Gần 100.000 người Việt suy thận giai đoạn cuối, chạy thận quá tải
(Dân trí) - Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội lọc máu Việt Nam, tất cả các Trung tâm chạy thận đều quá tải bởi số bệnh nhân lọc máu vượt xa với số máy đang có.
Tại hội nghị hưởng ứng ngày toàn thế giới phòng chống bệnh Thận tổ chức ngày 9/3 tại Bệnh viện Việt Đức, các chuyên gia cho biết, tại Việt Nam, theo tính toán sơ bộ, cả nước có khoảng 100.000 bệnh nhân thận mãn giai đoạn cuối cần điều trị thay thế. Tại 2 bệnh viện lớn nhất cả nước là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi tháng có 200 bệnh nhân mới bước vào chạy thận chu kỳ, khiến gánh nặng điều trị càng thêm nặng nề.
Bên cạnh đó, gánh nặng chi phí điều trị của bệnh nhân suy thận mạn cũng rất nặng nề. Theo tính toán, chi phí điều trị cho các bệnh nhân thận mạn có thể lên tới 14 triệu đồng/ tháng, chưa kể các khoản bệnh nhân tự chi trả.
TS Nguyễn Thế Cường - Trưởng Khoa Thận lọc, Bệnh viện Việt Đức cho biết, lọc máu và ghép thận là các biện pháp điều trị bệnh thận giai đoạn cuối. Mặc dù còn nhiều hạn chế về hiệu quả điều trị, lọc máu vẫn là biện pháp điều trị thay thế thận cho người bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối phổ biến. Do đó, các cơ sở lọc máu cần tiến hành áp dụng nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng điều trị cho người bệnh lọc máu.
Tuy nhiên, gánh nặng chi phí điều trị của bệnh nhân ngày càng lớn, trong đó ghép thận có ưu thế hơn về chi phí điều trị. Vì thế cần có chính sách phù hợp để tăng khả năng ghép thận của người bệnh thận giai đoạn cuối, cả ghép thận từ người hiến sống và người hiến chết não.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ghép tạng đã là thường quy, trong đó ghép thận được gần 1.500 trường hợp, gồm 157 ca từ người cho chết não và 1.289 ca từ người cho sống.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội lọc máu Việt Nam cho biết, với đại đa số các bệnh nhân, khi bác sĩ chẩn đoán suy thận phải chạy thận, với họ thực sự là cú sốc. Bởi bị suy thận, điều trị bảo tồn chi phí đã rất tốn kém, khi bước vào giai đoạn phải chạy thận càng là vấn đề lớn.
Cuộc sống người bệnh gắn liền với bệnh viện, cách ngày lại phải xếp hàng đi chạy thận, không ít trong số đó buông xuôi vì không có bảo hiểm y tế, hay không gánh được các chi phí khác, phải từ bỏ điều trị, tử vong nhanh chóng.
Vì thế, PGS Dũng khuyến cáo, khi mắc bệnh thận, điều trị bảo tồn càng lâu càng tốt.
"Ở giai đoạn 1 đến giai đoạn 2, suy thận tiến triển chậm thường không ai tự nhận biết. Từ giai đoạn 2 đến giai đoạn 3, các dấu hiệu bộc lộ và từ giai đoạn 3 đến giai đoạn 4 tiến triển rất nhanh, bệnh nhân phải lọc máu. Vì thế, bệnh nhân suy thận cần có chiến lược khám sức khỏe định kỳ, phát hiện, điều trị để bệnh tiến triển giai đoạn chậm nhất có thể", PGS Dũng khuyến cáo.
Bệnh nhân suy thận khi phát hiện cần điều trị đúng cách, điều trị đúng chuyên khoa, phải được bác sĩ chuyên khoa sâu tư vấn thật kĩ.
Từ năm 2005, tổ chức Y tế Thế giới đã chọn ngày thứ Năm tuần thứ hai của tháng 3 hàng năm là ngày Thận Thế giới (World Kidney Day). Theo số liệu thống kê của Hội thận học Thế giới ước tính, có khoảng 3 triệu người bệnh đang phải duy trì sự sống nhờ phương pháp lọc máu (bao gồm chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng) và ghép thận.
Ngày thận thế giới năm nay có chủ đề "Sức khỏe thận cho mọi người - Chuẩn bị cho điều bất ngờ, hỗ trợ đối tượng dễ tổn thương!".
Cũng trong sự kiện này, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Việt Đức cũng hỗ trợ 200 phiếu ăn từ thiện cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.