(Dân trí) - Từ cuối năm 2023 đến nay, thế giới ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả các khu vực, chủ yếu là do chủng virus cúm A(H5N1).
Sau Tết Nguyên đán 2024, B.T.Đ., 21 tuổi, một nam sinh viên tại Khánh Hòa đã đi bẫy chim hoang dã ở khu vực mình sinh sống.
Ngày 11/3, Đ. bất ngờ xuất hiện triệu chứng sốt, ho nhẹ, bệnh nhân đã tự mua thuốc uống nhưng không thuyên giảm.
4 ngày sau, nam sinh viên về nhà ở thị xã Ninh Hòa, tiếp xúc với mẹ, em gái.
Tiếp đó, bệnh nhân đến khám tại cơ sở 2 của Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa, được chẩn đoán viêm họng - thanh quản cấp/theo dõi sốt xuất huyết Dengue.
Bác sĩ đề nghị Đ. nhập viện theo dõi nhưng bệnh nhân xin kê đơn về điều trị ngoại trú.
Ngày 16/3, tình trạng bệnh chuyển biến nặng, Đ. được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm khuẩn ruột, nhiễm trùng huyết có dấu hiệu cảnh báo và chuyển vào khoa Truyền nhiễm điều trị.
Một ngày sau, sức khỏe Đ. diễn biến nặng nên bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Đ. được lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang, ngày 20/3 cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm A(H5N1).
Đơn vị đã hội chẩn với các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nhiệt đới TPHCM, Đa khoa tỉnh Khánh Hòa nhưng do tình trạng bệnh diễn biến nặng, phổi bị xơ nên bệnh nhân đã tử vong.
Đ. cũng là bệnh nhân mắc cúm A (H5N1) thứ hai được ghi nhận ở nước ta trong vòng 10 năm qua.
Trường hợp còn lại phát hiện ở Phú Thọ vào tháng 10 năm 2022.
Kể từ khi bùng phát ở Việt Nam vào cuối năm 2003, đã có 128 người được ghi nhận mắc căn bệnh lây từ gia cầm này. Một số lượng "khiêm tốn" khi so với các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, cúm mùa hay Covid-19.
Tuy nhiên khi nhìn vào số ca tử vong vì căn bệnh này, chúng ta có thể hiểu vì sao nhiều chuyên gia y tế lo ngại khi H5N1 quay trở lại: Có 65 trường hợp trong số 128 người mắc H5N1 tử vong, tương đương với tỷ lệ 50,8%.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ 1/1/2003 đến 21/12/2023, tổng cộng 248 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm A (H5N1) ở người đã được báo cáo từ bốn quốc gia trong Khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong số những bệnh nhân này, 139 ca đã tử vong.
Đầu thập niên 1900, virus cúm gia cầm lần đầu tiên được phát hiện tại Ý. Nó được xếp vào nhóm virus cúm A của họ Orthomyxoviridae. Đây là những retrovirus, mang vật liệu di truyền là những đoạn phân tử ARN, sợi đối mã (sợi âm tính).
Vỏ của virus cúm A bản chất là glycoprotein bao gồm 2 kháng nguyên: Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase). Có 15 loại kháng nguyên H (H1-H15) và 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Những cách tổ hợp khác nhau của hai loại kháng nguyên này tạo nên các phân type khác nhau của virus cúm A.
H5N1, một biến chủng nguy hiểm của virus cúm gia cầm bắt đầu hoành hành từ năm 1997. Trải qua hơn 2 thập kỷ, H5N1 vẫn đang thách thức ngành chăn nuôi và y tế toàn cầu.
Theo Wildlife Conservation Society Văn phòng Việt Nam, một số kết quả rà soát chỉ ra rằng đã phát hiện virus cúm gia cầm trên hơn 100 loài chim hoang dã, trong đó, có một số loài được cho là vật chủ tự nhiên của virus cúm gia cầm như: vịt trời, ngỗng, thiên nga, mòng biển...
Tuy nhiên, theo kết quả ghi nhận thì hầu hết các loài chim hoang dã nhiễm virus cúm gia cầm đều không có biểu hiện triệu chứng trong khi gia cầm khi nhiễm virus có thể có các biểu hiện đặc trưng như: kém ăn, sưng mí mắt, tím ở vùng mào, yếm, cẳng chân, khó thở, loạng choạng, ngã, triệu chứng hô hấp (chảy mũi, ho, hắt hơi...), vẹo cổ hoặc chết.
Các gia cầm nuôi đặc biệt cảm thụ với loại virus này. Tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với loài chim nước di cư là nguyên nhân phổ biến của dịch. Những chợ chim sống cũng đóng vai trò quan trọng làm lan truyền dịch.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), điều kiện thuận lợi làm tăng tính thay đổi kháng nguyên của virus cúm là do người sống gần các loại gia cầm nuôi và lợn.
Vì lợn có cảm thụ cao với cả virus cúm chim và virus cúm của các loài động vật có vú, bao gồm các chủng virus ở người, nó có thể đóng vai trò như là động vật trộn lẫn các vật liệu di truyền của các virus cúm chim và cúm người tạo nên virus cúm mới.
