(Dân trí) - "Mỗi ngày, có 5-6 bệnh nhân liên hệ để xin được vào chạy thận định kỳ, rất tội nghiệp nhưng khoa bất lực, phải từ chối..." - bác sĩ chia sẻ nỗi xót xa trước thực trạng quá tải chạy thận.
Quá tải chạy thận ở TPHCM: Bác sĩ đau xót từ chối bệnh nhân
(Dân trí) - "Mỗi ngày, có 5-6 bệnh nhân liên hệ để xin được vào chạy thận định kỳ, rất tội nghiệp nhưng chúng tôi bất lực, phải từ chối" - bác sĩ bệnh viện ở TPHCM chia sẻ nỗi xót xa trước thực trạng quá tải chạy thận.
Mới đây, tại hội nghị hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bệnh Thận, các chuyên gia đã đưa ra thống kê báo động: Theo tính toán sơ bộ, cả nước có khoảng 100.000 bệnh nhân thận mãn giai đoạn cuối cần điều trị thay thế. Tại 2 bệnh viện lớn nhất cả nước là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi tháng có 200 bệnh nhân mới bước vào chạy thận chu kỳ, khiến gánh nặng điều trị càng thêm nặng nề.
TPHCM là trung tâm chăm sóc sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam, nhưng thời gian qua, các cơ sở y tế của địa phương cũng lâm vào tình trạng quá tải bệnh nhân chạy thận.
Không tìm được bệnh viện công chạy thận cho con
23/2, là ngày mà bé T.K., con chị Nhung (42 tuổi, quê Đồng Nai) kết thúc 4 năm chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), vì đã 16 tuổi. Ngay khi bác sĩ báo con phải chuyển viện theo quy định, chị Nhung đã bắt đầu liên hệ các cơ sở chạy thận người lớn xung quanh. Nhưng hầu hết các bệnh viện công lập đều quá tải, trong khi chi phí chạy thận tại bệnh viện tư ở TPHCM là quá lớn so với hoàn cảnh kinh tế gia đình chị.
Lúc này, chị Nhung đưa con về quê điều trị. Tuy nhiên theo lời người mẹ, lần lượt bệnh viện tỉnh và 3 cơ sở y tế tuyến huyện khác đều bất lực trong việc tiếp nhận con chị chạy thận nhân tạo định kỳ, với lý do đã không còn máy, chỉ có thể chạy thận cấp cứu. Đường cùng, chị đành đưa con vào một bệnh viện tư gần nhà.
"Con tôi phải chạy thận 3 lần/tuần. Bác sĩ báo công chạy thận mỗi lần là 50.000 đồng, còn các chi phí thuốc, dây truyền, vật tư… người nhà phải tự mua hết. Tôi hỏi các phụ huynh xung quanh thì được biết số tiền chạy thận mỗi tháng cho các con rơi vào khoảng 4 triệu đồng, đắt gấp 3 lần ở Bệnh viện Nhi đồng 2, có bảo hiểm y tế chi trả.
Tôi đã nghỉ việc để chăm sóc con từ lâu, cả nhà giờ chỉ có cha bé đi phụ hồ kiếm tiền. Giờ tôi cũng không biết sẽ trụ được đến bao giờ. Lỡ bệnh viện công không có máy kéo dài thì không thể lo nổi" - chị Nhung bày tỏ nỗi lo lắng.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Quý, Trưởng đơn vị Thận Nhân tạo, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hai mẹ con chị Nhung chỉ là một trong nhiều trường hợp gặp khó khăn để tìm kiếm cơ sở điều trị mới, khi bệnh nhân không còn trong độ tuổi trẻ em, vài tháng qua.
Bác sĩ Quý chia sẻ, thời điểm tháng 12/2022, 13 máy chạy thận nhân tạo của khoa phải hoạt động gấp đôi công suất bình thường, để níu giữ sự sống cho hàng chục bệnh nhân chạy thận liên tục 3 lần/tuần. Thời gian gần đây, một số trẻ đã đủ 16 tuổi, phải chuyển đi theo quy định, nên lượng bệnh nhân cần chạy thận hiện còn 20 trường hợp/ngày. Dù vậy, đây vẫn là con số lớn so với quy mô của khoa.
Theo bác sĩ Quý, một số phụ huynh phản ánh với ông sau khi xuất viện không tìm được nơi chạy thận thay thế. Thậm chí, nhiều trường hợp phải trở ngược lại để chạy thận cấp cứu, vì sức khỏe bệnh nhân biến chứng xấu do không được điều trị đúng tiến độ.
Để xử lý việc quá tải, các bác sĩ phải tìm cách chuyển bệnh nhân đủ điều kiện sức khỏe sang thực hiện kỹ thuật lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc), phân phối hợp lý giữa chạy thận mạn tính và chạy thận cấp cứu. Dù vậy, đây chỉ là những giải pháp tình thế.
