(Dân trí) - Khi việc cầm vape, pod phì phèo trở thành một cái uy của đứa trẻ mới lớn, nó sẽ dần lan truyền trong chính lớp học. Đây là một thực trạng rất nguy hiểm.
Khi việc cầm vape, pod phì phèo trở thành một cái uy của đứa trẻ mới lớn, nó sẽ dần lan truyền trong chính lớp học. Đây là một thực trạng rất nguy hiểm.
Sau khi nhặt được thuốc lá điện tử và mang ra nghịch, 7 học sinh Trường tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) bị buồn nôn, đau đầu phải nhập viện kiểm tra sức khỏe.
Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa qua cũng đã cấp cứu cho trẻ 5 tuổi bị co giật, hôn mê do ma túy trong thuốc lá điện tử. Cụ thể, 15 phút sau khi uống 5ml dung dịch màu vàng trong lọ thủy tinh của thuốc lá điện tử, trẻ xuất hiện co giật, nôn ói, hôn mê. Xét nghiệm bệnh phẩm cho kết quả dương tính với chất ma túy tổng hợp mới.
2 vụ việc trẻ em ngộ độc liên quan đến thuốc lá điện tử này khiến dư luận rất hoang mang.
Để có cái nhìn rõ hơn về thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ, cũng như các tác hại của sản phẩm này, PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn với ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng khoa Thăm dò và Phục hồi chức năng; Thư ký Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá, Bệnh viện Phổi Trung ương.
PV: Thuốc lá điện tử vẫn được quảng cáo là phương pháp thay thế "an toàn" hơn cho thuốc lá truyền thống. Dưới góc độ chuyên môn, bác sĩ đánh giá vấn đề này như thế nào?
ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh: Tôi xin nhấn mạnh, trên thế giới chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra rằng, sử dụng thuốc lá điện tử là an toàn. Tuy nhiên, lại có rất nhiều nghiên cứu, báo cáo, thống kê về các biến cố với người sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó phổ biến nhất phải kể đến:
- Biến cố tổn thương phổi, gây khô miệng, ngứa họng và ho.
- Biến cố cháy nổ dụng cụ nung nóng.
PV: Bác sĩ có thể phân tích rõ hơn về những tác hại đến cơ thể của thuốc lá điện tử?
ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh: Đầu tiên phải nói là thuốc lá nào cũng gây hại, từ thuốc lá truyền thống đến thuốc lào, xì gà và bây giờ đang rất nổi lên là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...
Cái gây hại đầu tiên là các thành phần trong thuốc lá. Theo nghiên cứu, trong các chế phẩm thuốc lá sẽ có khoảng 7000 chất độc và có đến 70 chất hóa học gây ung thư.
Thứ hai là hắc ín gây ra trong quá trình đốt các chế phẩm thuốc lá sẽ gây tổn thương đến phổi, da... của người hút.
Thứ ba là nicotine. Đây là chất gây nghiện cho cơ thể. Gây nghiện có nghĩa là khi đã hút nicotine vào rồi, cơ thể sẽ giảm thậm chí ngưng sản xuất nicotine. Do đó, chúng ta sẽ liên tục có nhu cầu hút thuốc tiếp.
Khi mình tiếp tục hút như vậy sẽ đưa thêm rất nhiều chất độc hại vào cơ thể. Gây hại từ răng, tóc, da cho đến nội tạng dẫn đến những vấn đề về tim mạch, hô hấp, sức khỏe sinh sản…
Điều cần nhấn mạnh là cả những người hút trực tiếp hay những người hút gián tiếp (hít phải khói thuốc) đều bị ảnh hưởng.
Ngoài tác hại chung của các loại thuốc lá, thì thuốc lá điện tử còn rất nhiều các tác hại khác.
Tác hại đầu tiên, mọi người có thể dễ dàng nhận thấy đó chính là vấn đề xuất phát từ dụng cụ để làm nóng hóa chất. Dụng cụ này có thể có nguy cơ phát nổ. Trên thực tế, đã ghi nhận rất nhiều trường hợp ở Mỹ, châu Âu bị chấn thương bỏng vì thuốc lá điện tử phát nổ.
Thứ hai, dung dịch dùng để hút được đưa vào đủ các loại mùi khác nhau, để kích thích giới trẻ như: mùi dâu, cam, xoài. Nhiều bạn trẻ sa vào thuốc lá điện tử vì "nghiện mùi" và những chất tạo mùi đó cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Về quan điểm sử dụng thuốc lá điện tử để cai thuốc lá truyền thống là không hiệu quả và các giả định đưa ra không chính xác và không có bằng chứng, cần khẳng định rằng, thuốc lá điện tử có chứa nicotine, mà có chứa nicotine thì sẽ gây nghiện.