Trong số 15 phân type cúm, H5N1 được quan tâm với nhiều lý do:
- Biến dị nhanh và cho thấy nó chứa các gen của các virus nhiễm từ các loài động vật khác nhau.
- Có tính sinh bệnh cao, có khả năng gây bệnh nặng ở người.
- Chim có thể đào thải virus ít nhất là 10 ngày theo đường miệng và phân do đó làm tăng lan truyền theo các đàn chim di cư.
- Nó có khả năng truyền trực tiếp từ chim, gà sang người.
Trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả các khu vực, chủ yếu là do chủng virus cúm A(H5N1).
Tại Campuchia tiếp tục ghi nhận các ca bệnh cúm A(H5N1) trên người từ cuối năm 2023.
Trong nước, theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước.
Từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Bên cạnh đó, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển.
Ghi nhận tiền sử dịch tễ ở nước ta, dịch cúm gia cầm liên quan tới hai hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Mê Kông, là nơi có mật độ chăn nuôi vịt cao hơn các vùng khác. Nhiều trường hợp nhiễm bệnh xảy ra ở các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ.
Việc xuất hiện một số chùm bệnh gia đình gợi ý là có thể yếu tố di truyền cũng đóng vai trò trong sự nhạy cảm với virus cúm gia cầm. Tuy nhiên, cho tới nay chưa tìm thấy những bằng chứng rõ ràng về sự lan truyền giữa người và người.
Dịch chủ yếu tập trung vào các tháng mùa đông - xuân (khi thời tiết lạnh, ẩm). Tuy nhiên, vẫn có các ca bệnh xảy ra vào các thời gian khác trong năm (phụ thuộc vào tình hình dịch trên đàn gia cầm tại địa phương).
Theo BS Lê Văn Thiệu con người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.
Đáng chú ý, nhiều món khoái khẩu của người Việt được xếp vào nhóm nguy cơ cao lây nhiễm căn bệnh này.
"Tiết canh là một điển hình. Các loại tiết canh gia cầm như tiết canh vịt được nhiều người ưa chuộng vì nghĩ rằng không có vi khuẩn liên cầu lợn. Tuy nhiên, món ăn này vẫn tồn tại hàng loạt mầm bệnh vì không được chế biến nhiệt.
Nếu ăn tiết canh từ con vật mang virus H5N1, cũng có nghĩa đang đưa trực tiếp loại virus này vào người", BS Thiệu cho hay.
Với các loại thịt gia cầm chưa chế biến chín, vẫn còn sống, tái cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm H5N1 vì mầm bệnh (nếu có) chưa bị tiêu diệt. Đặc biệt chuyên gia này lưu ý nguy cơ khi ăn các loại chim trời đặc sản, vì người dân chuộng cách chế biến tái cho "ngọt, bổ".
Virus cúm gia cầm cũng có thể lây nhiễm qua con người khi ăn trứng chưa được nấu chín.
"Khi ăn trứng sống, trứng chần hoặc trứng lòng đào, nếu trứng có virus H5N1, chúng ta cũng có thể đối mặt với nguy cơ nhiễm loại virus này. Người dân chỉ ăn trứng mua từ những cơ sở uy tín. Đặc biệt không sử dụng các loại trứng có vỏ bị nứt, có lỗ và vết bẩn trên vỏ để làm trứng chần, trứng lòng đào", BS Thiệu phân tích.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu giết mổ, chế biến gia cầm.
Theo BS Thiệu, virus cúm A(H5N1) là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao (khoảng 50%).
"Bệnh nhân mắc H5N1 dễ đối mặt với tình trạng viêm phổi, suy hô hấp trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng", BS Thiệu nói.
Điều may mắn là hiện chưa có bằng chứng cho thấy cúm A(H5N1) lây từ người sang người.
Tuy nhiên, theo BS Thiệu, trong quá trình lây lan virus sẽ không ngừng biến đổi, như chúng ta có thể thấy ở SARS-CoV-2.
Do đó, giới chuyên môn đặt ra mối lo ngại về việc H5N1 biến đổi và có khả năng lây nhiễm từ người sang người.
Đáng chú ý, nếu có nhiều người mắc bệnh thì làm tăng khả năng người bệnh trở thành nơi trộn lẫn các virus cúm người và động vật tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái tổ hợp hình thành virus mới, với gen virus cúm người và làm cho dịch dễ lan truyền từ người sang người, gây nên đại dịch ở người.
Các nghiên cứu cho thấy rằng, có 3 điều kiện cần thiết để xuất hiện đại dịch.
- Thứ nhất là chủng virus cúm hoang dại có thể truyền sang cho người.
- Thứ hai là virus mới có khả năng nhân lên ở người và gây bệnh.
- Thứ ba là virus mới có khả năng truyền từ người sang người và gây ra các vụ đại dịch lớn.
Kể từ năm 1997, hai điều kiện đầu tiên đã xảy ra ở Hồng Kông năm 1997 và năm 2003 (H5N1), ở Hà Lan năm 2003 (H7N7), ở Việt Nam và Thái Lan năm 2004-2005 (H5N1).