Thiếu thuốc và thiết bị: Bệnh viện Chợ Rẫy cứu bệnh nhân ung thư thế nào?
(Dân trí) - Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế là vấn đề thực tế đang xảy ra, khiến bệnh nhân ung thư lo lắng.
Tại chương trình "Đồng hành cùng chiến binh K", diễn ra ở Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) ngày 4/3, hàng chục bệnh nhân đã tạm quên đi nỗi đau bệnh tật, cùng hòa vào các hoạt động ý nghĩa, như hát với nhau, thiền, trò chơi vận động... Trong đó, tham gia nhiều nhất là các bệnh nhân đang điều trị tại Đơn vị Tuyến vú.
Bệnh nhân cần chữa lành thể xác lẫn tinh thần
Thấy nét mặt lạc quan của vợ, anh T. (41 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cũng nở một nụ cười, sẵn sàng cho trận chiến căng thẳng sắp tới. Theo lời người đàn ông, từ trước Tết, vợ anh là chị O. đã phát hiện một khối to bất thường ở vú trái, nhưng nghĩ "ráng ăn Tết xong rồi tính", nên không đi khám ngay.
Vài tuần nay, khối trong ngực chị O. có dấu hiệu to hơn. Khi người chồng đưa vợ đến Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra, chụp chiếu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiều khả năng có khối u ác tính.
"Tôi đã từng chăm cha bị ung thư phổi, cũng tại bệnh viện này. Ban đầu thì rất sốc, nhưng các bác sĩ đã giải thích kỹ về bệnh, nên giờ cả hai vợ chồng đều ổn. Thứ ba tuần tới, vợ tôi sẽ được phẫu thuật mổ khối u.
Tôi chỉ muốn nhắn nhủ mọi người, rằng trong mọi tình huống phải giữ được tinh thần. Chỉ cần có tinh thần lạc quan thì điều thần kỳ sẽ đến…" - anh T. nói.
Ngồi ở giữa khu sinh hoạt bệnh nhân, chị H. (48 tuổi) cho biết đã hóa trị và phẫu thuật cả hai bên ngực vì ung thư vú. Bởi nhà xa, hầu hết thời gian khi đi điều trị, người phụ nữ phải ở một mình trong viện. Ban đầu, chị H. cũng cảm thấy buồn tủi, nhưng nhờ các hoạt động do bệnh viện tổ chức, lời động viên của nhân viên y tế và sự "tự thương mình" giữa các bệnh nhân với nhau, dần dần, nữ bệnh nhân không còn thấy cô độc trên hành trình tìm sự sống.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, bản thân các bác sĩ chủ yếu chỉ lo được vấn đề chuyên môn. Trong khi đó, các bệnh nhân cũng rất cần được tâm lý trị liệu, âm nhạc trị liệu, có những hoạt động chữa lành từ thể xác đến tinh thần.
"Giường bệnh là chiếc giường đắt nhất, và không ai muốn làm chiến binh K. Nhưng chúng ta phải cố gắng chiến đấu. Chúng tôi luôn muốn điều trị tốt nhất, nhưng những người quyết định điều trị chính là bệnh nhân" - bác sĩ Tuấn Anh nói.
Không thể nói rằng thiếu thuốc là dừng lại
Theo bác sĩ Tuấn Anh, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM hiện có 5 khoa, gồm Đơn vị Tuyến vú, các khoa Hóa - Xạ trị, khoa U gan và khoa Chăm sóc giảm nhẹ. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận khoảng 600-800 bệnh nhân đến khám và điều trị.
Với số lượng bệnh nhân đông, khu vực nội trú của Trung tâm thường xuyên quá tải, đặc biệt là khoa điều trị ung thư giai đoạn cuối. Trong khi đó, mỗi ngày có khoảng 200-300 bệnh nhân hóa trị, xạ trị ngoại trú.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, bác sĩ sẽ cứu bệnh nhân ung thư thế nào khi thời gian qua nơi đây liên tục xảy ra việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, bác sĩ Tuấn Anh cho rằng, đây là vấn đề thực tế xảy ra trong cả ngành y, và có thể khiến bệnh nhân lo lắng.
Nhiệm vụ của bác sĩ là phải trấn an họ, bởi với bệnh ung thư cần phối hợp nhiều mô thức, và trình tự phối hợp có thể thay đổi tùy theo tình huống. Bệnh nhân ung thư không lệ thuộc vào một loại thuốc, kỹ thuật xét nghiệm hay liệu trình cụ thể nào, mà sẽ linh hoạt điều trị cho phù hợp. Bệnh viện cũng đang cố gắng hết sức để hạn chế việc đứt gãy nguồn thuốc.
"Bác sĩ không linh động, bệnh nhân sẽ mất chiếc phao cứu sinh, phải hội chẩn cho từng bệnh nhân để ra phác đồ cụ thể. Không thể nói rằng không có thuốc, không có máy móc là dừng lại. Chúng tôi không từ chối ai mà sẽ tìm giải pháp khác thay thế" - bác sĩ Tuấn Anh nói và cho rằng để giải quyết dứt điểm khó khăn, cần có những chính sách lớn hơn từ những người quản lý.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, thành viên ban tổ chức chương trình đồng hành cùng chiến binh K chia sẻ, điều các nhân viên y tế rất mong mỏi, là bệnh nhân hãy yên tâm điều trị, tin tưởng vào phác đồ của bệnh viện, bác sĩ và đừng hoang mang, làm theo những thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng để dẫn đến những hậu quả không tốt về sức khỏe.
"Tôi cũng nói với các nhân viên của mình, không cần phải làm điều gì to tát. Đôi khi chỉ là một cuộc gọi, một cái nắm tay để cùng hỗ trợ, chia sẻ với nỗi đau của bệnh nhân, nói với họ rằng: Chúng ta rồi sẽ được xuất viện, sẽ sống một cuộc sống vui vẻ, bên cạnh gia đình thân yêu như bao người..." - Thạc sĩ Hiển nói.
Trước đó, phóng viên Dân trí đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Chợ Rẫy thành "con nợ" vì phải vay mượn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để mua thuốc điều trị bên ngoài, khi bệnh viện đã cạn nhiều loại thuốc.
Một nhân viên y tế làm việc ở khoa Hóa trị, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, mỗi năm lãnh đạo khoa sẽ dự trù số lượng thuốc điều trị ung thư cần dùng để đấu thầu mua sắm, nhưng phải dựa vào lượng bệnh nhân năm trước. Nếu thuốc dùng hết, chỉ có thể gia hạn thêm 20%, nhưng sẽ qua rất nhiều thủ tục. Hệ quả của tình trạng bệnh nhân tăng, là việc thuốc thông qua đấu thầu sớm cạn kiệt.
"Tôi được biết đến tháng 4 năm nay mới có thuốc thầu mới, nhưng nhiều thuốc đã cạn kiệt từ tháng 1" - nguồn tin nói.
Còn tại khoa Xạ trị, 4 máy xạ trị gia tốc của Bệnh viện Chợ Rẫy (trị giá hơn 30 tỷ đồng/máy) chỉ còn hoạt động được 2.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đô, Trưởng khoa Xạ trị chia sẻ, 2 máy xạ trị đã hỏng từ quý 2 của năm 2022. Ngay sau đó, khoa đã báo ngay cho đơn vị cung ứng, và được xác định cần phải thay mới một vài bộ phận bên trong. Nhưng đến nay, máy vẫn "đóng băng" vì không thể đấu thầu mua sắm các bộ phận thay thế.
Các nhân viên y tế phải làm việc từ 6h ngày hôm nay đến rạng sáng hôm sau, nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ việc điều trị của bệnh nhân. Đến nay, vẫn còn rất nhiều trường hợp chờ xạ trị.