Viện Y dược học dân tộc TPHCM nói về việc đóng tiền xác nhận thực hành
(Dân trí) - Lãnh đạo Viện Y dược học dân tộc TPHCM cho biết, nhiều người cứ nghĩ là nhân viên tại Viện và làm đủ 18 tháng sẽ mặc nhiên được xác nhận thực hành mà không phải đóng tiền, nhưng quy định lại khác.
Liên quan đến vấn đề đóng 18 triệu đồng để được xác nhận thực hành tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM, phóng viên Dân trí đã trao đổi với lãnh đạo Viện.
Đóng 18 triệu đồng để được xác nhận thực hành, dù là nhân viên của Viện?
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, dược sĩ P.T.H. (32 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết, bản thân từng là viên chức của Viện Y dược học dân tộc TPHCM (sau đây gọi tắt là Viện) và có thời gian 9 năm công tác liên tục tại đây.
Vào tháng 11/2022, chị H. nộp đơn đề nghị Viện cấp giấy xác nhận thời gian thực hành Dược để làm chứng chỉ hành nghề, nhưng được yêu cầu phải ký kết hợp đồng thực hành và đóng lệ phí 18 triệu đồng.
Cho rằng mình đã là nhân viên của Viện nhiều năm nay thì mặc nhiên phải được xác nhận thực hành, cũng như Luật Dược 2016 và Nghị định 54/2017/NĐ-CP không quy định điều trên, chị H. không đồng ý đóng tiền.
Trong tháng 3 và tháng 4 năm 2023, nữ dược sĩ đã 3 lần nộp đơn đến Sở Y tế TPHCM trình bày sự việc, đề nghị Sở hỗ trợ viên chức được cấp giấy xác nhận thời gian thực hành để làm chứng chỉ hành nghề Dược.
Theo chị H., sau đó, Sở Y tế TPHCM đã có công văn gửi Viện, yêu cầu cấp giấy xác nhận (theo mẫu 3 Phụ lục I, nghị định 54/2017/NĐ-CP) đúng thời gian và công việc thực tế cho nữ dược sĩ. Tuy nhiên, Viện không cấp xác nhận thực hành theo mẫu nêu trên cho chị H. mà chỉ cấp "giấy xác nhận thời gian hành nghề", với chức danh làm việc là Dược sĩ cao đẳng.
Giấy "xác nhận quá trình hành nghề" do Viện Y dược học dân tộc TPHCM cấp cho bà H. (Ảnh: NV).
"Tôi đã gửi 3 văn bản 3 lần vào ngày 28/4, 8/5 và 17/5 (năm 2023) đến Viện phản hồi về việc cấp giấy không đúng quy định cho tôi, yêu cầu cấp lại cho đúng, nhưng không được giải quyết. Qua trao đổi trực tiếp ngày 23/5/2023, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ trả lời cho tôi, rằng trước đây đã từng cấp Giấy xác nhận thời gian thực hành rồi, giờ không cấp nữa", chị H. nói.
Theo lý giải của nữ dược sĩ, vào năm 2018, chị được cấp giấy chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động "Bán lẻ dược". Đến cuối năm 2019, sau khi hoàn thành chương trình đại học với bằng Dược sĩ, chị đã làm phiếu báo cáo cho Viện và được ban giám đốc đơn vị xác nhận. Tuy nhiên, chị chưa thi chuyển ngạch viên chức, nên chỉ được xác nhận hành nghề với bậc cao đẳng.
Sau đó, chị H. được phân công thêm công tác Dược lâm sàng thông tin - thuốc, công tác thầu, nghiệp vụ dược và các công việc khác theo chỉ đạo. Do đó, chị mong muốn xin giấy xác nhận thời gian thực hành công việc chuyên môn thực tế (dược lâm sàng), để làm chứng chỉ hành nghề mở rộng phạm vi hoạt động theo quy định.
Nhưng đến lúc nghỉ việc, chị H. cho biết vẫn không được cấp giấy chứng nhận thực hành, vì không đóng 18 triệu đồng. Điều này khiến nữ dược sĩ không làm được chứng chỉ hành nghề mới, mất nhiều cơ hội việc làm tốt, ảnh hưởng đến cuộc sống.
"Tôi kính đề nghị Ban giám đốc Sở Y tế TPHCM, Thanh tra Sở Y tế kiểm tra, xử lý hành vi kéo dài thời gian cấp giấy xác nhận thời gian thực hành, cấp không đúng mẫu quy định, xác nhận không đúng với công việc thực tế tôi được phân công làm việc tại Viện", chị H. bày tỏ.
Tương tự chị H., anh T.Đ. cho biết, bản thân làm việc tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM gần 15 năm liên tục (tính từ năm 2008). Đến năm 2019, anh hoàn thành chương trình học liên thông đại học. Hai năm sau, anh nộp đơn xin Viện xác nhận thời gian thực hành để mở rộng phạm vi chứng chỉ hành nghề thì được yêu cầu đóng 18 triệu đồng.
"Tôi là nhân viên của viện, cống hiến cho viện mười mấy năm chứ đâu phải ở ngoài vào học. Vậy mà khi xin xác nhận thực hành lại bị bắt đóng tiền đào tạo trong 2 năm.
Xin suốt mấy tháng trời mà họ không cấp, nên tôi cũng nản, không xin nữa. Hiện tại, tôi đã qua bệnh viện khác làm", anh D. nói và cho biết, bản thân vẫn chỉ có chứng chỉ hành nghề trung cấp dược.
"Luật thì đâu bao giờ có chuyện xưa với nay"
Trao đổi với phóng viên Dân trí liên quan đến vấn đề trên, tiến sĩ, bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng, Viện Y dược học TPHCM cho biết, nhiều người cứ nghĩ là nhân viên của Viện và làm đủ 18 tháng là được xác nhận thực hành, không phải đóng tiền.
Tuy nhiên, từ khi có luật Khám chữa bệnh (2016) và các Thông tư, Nghị định hướng dẫn liên quan, nhân viên y tế nếu muốn xác nhận thời gian thực hành phải ký hợp đồng thực hành và đóng tiền đào tạo 18 triệu đồng (với bậc đại học). Việc đóng tiền không phân biệt là nhân viên hay người bên ngoài vào thực hành tại cơ sở.
Theo tiến sĩ Lan, vì nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, Viện cho phép nhân viên làm đơn xin hỗ trợ kinh phí. Viện sẽ hỗ trợ những trường hợp này 90% số tiền phải đóng, nhưng các nhân viên phải ký cam kết gắn bó, làm ở Viện trong thời gian nhất định.
Với những trường hợp xin nghỉ việc mà không làm đúng với cam kết sẽ phải trả lại số tiền nêu trên. Ngoài xác nhận thực hành phải tuân thủ quy định "đóng tiền", Viện có thể chủ động cấp cho nhân viên y tế "giấy xác nhận thời gian hành nghề".
Cũng theo lãnh đạo Viện Y dược học TPHCM, luật Khám chữa bệnh mới (có hiệu lực từ đầu năm 2024) đã giảm thời gian cần xác nhận thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề từ 18 tháng xuống còn 12 tháng.
Điều này khiến các cơ sở y tế đang bị "vướng" với những người ký hợp đồng theo quy định cũ, vì có các trường hợp dù tổng thời gian đã đủ nhưng thời gian đi các khoa chưa đáp ứng. Do đó, rất cần ngành chức năng hướng dẫn, để việc xác nhận thực hành những trường hợp nêu trên được thống nhất.
Sau những sự việc bị khiếu nại, phản ánh đã qua, lãnh đạo Viện Y dược học nhìn nhận, dù ban giám đốc đã quán triệt các chỉ đạo về nội dung hoạt động của Viện và quy định pháp luật cho các lãnh đạo chủ chốt để hướng dẫn nhân viên ở từng phòng, ban, nhưng thực tế vẫn còn tình trạng không quán triệt đầy đủ.
Để khắc phục tình trạng trên, Viện cũng gửi thông tin, văn bản qua mail từng người, lên lịch tiếp công dân, thậm chí thông báo ai cần phản ánh cứ lên trực tiếp gặp lãnh đạo.
"Ngặt nỗi anh em làm chuyên môn lại không rõ quy định, cứ nói ngày xưa Viện dễ sao giờ lại khó. Luật thì đâu bao giờ có chuyện xưa với nay.
Chúng tôi đã cố hết sức. Báo chí cũng thông tin nhiều, nhưng thực tế làm sai cũng đầy người. Chúng tôi thực hiện công khai thông tin, tập huấn, quán triệt nhiều, nhưng không ai thèm nghe...", tiến sĩ, bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan nhận định.
Tại kết luận thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực thi pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, ban hành vào tháng 6, Thanh tra Sở Y tế TPHCM kiến nghị Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM rút kinh nghiệm và chấn chỉnh đối với các tồn tại; Tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật.
Viện phải thường xuyên rà soát, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiện toàn nhân sự tham gia công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; ghi chép, cập nhật đầy đủ số tiếp công dân và ban hành văn bản thông báo kết luận việc tiếp công dân theo quy định.
Viện cũng cần tổ chức đa dạng các hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo cho toàn thể viên chức và người lao động. Bên cạnh đó, Viện phải có văn bản trả lời người gửi đơn và thông báo kết quả giải quyết cho các cơ quan chuyển đơn theo quy định.
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục văn bản được quy định tại Nghị định số 31/2019/NĐ-CP.