(Dân trí) - Trong tất cả các kỹ thuật ghép tạng, ghép phổi vẫn là một thách thức lớn với nền y học. Những ca ghép phổi thành công đã trở thành dấu ấn khởi đầu, là tiền đề quan trọng mở ra những thành công mới.
Một ngày giữa mùa thu, tháng 9 năm 2020, ông Nguyễn Xuân Toại (58 tuổi, quê Phú Sơn, Bỉm Sơn, Thanh Hóa) lặng người khi bác sĩ thông tin, ông chỉ sống thêm được 2-3 tháng nữa. Trước đó, ông bị bệnh viêm phổi kẽ, ho nhiều, cứ tối đến là gai gai sốt.
Đã qua hơn 4 năm nhưng đến giờ ông vẫn nhớ như in thời điểm bác sĩ chẩn đoán và báo tin dữ. Bác sĩ cho biết, nếu không được ghép phổi, ông sẽ chết.
Phổi của người nông dân này khi ấy đã hỏng đến 80%. "Thời điểm đó, tôi không nghĩ mình có thể sống được nhưng may mắn cuối cùng đã mỉm cười", ông Toại nhớ lại. Ông được nhận 2 lá phổi từ người cho chết não.
Ông Nguyễn Xuân Toại là ca ghép 2 lá phổi đầu tiên được thực hiện tại Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương.
"Sau ca ghép phổi, tôi đã được sống thêm và đến nay được hơn 4 năm. Tôi đã được chứng kiến khoảnh khắc con trai xây dựng gia đình, điều mà tôi không dám tin. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì sự may mắn đã đến với bản thân mình", ông Toại chia sẻ.
Có mặt tại chương trình gặp mặt Những lá phổi hồi sinh chúc mừng các ca ghép phổi thành công diễn ra sáng 23/9, ông Toại khiến nhiều người bất ngờ khi vẫn còn khỏe khoắn ở độ tuổi 58. Ông là ca ghép phổi có thời gian sống lâu nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.
Ông cho biết, đến giờ ông vẫn nói chuyện qua điện thoại thường xuyên với gia đình người hiến tạng. Cứ đến sinh nhật của người hiến tạng (ngày 7/8) ông lại từ Thanh Hóa đến Hải Dương để tri ân người đã mang lại cho ông sự sống.
Nhờ có hai lá phổi mới, cuộc đời ông sang trang mới. Từ chỗ mỗi bước đi phải có người dìu, nay ông tập thể dục, đi cầu thang cả tiếng không thấy mệt. Mỗi ngày, ông tập đi bộ 2 lần, mỗi lần đo đồng hồ đếm bước chân được 3.000 bước.
"Được sống lại lần thứ 2, được khỏe mạnh như thế này, tôi rất vui mừng. Hiện nay, tôi ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt bình thường. Vì thế, tôi rất mong nhiều người được cứu sống như tôi", ông Toại nói.
Với ông, Bệnh viện Phổi Trung ương đã trở thành ngôi nhà thứ 2. Cứ mỗi khi đến lịch khám định kỳ là các bác sĩ thường gọi điện giục ông đi khám bệnh. Hay mỗi lần "trái gió trở trời" bị ốm đau là ông đều nhờ các y bác sĩ của bệnh tư vấn điều trị bệnh.
Ông Toại là một trong ba bệnh nhân được sống bằng những hơi thở mới từ phổi người khác. Mang trong lồng ngực lá phổi từ người hiến tạng, đến nay, ba người bệnh được ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương đều khỏe mạnh, tình trạng sức khỏe ổn định, có thể sinh hoạt, làm việc, và học tập như bao người bình thường khác. Nếu không được ghép phổi, cả ba người bệnh đã lìa xa dương thế từ lâu.
