Giám đốc Sở Y tế TPHCM: Các lãnh đạo bệnh viện luôn mong "đồ tốt, giá rẻ"
(Dân trí) - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ở góc độ nhà quản lý, các lãnh đạo bệnh viện bao giờ cũng mong đồ tốt mà giá rẻ. Nhưng việc cạnh tranh về giá cũng là thách thức cho đơn vị sản xuất thiết bị y tế.
Nhiều thách thức khi sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao trong nước
Tại hội thảo "Doanh nghiệp trong nước sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao, thời cơ và thách thức", diễn ra chiều 16/8, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, TPHCM là địa phương có nhiều cơ sở y tế nhất cả nước, số lượt khám chữa bệnh cao, nên việc cung ứng thuốc và vật tư y tế rất quan trọng.
Giai đoạn cuối năm 2019, đầu năm 2020 - khi đại dịch Covid-19 nổ ra - hầu như các cơ sở trong nước không thể cung ứng đủ khẩu trang y tế. Từ đó cho thấy, việc chủ động sản xuất thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân kịp thời và chất lượng đóng một vai trò rất quan trọng.
Chính phủ đã ban hành các chính sách để phát triển ngành công nghiệp dược đến năm 2030. Riêng TPHCM luôn khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nguyên liệu y tế trong nước.
Cụ thể, TPHCM sẽ triển khai khu công nghiệp dược trên địa bàn xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh). Ngoài ra tại khu công nghệ cao (TP Thủ Đức), có 12 doanh nghiệp sản xuất thuốc và vật tư y tế để cung ứng cho ngành y tế trong nước cũng như phục vụ xuất khẩu.
Về mặt pháp lý, luật Đấu thầu mới đã được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ tháng 1) với nhiều nội dung ưu đãi cho sản xuất vật tư trong nước với ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nam nhận định, hiện nay việc sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao còn nhiều thách thức, khi sản phẩm làm ra gặp khó khăn để đấu thầu vào các bệnh viện. Dù vậy, khi có giá cả hợp lý, việc đấu thầu sẽ thuận lợi.
Bà Trần Thị Ngọc Thúy, Tổng giám đốc nhà máy Wembley Medical cho biết, cả nước hiện có hơn 1.300 bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh phục vụ cho hơn 100 triệu dân.
Tình trạng dân số gia tăng và già hóa vẫn diễn ra nhanh chóng, gánh nặng bệnh tật ngày càng tăng, sự gia tăng của bảo hiểm y tế… đặt ra nhu cầu thiết bị y tế, vật tư tiêu hao ngày càng tăng.
Thực tế hiện nay, nguồn cung của thiết bị y tế Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế trong nước số lượng còn rất hạn chế. Do đó, công nghiệp sản xuất thiết bị y tế được nhà nước rất quan tâm, với nhiều chính sách khuyến khích đầu tư phát triển trong nước.
Theo bà Thúy, với đặc thù cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế còn gặp nhiều thách thức.
Thứ nhất, thách thức về việc theo kịp tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Thứ hai, cạnh tranh về giá cả, khi yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày một tăng cao nhưng giá thành phải cạnh tranh được với hàng nhập khẩu (đặc biệt là hàng từ các quốc gia có được sự hỗ trợ từ Chính phủ như Ấn Độ, Trung Quốc…).
Thứ ba, khó khăn trong tham gia đấu thầu. Thông tư 08/2022 do Bộ Kế hoạch - Đầu tư ban hành đã cho phép các nhà sản xuất có thể trực tiếp tham gia đấu thầu từ năm 2023.
Nhưng vì chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về danh mục hồ sơ chứng minh tỷ lệ nội địa hóa, cùng sự thiếu thống nhất giữa các cơ quan ban ngành đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất, khi nộp hồ sơ chứng minh hàng hóa sản xuất trong nước để hưởng ưu đãi.
Bên cạnh đó, còn có khó khăn trong nhập khẩu nguyên vật liệu, khó khăn trong xin giấy phép lưu hành. Đại diện doanh nghiệp mong muốn chính sách khuyến khích mua hàng thiết bị y tế sản xuất trong nước nên cụ thể hơn.
Các bệnh viện luôn mong "đồ tốt, giá rẻ"
Ông Trương Hùng, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế TPHCM nhận định, việc đưa các sản phẩm thiết bị, dụng cụ y tế chất lượng cao sản xuất trong nước vào được các bệnh viện là rất khó khăn, nên những ai hoạt động trong lĩnh vực này rất dũng cảm.
"Những vật tư chất lượng cao như stent tim, để đưa vào bệnh viện là cả vấn đề. Các bác sĩ nghe stent sản xuất ở Việt Nam có dám sử dụng hay không, là một bài toán không đơn giản…", vị trên dẫn chứng.
Đại diện Hội Thiết bị y tế TPHCM cho rằng, cần có ưu đãi công bằng, hợp lý trong vấn đề cung cấp hàng hóa sản xuất trong nước cho các bệnh viện. Trong khu vực, Indonesia đã làm được điều này, nhưng Việt Nam vẫn chưa.
Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc điều hành, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, lĩnh vực vật tư y tế rất quan trọng. Ông bày tỏ, mình là người Việt Nam nên luôn muốn dùng hàng Việt. Dù vậy, một vấn đề "ưu tư" là giá cả, khi bệnh viện là đơn vị tự chủ tài chính.
"Nếu sản phẩm chất lượng chúng tôi vẫn chấp nhận giá cao để sử dụng, nhưng xin doanh nghiệp lưu ý để đáp ứng được các quy định về đấu thầu", bác sĩ Tuấn nói.
Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ, các giám đốc bệnh viện (nhà quản lý) bao giờ cũng mong đồ tốt mà giá rẻ. Chắc chắn các sản phẩm tương đương được nhập khẩu sẽ có giá thành mắc hơn trong nước. Và việc sử dụng tất cả các sản phẩm công nghệ cao ở đơn vị tự chủ sẽ khó khăn.
Ông Thượng đặt vấn đề về việc "Việt hóa" các sản phẩm công nghệ cao, có sự sáng tạo, thay vì phải nhập khẩu toàn bộ trang thiết bị, công nghệ nước ngoài. Giám đốc Sở Y tế TPHCM mong muốn trong tương lai, các công ty kết nối với nơi sử dụng, phối hợp nghiên cứu để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao với giá thành thấp đi.
Ngày 17/8, tại trụ sở Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TPHCM (quận 3) diễn ra đại hội đại biểu Liên chi hội, Hội Thiết bị y tế TPHCM lần thứ 5.
Trong phương hướng hoạt động nhiệm kỳ mới (2024-2029), Ban chấp hành Liên chi hội cho biết, Hội sẽ phát triển mạnh loại hình đào tạo chuyên ngành về thiết bị y tế, nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Kế đến, tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực, mở rộng mạng lưới đối tác và nâng cao uy tín của Liên chi Hội trên trường quốc tế.
Ngoài ra, Hội Thiết bị y tế TPHCM cũng sẽ tích cực tham gia tư vấn, phản biện các chính sách và dự án liên quan đến y tế, tổ chức các hoạt động từ thiện như khám chữa bệnh và hỗ trợ học bổng cho sinh viên nghèo.