường, lộ rõ nhiều mạch máu tăng sinh kèm loét nham nhở.

Xem AI giúp bác sĩ tìm mầm mống ung thư siêu nhỏ nấp trong bụng - 13

"Thông qua quan sát hình ảnh nội soi, gần như có thể khẳng định đây là khối u đại tràng góc gan đã có tình trạng xâm lấn sâu dưới niêm mạc", ThS.BS Trần Quốc Đệ nhận định.

Việc chẩn đoán thể bệnh và giai đoạn bệnh còn cần dựa vào kết quả mô bệnh học và các chẩn đoán hình ảnh khác. Tuy nhiên dựa vào hình ảnh nội soi, BS Đệ đưa ra dự đoán đây khả năng cao là tổn thương ung thư của đại tràng.

Bệnh nhân là người phụ nữ 51 tuổi. Trước đó vài ngày, bệnh nhân bất ngờ xuất hiện triệu chứng đi ngoài ra máu.

"Nếu bệnh nhân nội soi ống tiêu hóa tầm soát ung thư khi bước sang tuổi 40 như khuyến cáo chung, đã có thể phát hiện khối u ở giai đoạn rất sớm, thậm chí chỉ là tổn thương tiền ung thư. Việc điều trị sẽ rất nhẹ nhàng và mang lại hiệu quả cao hơn", BS Đệ trầm ngâm.

Xem AI giúp bác sĩ tìm mầm mống ung thư siêu nhỏ nấp trong bụng - 14

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Đan, Phó Giám đốc Trung tâm, trong bệnh lý ung thư nói chung và ung thư đường tiêu hóa nói riêng, nếu đến viện khi đã xuất hiện triệu chứng rõ rệt như: đại tiện ra máu, đau bụng, nuốt nghẹn, sút cân… thì bệnh thường đã ở giai đoạn tiến triển.

Lúc này khối u thường đã lớn, thậm chí đã di căn đến các hạch hay các cơ quan khác. Việc điều trị sẽ rất phức tạp, tốn kém mà không đem lại hiệu quả cao.

"Do đó, chúng tôi khuyến cáo nội soi đường tiêu hóa sớm ngay sau 40 tuổi, đặc biệt là các bệnh nhân có nguy cơ cao: Có tiền sử gia đình ung thư, có tiền sử các bệnh lý viêm mãn tính đại trực tràng, polyp đại trực tràng….

Nội soi sẽ giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khi chưa gây triệu chứng, hay thậm chí bệnh còn ở giai đoạn tiền ung thư. Điều trị bệnh trong giai đoạn này sẽ rất nhẹ nhàng, ít tốn kém, ít ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, tỷ lệ khỏi bệnh cao", BS Đan khuyến cáo.

Ảnh: Thành Đông