Phạm Anh Thư (21 tuổi, ở Bắc Kạn), là sinh viên một trường đại học tại Thái Nguyên. Ở tuổi đẹp nhất của đời người, Thư phải bỏ học giữa chừng vì không may mắc bệnh phổi giai đoạn cuối. Đây là bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay bệnh phổi đục lỗ, một bệnh hiếm gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Những tưởng tất cả đã khép lại!
Bệnh phổi đục lỗ tạo các kén khí trong phổi, lan tỏa và làm mất chức năng phổi. Do đó, bệnh nhân phải thở oxy dài hạn tại nhà, luôn cần người hỗ trợ cho các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Tình trạng người bệnh rất nặng, khả năng tử vong trong vòng vài tháng tới nếu không được ghép phổi.
"Mỗi khi đi làm về gọi tên con, tôi chỉ trông chờ tiếng của con vọng ra. Tôi thấy rất đau lòng, nghĩ một ngày nào đó tôi có thể tuột mất con của mình. Tôi cũng đã nghĩ đến tình huống đau buồn nhất có thể xảy ra. Tôi cảm ơn các y bác sĩ, người đã hiến tặng con tôi hai lá phổi để con được sống, được theo đuổi ước mơ của mình", mẹ bệnh nhân Phạm Anh Thư chia sẻ.
Giờ đây, Thư đã tiếp tục sự nghiệp sách đèn. Cô quay lại đại học để học năm 2. "Để có sức khỏe như bây giờ, để em có thể đứng đây ngày hôm nay, em không thể nào kể hết được công lao của tất cả y bác sĩ", Thư nghẹn ngào.
Sau ghép phổi 8 tháng, Thư lên cân. Cô tăng 7kg (từ 40kg lên 47kg), sức khỏe ổn định, ăn ngủ tốt.
"Cuộc sống hiện tại của em quá tốt, em có thể tự phục vụ bản thân, được tham gia các hoạt động mà trước đây em không thể. Trước đó, hầu như em không thể đi lại được, đi đâu cũng cần có người chở hoặc gọi xe để đi. Còn giờ đây em có thể tự đi bộ, đi xe máy, đi học về có thể tự nấu cơm, điều mà trước đó em không thể làm được vì mất sức", Thư vui vẻ nói.
Thư cho biết bản thân rất thích chơi bóng rổ, nhưng trước đây vì điều kiện sức khỏe không cho phép nên em chỉ tham gia câu lạc bộ và xem mọi người chơi. Tuy nhiên, sang năm cô có thể bắt đầu chơi được.
Bản thân cô gái cũng không thể nào quên được ngày 30 Tết Giáp Thìn vừa qua, khi đó gia đình cũng nghĩ đây là Tết cuối cùng cô có mặt trên đời. "Khi tỉnh dậy sau ca ghép, em không thể tin được trong lồng ngực của mình là hai lá phổi của người khác. Em đã được quay trở lại trường học, được tiếp tục sống", Thư chia sẻ.
Ghép tạng Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm. Việt Nam đã làm chủ các kỹ thuật ghép thận, gan, tim, tụy, ghép giác mạc… và một số bộ phận cơ thể khác.
Trong tất cả các kỹ thuật ghép tạng, ghép phổi vẫn là một thách thức lớn với nền y học. Theo đánh giá, ghép phổi khó nhất bởi tính phức tạp, khẩn trương, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu, phối hợp, điều phối chặt chẽ.
Việt Nam đã tiến hành thành công ca ghép từ người cho phổi sống. Tuy nhiên, ghép phổi từ người cho chết não có nhiều khó khăn hơn rất nhiều.
Ở người cho sống, các bác sĩ có sự chủ động, chuẩn bị và thường chỉ lấy một thùy hoặc phân thùy để ghép cho bệnh nhân. Còn với ghép phổi từ người cho chết não, lúc này tình trạng rất khẩn cấp, yêu cầu phải hồi sức đảm bảo giữ phổi nguyên vẹn mới có thể ghép.
Trong một thời gian rất ngắn, các bác sĩ phải thực hiện ca ghép phức tạp, bên cạnh đó tất cả các vấn đề như gây mê, sau phẫu thuật, hồi sức đều phức tạp…, nhất là trường hợp ghép hai phổi đồng thời.
Về mặt kỹ thuật, phẫu thuật ghép phổi rất rắc rối, trải qua nhiều thì, đòi hỏi số lượng bác sĩ tham gia đông, chia nhiều ê kíp và cần phối hợp đồng bộ với nhau. Quá trình mổ lấy và bảo quản phổi cũng khó hơn so với các tạng khác ở người chết não.
Tiến sĩ - Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết, việc thực hiện thành công ba ca ghép phổi là bước tiến quan trọng của nền y học Việt Nam.
Sau hơn 4 năm được ghép thành công 2 lá phổi, bệnh nhân Nguyễn Xuân Toại là ca ghép phổi có thời gian sống lâu nhất tại nước ta. Trong năm nay, bệnh viện đã phối hợp triển khai ghép phổi thành công cho 2 bệnh nhân Phạm Anh Thư và Trịnh Thị Hiền.
2 ca ghép được tiến hành tại Bệnh viện Phổi Trung ương với sự hỗ trợ từ xa của các chuyên gia tại Trung tâm Ghép phổi UCSF, Trường Đại học California, San Francisco, một trong những Trung tâm Y học uy tín nhất trên thế giới.
Đồng thời ca ghép có sự tham gia của các chuyên gia Bệnh viện E, Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội.
Các ca ghép phổi được thực hiện theo những quy chuẩn quốc tế đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các chuyên khoa sâu, các quy trình chuẩn bị từ người cho, phẫu thuật cấy ghép, chăm sóc và hồi sức sau ghép, phác đồ thuốc và sự can thiệp toàn diện của các chuyên gia các chuyên ngành y học.
Đặc biệt, ca ghép phổi thứ 3 ở người bệnh Trịnh Thị Hiền được đánh giá là ca bệnh nhiều khó khăn và mang đến nhiều thử thách cho các bác sĩ, nhân viên y tế.
Bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền phức tạp, cấu trúc giải phẫu khó đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao của các phẫu thuật viên. Đồng thời, quá trình chăm sóc và hồi sức sau ghép diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự can thiệp kịp thời của tất cả các chuyên khoa.
Các ca ghép phổi thành công sẽ giúp cứu được hàng nghìn người bệnh mà chỉ có thay phổi mới có thể chữa được.
Trong tương lai, Bệnh viện Phổi Trung ương mong muốn sẽ xây dựng, phát triển trung tâm ghép phổi vùng. Đồng thời, trở thành địa chỉ tiếp nhận, quản lý và triển khai kỹ thuật ghép phổi cho người bệnh Việt Nam và các nước khác trong khu vực.
Tiến sĩ Lượng cũng khẳng định, Bệnh viện Phổi Trung ương chỉ là mắt xích, là hạt nhân cơ bản.
Sự thành công của các ca ghép phổi là sự tham gia của tất cả chuyên gia đầu ngành của y học Việt Nam. Đó cũng là sự phối hợp của toàn bộ hệ thống trang thiết bị hiện đại nhất của các bệnh viện chuyên ngành, sự phối hợp tuyệt vời của hệ thống điều phối ghép tạng quốc gia.
Hàng năm trên thế giới có khoảng 5.000 ca được ghép phổi, chủ yếu từ người cho chết não. Trong đó, riêng tại Mỹ là 2.300 ca.
"Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có tên tuổi trên bản đồ thế giới về ghép phổi và như thế chúng ta sẽ còn rất nhiều việc để làm. Chúng ta bắt đầu từ con số 1,2,3 và mục tiêu chúng ta phải thực hiện 50 ca ghép phổi trong một năm, để trở thành trung tâm ghép phổi vùng", Tiến sĩ Lượng chia sẻ.