Những bệnh nhân "tái sinh lần 2" hạnh ngộ sau hàng chục năm ghép thận

Hoàng Lê

(Dân trí) - "Xin cảm ơn đấng tạo hóa, cảm ơn người hiến thận. Cảm ơn giáo sư Tôn Thất Bách, giáo sư Trần Văn Sáng, những người tham gia ghép thận lúc đó cho tôi nhưng giờ đã không còn" - người phụ nữ chia sẻ.

Ngày 16/3, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển hoạt động ghép thận tại nơi này.

Hơn 1.100 bệnh nhân nhận "món quà vô giá"

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, cuối tháng 12 năm 1992, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, bệnh viện đã tiến hành ghép thận cho 2 trường hợp đầu tiên. Hơn 30 năm tính từ thời điểm trên, Đơn vị Ghép thận của bệnh viện trở thành một trong những trung tâm ghép hàng đầu cả nước.

Đến nay, bệnh viện đã ghép thận trên 1.100 trường hợp, với tỷ lệ thành công cao tương đương với các nước trên thế giới. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là đơn vị tiên phong triển khai ghép thận từ người cho chết não (4/2008), từ người cho tim ngừng đập (6/2015), ghép đổi chéo người cho (11/2017) và ghép không tương hợp nhóm máu ABO (12/2021).

Những bệnh nhân tái sinh lần 2 hạnh ngộ sau hàng chục năm ghép thận - 1

Một ca ghép thận từ người cho chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: BV).

Nhằm phát triển nguồn thận ghép và tạo sự công bằng trong ghép tạng, năm 2014 Bệnh viện Chợ Rẫy cũng thành lập Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người. Để nâng cao chất lượng điều trị, đơn vị đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới, đồng thời xây dựng các quy trình trong chăm sóc bệnh nhân sau ghép. Ngoài ra, bệnh viện cũng rất chú trọng đào tạo nhân lực ghép thận, hợp tác với các trung tâm ghép lớn trên thế giới để đưa y bác sĩ đi học tập và trao đổi kinh nghiệm.

Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, mỗi năm trên thế giới có khoảng 40.000 ca cấy ghép các bộ phận cơ thể người. Tại Việt Nam, ca ghép thận đầu tiên được tiến hành tại Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) vào tháng 6/1992 với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.

Sau đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện ca ghép thận đầu tiên ở khu vực phía Nam và tập trung phát triển, nghiên cứu thành công các kỹ thuật đầu ngành. Trong đó, có 70 trường hợp ghép thận từ người hiến chết não, tim ngừng đập được Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành.

Những bệnh nhân tái sinh lần 2 hạnh ngộ sau hàng chục năm ghép thận - 2

Đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện hơn 1.100 ca ghép thận (Ảnh: BV).

Để thực hiện được điều này, có sự đóng góp to lớn từ người hiến tạng. Theo thống kê từ Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép mô cơ thể người, nếu năm 2014 chỉ có 265 người đăng ký hiến tạng sau khi chết não, thì con số này vào năm 2022 đã tăng hơn 62.500 người.

"Mô tạng hiến là món quà vô giá, giúp kéo dài sự sống cho những bệnh nhân tưởng chừng đã tắt hết hy vọng. Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị có số lượng đăng ký hiến tạng cao nhất, với khoảng 80% số đơn đăng ký so với cả nước" - Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Như được tái sinh lần 2

Tại buổi lễ kỷ niệm, nhiều câu chuyện xúc động về hành trình tìm lại sự sống đã được các bệnh nhân ghép thận chia sẻ.

Nghệ sĩ nhân dân Minh Vương là bệnh nhân nhận thận từ người cho chết não vào năm 2012, kể lại câu chuyện của mình qua bài vọng cổ tự sáng tác. Ông gửi lời tri ân chân thành, xin hẹn "kiếp sau" để đền đáp ân tình của người hiến và các y bác sĩ, giúp mình được sống và không phải giã từ con đường nghệ thuật.

Những bệnh nhân tái sinh lần 2 hạnh ngộ sau hàng chục năm ghép thận - 3

Cô Thượng hạnh phúc bên chồng sau hơn 30 được ghép thận (Ảnh: Hoàng Lê).

Sánh bước bên người chồng đồng cam cộng khổ với mình hơn 30 năm qua, bà Võ Thị Thượng (67 tuổi, quê Long An) - một trong 2 trường hợp đầu tiên được ghép thận tại TPHCM chia sẻ, vào năm 1990, người phụ nữ bất ngờ phát hiện thận có vấn đề sau cơn nôn ói liên tục. Hơn 1 năm sau, cô bước vào giai đoạn suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo.

6 tháng trời, cơ thể bệnh nhân bị nỗi đau hành hạ, người càng ngày càng xanh xao, ăn uống khó khăn. Thấy con gái lâm dần vào cửa tử, người cha đã không ngần ngại hiến quả thận của mình, khi nghe đây là cách giúp con lấy lại sự sống.

"Khi bác sĩ báo thận cha tôi phù hợp, có thể tiến hành ghép, tôi đồng ý ngay, dù biết có thể gặp rủi ro. Tôi chỉ nghĩ mình nghĩ đã không còn đường nào khác, dù có chết sau ghép thận cũng được. May mắn là mọi thứ đã diễn ra thuận lợi. Đối với tôi, việc được ghép thận thành công giống như là tái sinh lại lần 2" - bà Thượng xúc động nói.

Những bệnh nhân tái sinh lần 2 hạnh ngộ sau hàng chục năm ghép thận - 4

Nhiều bệnh nhân đã kéo dài sự sống hàng chục năm sau khi ghép thận (Ảnh: BV).

Bà Huỳnh Thị Nghĩa (65 tuổi, ngụ quận 5) từng là nhân viên y tế của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM. Nhận phần tạng hiến của người em trai vào năm 1998, đến nay là năm thứ 25 kể từ "cuộc mổ định mệnh", quả thận mới trong người cô vẫn đang hoạt động tốt.

Trước đó, người phụ nữ có 3,5 năm vật lộn với những ngày chạy thận, cơ thể luôn ở tình trạng thiếu máu và ứ nước. Mỗi lần ra đường, bà lại bị mọi người xa lánh, xem như người nhiễm bệnh hiểm nghèo.

Ngày ghép thận xong, cơ thể bệnh nhân nhanh chóng có sự thay đổi bên trong lẫn da dẻ bề ngoài. Tuy nhiên gần 1 năm sau đó, bà Nghĩa bất ngờ phải cấp cứu vì không thể đáp ứng với một loại thuốc, khiến huyết áp cao, tiểu cầu giảm. Lần nữa, các bác sĩ lại tích cực điều trị để bảo vệ mạng sống cho bệnh nhân.

Những bệnh nhân tái sinh lần 2 hạnh ngộ sau hàng chục năm ghép thận - 5

Bà Thượng nghẹn ngào cảm ơn những người đã giúp mình được "tái sinh" (Ảnh: GL).

"Xin cảm ơn trời đất, đấng tạo hóa, các nhà khoa học, tất cả bác sĩ rất lo lắng cho tôi trước và sau ghép. Tôi cũng không quên ơn người em trai đã hiến thận cho mình. Cảm ơn giáo sư Tôn Thất Bách, giáo sư Trần Văn Sáng, những người tham gia ghép lúc đó cho tôi nhưng giờ đã không còn..." - bà Nghĩa nghẹn ngào chia sẻ.

Qua hàng chục năm sống nhờ một phần cơ thể của người khác, người phụ nữ gửi tinh thần lạc quan đến các bệnh nhân. Bà Nghĩa mong mọi người nếu bị suy thận mạn hãy yên tâm điều trị, tin tưởng vào ngày được ghép thận, để trở lại cuộc sống bình thường.