Bác sĩ Nguyễn Đức Lộc, Trưởng Trung tâm Lọc máu, Bệnh viện An Sinh (TPHCM) cho biết, khi nhiều cơ sở công lập bị quá tải chạy thận, bệnh nhân chuyển sang đơn vị của ông tăng cao. Hiện, trung tâm điều trị cho tổng cộng 300 trường hợp suy thận mạn tính, khoảng 150 lượt chạy thận mỗi ngày. Các máy lọc thận của bệnh viện đã hoạt động đến ca thứ 4 mới có thể đáp ứng được lượng bệnh nhân nêu trên.
"Chúng tôi còn chạy được ca 4 cho một số máy trong các ngày thứ 3-5-7 trong tuần, các ca còn lại đều đã hết. Những ngày qua, nhiều bệnh nhân không có chỗ chạy thận đã liên hệ xin sang. Tuy nhiên, khả năng của bệnh viện cũng có giới hạn" - bác sĩ Lộc nói.
Tương tự, bác sĩ Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) thông tin, thời gian qua, khoa phải "ôm" 170 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, bao gồm 30% là bệnh nhân từ các bệnh viện xung quanh và tuyến trên chuyển đến. Tuy nhiên, số bệnh nhân dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến quá tải
Lý giải về nguyên nhân các bệnh viện quá tải chạy thận, bác sĩ Thanh nhận định, hiện nay vấn đề tầm soát đã phát triển, nên người mắc bệnh được phát hiện nhiều hơn. Kế đến, các kỹ thuật điều trị suy thận mạn cũng có những tiến bộ, chi phí điều trị giảm đáng kể so với trước đây, nên ngày càng nhiều bệnh nhân tiếp cận được việc điều trị.
Thứ ba, tuy lượng bệnh nhân gia tăng nhưng việc xây dựng cơ sở vật chất chạy thận lại gặp rất nhiều trở ngại, chi phí mua sắm máy cao, đồng thời phải đáp ứng các quy định chặt chẽ về đấu thầu. Nhiều cơ sở y tế một số thời điểm lâm vào cảnh thiếu vật tư, hay phải sục rửa hệ thống màng lọc RO, dẫn đến việc chạy thận bị trì trệ.
Đáng nói, cơ cấu giá mà bảo hiểm chi trả cho việc chạy thận vẫn chưa tính đúng, tính đủ, khiến các bệnh viện "càng làm, càng lỗ".
"Một lần bệnh nhân chạy thận sẽ được bảo hiểm chi trả hơn 500.000 đồng. Chúng tôi buộc phải thu thêm 160.000 đồng để bù chi phí máy móc, dây truyền, vận hành… nhưng vẫn còn thiếu. Trong khi đó, nhiều bệnh viện tư nhân thu 1,5-2 triệu đồng/lần, bệnh nhân nếu gặp khó khăn sẽ không chi trả nổi" - bác sĩ Thanh nói.
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, mỗi ngày nơi đây có khoảng 170 lượt chạy thận định kỳ và 40-80 trường hợp cấp cứu. Phần nhiều máy chạy thận của bệnh viện phải gánh đến 4-5 ca/ngày, hoạt động từ sáng sớm đến 2h sáng.
Theo bác sĩ Tuấn, trước đây việc chạy thận nhân tạo có giá rất đắt, nhưng hiện chính sách bảo hiểm đã chi trả tốt hơn, nên rất ít bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối bỏ điều trị. Ngoài ra, tỷ lệ mắc đái tháo đường trong cộng đồng ngày càng cao. Đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến suy thận.
12 năm qua, bà T. (60 tuổi, ngụ quận Tân Phú) phải ngụp lặn trên hành trình điều trị bệnh suy thận mạn, tại một bệnh viện ở TPHCM. Bà cho biết, trước đây kiếm sống bằng nghề bán hàng ngoài chợ, nhưng từ khi phát bệnh không còn đủ sức làm gì. Đồng lương bảo vệ của chồng bà chỉ 7 triệu đồng mỗi tháng, lo cho vợ chạy thận đã hết 4 triệu đồng.
"Mỗi tháng chỉ còn 3 triệu đồng, làm sao lo đủ việc ăn uống chi tiêu. Tôi mong được bảo hiểm y tế hỗ trợ nhiều hơn, vì sắp tới có thể không còn đủ tiền điều trị nữa" - bà T. chia sẻ.
Rất tội, nhưng bất lực
Vừa xong ca chạy thận buổi sáng, nữ bệnh nhân tên T. (40 tuổi, ngụ quận 12) kể cho phóng viên, một ngày của năm 2021, chị thấy khó thở và hai bên bụng hơi khó chịu. Tại một bệnh viện tuyến quận, các bác sĩ dù xác định chị bị suy thận mạn lại không thể tiếp nhận, vì không có máy móc điều trị.
