1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM: Hoạt động "lấn sân" gây tai biến thẩm mỹ

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, việc các cơ sở làm đẹp do quận, huyện cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh lại hoạt động "lấn sân" là một thách thức lớn.

Gia tăng tai biến thẩm mỹ

Ngày 22/8, tại Sở Y tế TPHCM đã diễn ra hội nghị tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, việc các cơ sở làm đẹp do quận, huyện, Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, không thuộc đối tượng quản lý của ngành y tế nhưng lại hoạt động "lấn sân" là một thách thức lớn.

Ông Hân nhận định, bên cạnh những điểm tích cực trong việc cung cấp dịch vụ thẩm mỹ ở TPHCM, như sự tiến bộ trong công nghệ và kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu làm đẹp gia tăng của người dân, phát triển kinh tế y tế và "du lịch làm đẹp"…, thì nhiều vấn đề cũng xảy ra.

Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM: Hoạt động lấn sân gây tai biến thẩm mỹ - 1

Ông Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Hoàng Lê).

Cụ thể, các sự cố y khoa liên quan đến làm đẹp gia tăng. 78% các vụ việc, đơn thư phản ánh liên quan đến chất lượng dịch vụ và tổn thất tài chính. Kế đến, thẩm mỹ không phép, thẩm mỹ "chui" gia tăng. Ngoài ra, còn có thực trạng quảng cáo trái phép, sai sự thật về làm đẹp trên mạng xã hội.

Nguyên nhân gốc rễ của việc làm đẹp không an toàn là do các cơ sở vì lợi nhuận mà không tuân thủ, hoặc cố tình vi phạm pháp luật; năng lực người hành nghề và quản lý cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu; quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội chưa được kiểm soát tốt; tình trạng đào tạo, dạy nghề "chui"…

Thanh tra Sở Y tế TPHCM đề nghị 6 giải pháp để chấn chỉnh dịch vụ làm đẹp. Thứ nhất, kêu gọi người dân tiếp tục cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. Thứ hai, các đơn vị tăng cường báo cáo nhanh khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ biến chứng thẩm mỹ.

Thứ ba, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc quản lý đào tạo, dạy nghề. Thứ tư, phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, thông tin nhanh. Thứ năm, phối hợp với Công an TPHCM xử lý các vụ việc trọng điểm.

Thứ sáu, chủ động rà soát quảng cáo để kiểm tra, xử lý, thông qua Tổ công tác đặc biệt.

Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM: Hoạt động lấn sân gây tai biến thẩm mỹ - 2

Thanh tra Sở Y tế trong một đợt kiểm tra phòng khám bị phản ánh sai phạm ở TPHCM (Ảnh: VE).

Nhức nhối nạn quảng cáo quá lố, làm đẹp "chui"

Trình bày tham luận "Thực trạng sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa", tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TPHCM chia sẻ, nếu sử dụng các thiết bị, sản phẩm không phù hợp và thực hiện sai kỹ thuật trong thẩm mỹ nội khoa có thể xảy ra các biến chứng trầm trọng.

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), từ năm 1994 đến năm 2013, có hơn 1.000 trường hợp tai biến liên quan đến laser, ánh sáng được ghi nhận. Còn trong khoảng thời gian 1994-2014, hơn 1.400 ca tai biến liên quan đến chất làm đầy được báo cáo.

Thống kê tại Bệnh viện Da Liễu TPHCM, mỗi năm có 200-500 bệnh nhân gặp sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa đến khám và điều trị tại đây. Trong đó, có 69% ca tai biến liên quan thủ thuật tiêm chích, 16% các ca liên quan thủ thuật laser và ánh sáng, 10% do làm đẹp bằng hóa chất...

Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM: Hoạt động lấn sân gây tai biến thẩm mỹ - 3

Bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Da Liễu TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Các sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa rất đa dạng về mức độ, từ nhẹ đến rất nặng. Bệnh nhân có thể bị các biến chứng thông thường như nổi các nốt trên da, nám má… đến nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết dưới da, mù mắt…

"Đa số các thẩm mỹ nội khoa đến khám và xử lý kịp thời sẽ khôi phục hoàn toàn. Nhưng không phải trường hợp nào cũng may mắn như vậy. Như trường hợp của một chàng thanh niên, sau khi tiêm filler đã mù mắt phải, không thể cứu chữa", bác sĩ Thúy dẫn chứng.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Da Liễu TPHCM, có 77% các bệnh nhân bị tai biến thẩm mỹ đi làm đẹp tại spa trôi nổi không đảm bảo chất lượng, 13% thực hiện tại nhà. Nếu làm tại các cơ sở "chui", thiết bị không đảm bảo chất lượng, sản phẩm tiêm chích không đảm bảo nguồn gốc… sẽ tăng nguy cơ biến chứng cho khách hàng.

Đặc biệt, nếu người thực hiện không nắm vững kiến thức chuyên môn, các cấu trúc mạch máu sẽ dẫn đến điều trị sai cách, gây các hậu quả nặng nề.

Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM: Hoạt động lấn sân gây tai biến thẩm mỹ - 4

Một trường hợp bị biến chứng nặng nề sau khi tiêm filler (Ảnh: HL).

"Chỉ 6,9% các ca tai biến thẩm mỹ do bác sĩ thực hiện. Nguyên nhân có thể do bác sĩ không đúng chuyên ngành, chưa được đào tạo đúng kỹ thuật thẩm mỹ nội khoa", bác sĩ Thúy nói thêm.

Nguyên nhân cuối cùng gây tai biến là việc các cơ sở quảng cáo quá lố, sai sự thật để gia tăng sự tin tưởng của khách hàng.

Bác sĩ Thúy đề xuất, cần điều trị tốt, kịp thời các tai biến thẩm mỹ, đồng thời tăng cường báo cáo cho ngành y tế về những trường hợp trên để tiến hành xử lý sai phạm. Đối với nhóm người hành nghề chưa được đào tạo đúng chuyên ngành, cần tăng cường đào tạo, tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học kỹ thuật.

Với nhóm nguyên nhân quảng cáo sai sự thật, cần tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người bệnh qua các kênh truyền thông như bệnh viện, báo chí, để giúp người bệnh nâng cao nhận thức, tự bảo vệ trước những rủi ro khi thực hiện thẩm mỹ.

Phó giáo sư Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, sai phạm và sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ đã trở thành một vấn đề nhức nhối trên thế giới.

Tại TPHCM, bên cạnh các phòng khám hoạt động đúng quy định, nhiều cơ sở chỉ làm lĩnh vực làm đẹp nhưng lại lấn sân sang lĩnh vực y tế, gây ra nhiều tai biến y khoa, thậm chí gây mất an ninh trật tự xã hội.

Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM: Hoạt động lấn sân gây tai biến thẩm mỹ - 5

Phó giáo sư Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ tại hội nghị (Ảnh: Hoàng Lê).

Hội nghị được tổ chức hôm nay sẽ có những báo cáo với nhiều góc nhìn khác nhau từ nhà quản lý lẫn các chuyên gia, với mong muốn nhìn lại khái quát về hoạt động thẩm mỹ và những vấn đề cần tăng cường, kiến nghị nhằm hạn chế sự cố y khoa, tìm giải pháp tăng cường an toàn trong lĩnh vực thẩm mỹ.

Một hoạt động được lãnh đạo Sở Y tế đặc biệt quan tâm trong năm 2024, là tăng cường các giải pháp nhằm kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực khám chữa bệnh, trong đó có lĩnh vực thẩm mỹ.

Ông Dũng hy vọng hội nghị diễn ra thành công, mở ra một tương lai tươi sáng về an toàn sức khỏe cho người dân, chung tay góp sức cho việc TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, góp phần chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội.