Một ngày trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nặng ở Hà Nội
(Dân trí) - Số ca F0 ở miền Bắc tăng nhanh trong thời gian gần đây khiến việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW khó khăn hơn, đặc biệt là các bệnh nhân có diễn biến nặng.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ nhiều tuần qua đã phải hoạt động tối đa công suất vì số lượng bệnh nhân gia tăng nhanh.
ThS.BS Trần Văn Bắc - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho hay, lượng bệnh nhân nặng mà khoa tiếp nhận gia tăng từ một tháng trở lại đây. Đáng chú ý, trong hai tuần gần đây, số lượng này tăng lên gấp đôi và có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Việc bệnh nhân tăng nhanh về số lượng khiến cho khối lượng công việc của những y bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thêm phần vất vả.
Khoa cấp cứu hiện có 9 bác sĩ điều trị cho gần 80 bệnh nhân Covid-19. Ngoài giờ làm việc hành chính từ 7h30 - 16h30, các kíp trực chia ca xuyên đêm để điều trị cho bệnh nhân.
Mỗi kíp trực có ba bác sĩ, trong đó một bác sĩ quản lý khu vực bệnh nhân nặng ở tầng 3, hai bác sĩ còn lại phụ trách ở tầng 1. Tại đây hiện có khoảng 30 bệnh nhân với tình trạng nhẹ hơn các bệnh nhân ở tầng một, đa phần chỉ thở oxy kính và oxy mask liều thấp.
Khoa Cấp cứu thường sẽ tiếp nhận các bệnh nhân mới vào buổi sáng, ngoài ra bất kỳ thời điểm nào cũng có thể có bệnh nhân biến chuyển nặng được xử trí cấp cứu khẩn cấp.
Các bệnh nhân nhập viện điều trị trong giai đoạn vừa qua đa phần trên 60 tuổi, trong đó F0 trên 80 tuổi chiếm khoảng 30 - 40%.
Nhiều bệnh nhân đi kèm các bệnh nền nặng như suy thận mãn tính, cao huyết áp, HIV, xơ gan… và đa số đều chưa được tiêm vaccine hoặc mới chỉ tiêm mũi một.
Nhiều bệnh nhân hơn 90 tuổi, bị tai biến nhiều lần, không may nhiễm Covid-19 phải thở máy thì tiên lượng sẽ xấu hơn rất nhiều so với bệnh nhân ở các lứa tuổi khác.
Các bệnh nhân được làm thuốc điều trị như kháng sinh, chống đông máu... theo các khung giờ nhất định.
Bệnh nhân được phát thuốc tùy theo loại 3 lần một ngày theo các khung giờ: 9h - 17h - 01h hoặc 4 lần/ngày theo các khung giờ 9h - 15h - 21h - 03h.
Một bệnh nhân thở máy được chạy máy lọc máu liên tục.
Bình oxy cho các bệnh nhân thở oxy mask và thở oxy gọng kính.
Áp lực công việc đối với lực lượng y bác sĩ điều trị, chăm sóc tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là rất lớn. Một phần đến từ việc hầu hết các bệnh nhân không thể tự phục vụ, ngay cả với những bệnh nhân dù còn tỉnh táo nhưng do tình trạng bệnh nặng dẫn đến sinh hoạt, vận động cá nhân rất khó, hầu như không rời oxy được.
Với các bệnh nhân diễn tiến nặng, nếu đã thực hiện các phương án hỗ trợ thở oxy mask, oxy gọng kính, thở oxy không xâm nhập nhưng SpO2 không đạt được mức từ 90% trở lên sẽ được các bác sĩ can thiệp đặt ống thở máy xâm nhập.
Đối với các ca có chuyển biến nặng sẽ được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực.
Giờ ăn của bệnh nhân được chia làm 3 khung giờ: Sáng (6h - 9h - 12h); chiều (15h - 18h) và tối (21h).
Với các bệnh nhân thở máy trong tình trạng hôn mê sẽ được nuôi ăn qua sonde dạ dày, ngoài ra các điều dưỡng cũng trực tiếp chăm bón với các bệnh nhân không thể tự ăn.
Các trường hợp có tình trạng bệnh tốt hơn có thể tự ăn các suất đồ ăn được điều dưỡng phát tại giường.
Giây phút nghỉ ngơi ít ỏi của một điều dưỡng giữa giờ cơm trưa của các bệnh nhân Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.