PV: Không khó để bắt gặp các bạn học sinh, sinh viên đang hút thuốc lá điện tử, thậm chí là ngay trong trường học. Theo bà, việc trẻ em trở thành "tệp khách hàng" của thuốc lá điện tử đặt ra những mối quan ngại nào?
ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh: Hiện nay, hút thuốc lá điện tử là một trào lưu của giới trẻ. Nhiều bạn xem việc hút thuốc lá điện tử như một sự sành điệu.
Điều này dẫn đến một tình trạng nguy hiểm là việc hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ không chỉ là cá nhân mà dễ lan rộng.
Khi mà việc cầm vape, pod phì phèo trở thành một cái uy của đứa trẻ mới lớn, hay là cách để khẳng định sự nam tính với bạn gái, nó sẽ dần lan truyền trong chính lớp học. Đây là một thực trạng rất nguy hiểm.
Một vấn đề khác là trong dung dịch thuốc lá điện tử người bán có thể cố tình cho các chất gây nghiện vào mà khó có thể phát hiện được. Đứa trẻ khi hút chế phẩm thuốc lá có các chất đó sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý và sức khỏe. Nguy hiểm hơn, nếu trẻ hấp thụ quá liều các chất gây nghiện này có thể dẫn đến các phản ứng, thậm chí là sốc và ngộ độc.
Ngoài ra, trong trường hợp không biết cách sử dụng, trẻ thay vì hút lại uống dung dịch này thì lại càng nguy hiểm hơn. Vụ việc 7 học sinh Trường tiểu học Hoàng Liệt nhập viện vì uống dung dịch trong thuốc lá điện tử là một bài học nhãn tiền cho vấn đề này.
PV: Việc trẻ phải nhập viện vì thuốc điện tử có phổ biến không thưa bác sĩ?
ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh: Trên thực tế, việc trẻ em phải đi cấp cứu vì hút thuốc lá điện tử không phải là vấn đề mới và cũng không hề hy hữu.
Theo các báo cáo, ở Mỹ trước năm 2019 đã có hơn 2000 trường hợp có bệnh lý hô hấp, thậm chí có 50 - 60 ca tử vong vì thuốc lá điện tử.
Ở châu Á cũng đã ghi nhận hàng ngàn ca có bệnh lý hô hấp và cũng đã có rất nhiều trường hợp trẻ tử vong do thuốc lá điện tử.
Tại Việt Nam, gần đây có 2 vụ việc trẻ phải nhập viện vì thuốc lá điện tử đã được các cơ quan truyền thông đưa tin. Các cháu đều tuổi còn rất nhỏ.
Tuy nhiên điều đáng nói, những vụ việc này thực ra chỉ là phần nổi của tảng băng.
Ở Việt Nam, nhiều trường hợp trẻ phải nhập viện vì thuốc lá điện tử nhưng bố mẹ không muốn công khai với nhà trường để giữ thể diện cho con và gia đình. Do đó, số lượng thực tế chắc chắn sẽ nhiều hơn những thông tin được công bố trên báo đài rất nhiều.
Trong quá trình làm công tác tư vấn, tôi cũng đã gặp rất nhiều những học sinh nghiện thuốc lá điện tử.
Thậm chí, qua quan sát, tôi nhận thấy có những ngôi trường cấp 3 có đến 1/3 số học sinh dùng thuốc lá điện tử.
Thậm chí, có học sinh còn khẳng định trong dung dịch thuốc lá điện tử có chứa heroin; có trường hợp đã phải vào viện cấp cứu nhưng khi về nhà lại tiếp tục sử dụng vì lúc đó trẻ đã bị nghiện.
PV: Theo bác sĩ, đâu là khó khăn trong việc quản lý không cho trẻ sử dụng thuốc lá điện tử?
ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh: Nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử hiện nay được thiết kế rất tinh vi, có thể giống ngòi bút hay thỏi son. Điều này rất nguy hiểm vì gia đình khó giám sát được trẻ. Đó là còn chưa kể đến việc bố mẹ chỉ có thể giám sát trẻ ở không gian sinh hoạt chung, nhưng đến khi trẻ vào phòng riêng thì lại rất khó.