Cuối cùng, chị phải tìm lên một bệnh viện tuyến trên chạy thận cấp cứu, giá hơn 1 triệu đồng/lần. Chỉ một tháng, chị xin về Bệnh viện Thống Nhất điều trị từ tháng 11/2021, vì không thể kham nổi tiền.
"Giờ tôi chỉ còn biết chạy thận bằng tiền của cha mẹ già. Tôi vẫn cố giữ tinh thần điều trị, nếu được hỗ trợ thêm từ xã hội, chính sách của nhà nước giảm chi phí thì người bệnh như chúng tôi sẽ tốt hơn. Tôi cũng có nghĩ đến việc vay mượn để ghép thận điều trị dứt điểm, nhưng hiện chưa có người cho phù hợp" - chị T. trải lòng.
TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội Thận - Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất thừa nhận, khoa của ông đang trong tình trạng quá tải. Nhiều ngày trong tuần, bệnh nhân phải nằm dọc hành lang chờ chạy thận. Chỉ có 45 máy điều trị lại phải lọc máu cho khoảng 150 ca/ngày, ngoài các bệnh nhân cấp cứu, khoa không thể tiếp nhận thêm các trường hợp chạy thận khác.
"Mỗi ngày, có 5-6 bệnh nhân liên hệ để xin được vào chạy thận định kỳ, rất tội nghiệp nhưng chúng tôi bất lực, phải từ chối. Mỗi ca bệnh, chúng tôi phải xem xét rất cẩn thận, xem có cần cấp cứu hay không mới cho chuyển đi" - TS.BS Bách chia sẻ.
Theo TS.BS Bách, thời gian gần đây, một số đơn vị y tế tuyến dưới cũng liên hệ để nhờ Bệnh viện Thống Nhất hỗ trợ, khi cơ sở chạy thận không còn đủ cho bệnh nhân điều trị. Thậm chí, có bệnh viện còn "cầu cứu", vì không thể mổ cầu tay chạy thận cho bệnh nhân, do bác sĩ có chuyên môn về thận đã nghỉ việc.
"Nhiều bệnh viện thiếu cả trang thiết bị y tế lẫn nhân lực chạy thận. Có những kỹ thuật rất cơ bản, trước dịch Covid-19 vẫn làm bình thường mà giờ tuyến dưới phải chuyển đi tuyến trên. Có những trường hợp nặng, chúng tôi hỗ trợ điều trị ổn định, đến khi về quê lại không thể tìm được chỗ chạy thận" - TS.BS Bách dẫn chứng.
Theo lãnh đạo khoa Nội Thận - Lọc máu của Bệnh viện Thống Nhất, bệnh nhân chạy thận hầu hết phải can thiệp suốt đời, nên ca mắc mới luôn nhiều hơn số bệnh nhân dừng điều trị.
Đặc thù phải tiếp nhận những trường hợp nặng và hoàn cảnh khó khăn, nên song song với áp lực điều trị, bệnh viện công còn gặp khó khăn về kinh tế. Do đó, ngoài việc chờ đợi chính sách bảo hiểm xã hội có sự điều chỉnh phù hợp về cơ cấu giá, TS.BS Bách cho rằng rất cần thiết để xây dựng mô hình "chiếc máy bay" cho các bệnh viện có đơn vị chạy thận.
Cụ thể, nếu ví von các bệnh nhân là hành khách trên máy bay, bệnh viện có thể phục vụ song hành giữa khách "hạng phổ thông" và "hạng thương gia", đi kèm chất lượng dịch vụ tương ứng. Doanh thu từ làm dịch vụ cho khách "thương gia" sẽ được dùng để choàng gánh, hỗ trợ khu vực điều trị thông thường. Đồng thời, bệnh viện có thể luân chuyển linh hoạt bệnh nhân giữa 2 khu vực, tùy vào tình hình kinh tế của họ.
Về giải pháp lâu dài, bác sĩ Bách cho rằng, cần phải xây dựng và phát triển mạnh việc điều trị ở tuyến cơ sở. Nếu có đủ máy móc, nhân viên y tế được đào tạo bài bản, kể cả ở trạm y tế phường cũng chạy thận định kỳ được. Khi bệnh nhân điều trị dễ dàng tại địa phương sinh sống, tuyến trên sẽ được giảm tải.
"Hệ thống y tế cơ sở đã phát triển hơn trước, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp tốc độ gia tăng bệnh. Kể cả một số bệnh viện tuyến quận trung tâm ở TPHCM vẫn chưa có chỗ chạy thận, trong khi dân số rất đông" - TS.BS Bách nêu thực trạng.
Ngoài ra, vị bác sĩ cũng đề nghị, ngành y tế cần chú trọng hơn nữa việc chẩn đoán, dự phòng và quản lý tốt các bệnh lý liên quan đến thận, để ngăn ngừa, điều trị kịp thời, làm chậm quá trình bệnh nhân chuyển sang suy thận mạn giai đoạn cuối.
Nội dung và ảnh: Hoàng Lê