Ngay trong trường học, vốn là một môi trường có quy định rất nghiêm ngặt. Nhiều cơ sở giáo dục chỉ cần phát hiện học sinh mang theo bên mình thuốc lá điện tử đã có hành thức kỷ luật hoặc đình chỉ học.
Thế nhưng một thực tế phũ phàng là trong môi trường đó, thuốc lá điện tử vẫn âm thầm được sử dụng, lan rộng. Thêm vào đó, khi học sinh ra khỏi cổng trường thì phía nhà trường không thể kiểm soát được.
Chính vì vậy, để ngăn trẻ không sử dụng thuốc lá điện tử, không chỉ cần có sự giám sát của phụ huynh, nhà trường mà vấn đề cốt lõi là trẻ tự ý thức được tác hại của thuốc lá điện tử. Do đó, vấn đề tuyên truyền và giáo dục là rất quan trọng.
Nhà trường cần có những biện pháp để trẻ hiểu được vấn đề đó, đồng thời có biện pháp cảnh báo, giáo dục cụ thể để giảm thiểu tỷ lệ trẻ hút thuốc lá điện tử. Về phía gia đình, bố mẹ cần trao đổi, trò chuyện với trẻ để kịp thời nắm được tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử của con.
PV: Như bác sĩ đã chia sẻ, việc kiểm soát trẻ sử dụng thuốc lá điện tử là hết sức khó khăn. Vậy bà có lời khuyên nào với các vị phụ huynh để có thể biết được rằng con mình đang hút thuốc, từ đó ngăn chặn kịp thời?
ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh: Thực tế, ngay cả những đứa trẻ ngoan cũng có thể hút thuốc lá điện tử vì tò mò, sĩ diện hay đơn giản chỉ vì khi hút trẻ cảm thấy thoải mái.
Trong khi đó, có không ít phụ huynh khi được ai đó phản ánh rằng con mình hút thuốc lá điện tử thì ngay lập tức phủ định và đinh ninh rằng, con mình là trẻ ngoan và sẽ không bao giờ có hành vi đó.
Do đó, việc chấp nhận sự thật, nhìn thẳng vào vấn đề để có giải pháp là điều đầu tiên mà bố mẹ cần có, trong việc bảo vệ con mình trước tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng.
Việc thứ hai, bố mẹ cũng cần thường xuyên kiểm tra xem con có vật dụng nào khác lạ hay không. Tìm hiểu, cập nhật thông tin để biết được những hình dáng mà thuốc lá điện tử thường "ngụy trang".
Bên cạnh đó, có thể phát hiện việc trẻ sử dụng thuốc lá qua mùi lạ. Mùi này có thể được phát hiện ngay sau khi trẻ hút; trong trường hợp trẻ hút nhiều, mùi thậm chí bám cả vào quần áo.
Việc trò chuyện với con, tạo điều kiện để con "nói thẳng, nói thật" về việc sử dụng thuốc lá điện tử là rất quan trọng. Bố mẹ cần đồng hành, giúp con không sa vào sự cám dỗ của thuốc lá điện tử, thay vì chỉ là những lời cấm đoán.
PV: Mới đây Bộ Y tế có đề xuất cấm thuốc lá điện tử, ý kiến của bác sĩ như thế nào?
ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh: Luật phòng chống tác hại thuốc lá quy định trẻ dưới 18 tuổi không được sử dụng thuốc lá. Thuốc lá ở đây là thuốc lá nói chung. Trong khi đó, thuốc lá điện tử đang lưu hành trong trường học đặc biệt là các trẻ cuối năm cấp 2 và trẻ cấp 3.
Vậy cơ quan nào sẽ quản lý, kiểm tra việc đứa trẻ có hay không sử dụng thuốc lá điện tử?
Thứ hai, chúng ta nhìn thấy một vấn đề rất rõ ràng là thuốc lá điện tử gây hại cho sức khỏe cũng giống như các chất kích thích khác.
Do đó, theo quan điểm cá nhân tôi, vốn là người làm trong ngành y tế, từng tham gia công tác cai nghiện và tiếp xúc rất nhiều các cháu nghiện thuốc lá điện tử, tôi hoàn toàn đồng thuận với việc cấm thuốc lá điện tử. Với trẻ dưới 18 tuổi, cấm sử dụng tất cả các loại thuốc lá, không riêng gì thuốc lá điện tử.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Nội dung: Minh Nhật
Thiết kế: Thủy Tiên