DMagazine

Hiến cơ thể con cứu 6 người, bà mẹ thắt lòng nhìn trái tim đập qua màn hình

(Dân trí) - Giây phút thấy quả tim của con trai có nhịp đập qua màn hình, bà mẹ vừa đau nhói vì mất con vĩnh viễn, vừa xúc động khi hình hài núm ruột của mình đã giúp hồi sinh một cuộc đời đang tắt dần sự sống.

Hiến cơ thể con cứu 6 người, bà mẹ thắt lòng nhìn trái tim đập qua màn hình

(Dân trí) - Giây phút thấy quả tim của con trai có nhịp đập qua màn hình, bà mẹ vừa đau nhói vì mất con vĩnh viễn, vừa xúc động khi hình hài con trai của mình đã giúp hồi sinh một cuộc đời đang tắt dần sự sống.

"Con ơi, con sống khôn thác linh, phù hộ cho mẹ, cho vợ con mạnh giỏi, lo được cho con của con nó ăn học đàng hoàng. Nhớ lời mẹ, đọc kinh xin lễ, đi về với Chúa nghe con" -  tiếng cô Hồ Thị Ngọt (69 tuổi) nhỏ nhẹ nhưng nghe vang vọng giữa không gian vắng lặng, trong ngôi nhà nằm cuối cùng con hẻm nhỏ cạnh đình Phú Xuân (huyện Nhà Bè, TPHCM). Lẫn trong khói nhang nghi ngút, là di ảnh của người con trai hiếu thảo, giờ đã không còn bên mẹ.

"Mẹ ơi, không lẽ đưa chồng con về như vậy sao…"

Ngước lên bàn thờ, cô Ngọt kể với phóng viên Dân trí, cách đây 7 tháng khi đi khám sức khỏe trước khi tiêm ngừa viêm phổi, bác sĩ đã nói tình trạng huyết áp của anh Phúc Hậu hơi cao. Nhưng khi thấy con trai đã uống thuốc và sức khỏe vẫn bình thường, người mẹ cũng không lo lắng.

Hiến cơ thể con cứu 6 người, bà mẹ thắt lòng nhìn trái tim đập qua màn hình - 1

Đã hơn 1 tháng kể từ ngày cô Ngọt không còn con trai bên cạnh (Ảnh: Hoàng Lê).

Bẵng đi một thời gian dài, đến ngày 9/10, sau khi họp phụ huynh cho các con về, anh Hậu cùng cả nhà ăn cơm rồi đi nghỉ trưa. 14h chiều, khi cô Ngọt đang làm tạp vụ thì thấy số điện thoại của con dâu liên tục gọi đến. Bắt máy, bên kia đầu dây giọng thúc giục: "Mẹ ơi, về liền đi, anh Hậu nôn ói nặng và mê man rồi, tay chân không cử động được".

Linh tính khiến người mẹ nghĩ đến chuyện chẳng lành. 15 phút sau, bà vội vàng trở về thì con trai đã được khiêng từ trên phòng xuống, khi không còn nhận biết được gì. Từng là một nhân viên y tế, bà nghĩ con mình bị đột quỵ nên gọi xe đưa ngay đến Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu.

Ngay khi vào viện, các bác sĩ khám và chẩn đoán ngay, rằng bệnh nhân đã vỡ mạch máu não từ trước, không thể nào cứu chữa. 16h chiều, bệnh viện báo tin, để gia đình làm thủ tục đưa về.

Choáng váng trước bi kịch bất ngờ, cả mẹ và vợ bệnh nhân "điếng" người. Họ hỏi lại bác sĩ một lần nữa, rồi ngã quỵ như đất trời sụp đổ. Làm sao dễ dàng tin được người chồng, người cha mới trước đó vài tiếng đồng hồ còn trông khỏe mạnh bình thường, còn chăm bẵm các con, nấu từng món ngon cho cả nhà, giờ lại ra nông nỗi này?

Hiến cơ thể con cứu 6 người, bà mẹ thắt lòng nhìn trái tim đập qua màn hình - 2

Anh Phúc Hậu, thời điểm được các bác sĩ chẩn đoán bị vỡ mạch máu não (Ảnh: Hoàng Lê).

22h đêm, sau quãng thời gian khóc "cạn nước mắt", 2 người đàn bà bắt đầu đối diện với sự thật phũ phàng. Tiếng của con dâu như níu kéo thêm hy vọng mong manh của người mẹ với đứa con trai độc nhất: "Mẹ ơi, không lẽ đưa chồng con về như vậy sao. Hay để anh ấy ở lại thêm 1-2 ngày nữa, biết đâu còn cơ hội…".

Ban đầu, cô Ngọt cũng thoáng nghĩ như con dâu. Nhưng người mẹ sớm nhận ra thực tế, rằng mọi thứ đã quá muộn. Rồi cô nhớ lại, cả cuộc đời con mình từ lúc sinh ra đã sớm chịu cảnh mồ côi, theo mẹ ngược xuôi sống kiếp đời vất vả. Và bất chợt, người mẹ lóe lên suy nghĩ phải giúp con trai để đức lại, để con có thể nhẹ nhàng ra đi về một thế giới khác tốt đẹp hơn.

 "Kiếp này mình cứu con không được, thôi thì mình hiến tạng, để cho kiếp sau con có phước, sống cuộc đời tươi sáng hơn. Tôi đem suy nghĩ này nói với con dâu thì vợ nó (anh Hậu - PV) cũng tán thành. Tôi lẹ miệng lắm, nghe vậy liền đi gặp cô điều dưỡng, nói rõ tâm nguyện của mình…" - người mẹ nghẹn ngào chia sẻ.

Ngay trong đêm, khi được báo có trường hợp gia đình muốn hiến tạng người thân sắp mất, Ban Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 đã liên lạc ngay với Bệnh viện Chợ Rẫy. Sáng sớm ngày 10/10, một đoàn chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy sang nơi anh Hậu nằm để đánh giá tình trạng. Họ bất ngờ, khi trước đó gia đình chưa hề đăng ký việc hiến tạng, nhưng giờ lại quyết định trong chóng vánh.

Hiến cơ thể con cứu 6 người, bà mẹ thắt lòng nhìn trái tim đập qua màn hình - 3
Hiến cơ thể con cứu 6 người, bà mẹ thắt lòng nhìn trái tim đập qua màn hình - 4
Hiến cơ thể con cứu 6 người, bà mẹ thắt lòng nhìn trái tim đập qua màn hình - 5

Nghe tâm sự trong nước mắt của cô Ngọt, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy không khỏi xúc động. Nắm chặt tay người mẹ, vị bác sĩ nghẹn ngào chia sẻ: "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức. Nhưng, cũng tùy duyên nha cô…".

"Sống được đến lúc nào, hay lúc đó"

Nói là tùy duyên, vì sóng gió ập đến ngay từ lúc mới bắt đầu tính chuyện giữ và nhận tạng. Dù rất thương cảm với gia đình, nhưng khi làm các xét nghiệm thẩm định chuyên sâu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân gặp quá nhiều vấn đề về sức khỏe.

Cụ thể theo TS.BS Thu, bệnh nhân có cơ địa béo phì, gan nhiễm mỡ nặng, ảnh chụp trên phim trắng xóa. Vì tình trạng tăng huyết áp đã kéo dài gây biến chứng, khiến thành tim bệnh nhân rất dày. Với 2 quả thận, các bác sĩ thấy có hình ảnh vôi hóa, suy thận độ 2. Về lý thuyết, chỉ có 2 giác mạc và phần da là đạt yêu cầu.

Nghe bác sĩ báo rằng 95% nguồn tạng hiến có thể sẽ không sử dụng được, cô Ngọt lại thêm một lần thất vọng. Ôm nỗi buồn ấy, người phụ nữ bước ra khu vực tâm linh của bệnh viện, khấn nguyện tận đáy lòng: "Xin đức mẹ hãy giang đôi tay kỳ diệu, giúp tất cả các nội tạng của con trai con được mạnh lành, để hiến cứu người khác".

Hiến cơ thể con cứu 6 người, bà mẹ thắt lòng nhìn trái tim đập qua màn hình - 6
Hiến cơ thể con cứu 6 người, bà mẹ thắt lòng nhìn trái tim đập qua màn hình - 7

Trước nỗi niềm quá lớn của người mẹ, các y bác sĩ quyết tâm phải giữ được nhiều phần tạng hiến nhất có thể. TS.BS Thu cho biết, với tình trạng nêu trên của bệnh nhân, quy trình lựa chọn nhận tạng ghép cũng phải linh động, kỹ càng từng trường hợp để xác định người phù hợp nhất.

"Chúng tôi cố gắng đọc từng chỉ số, xem cặn nước tiểu, đọc nồng độ Creatinin khởi đầu, để đi đến quyết định cuối cùng sẽ tiếp nhận tạng. Bệnh nhân bị suy gan thận, men tim cao, chỉ số nào cũng bất thường hết. Do đó, người được chọn nhận tạng hiến phải là người đã suy thận, suy tim rất nặng, tuổi đã cao, thời gian sống ngắn…

Nếu ghép các phần tạng này, có thể sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về sau, nhưng nếu điều chỉnh và kiểm soát tốt các chỉ số vẫn có thể sống thêm một số năm nữa. Chúng tôi xác định rằng, sau khi giải thích rõ mà phía bệnh nhân từ chối ghép sẽ lập tức tìm ngay người kế tiếp trong danh sách chờ. Các bệnh nhân đã đồng ý, vì với họ lúc này, sống được đến lúc nào hay lúc đó" - TS.BS Thu chia sẻ.

Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng, ngoài phần gan đã nhiễm mỡ quá nặng không thể sử dụng, hai quả thận, giác mạc 2 bên mắt, trái tim và phần da của bệnh nhân đã được tiếp nhận để tiến hành hồi sinh tính mạng và ánh sáng cho 6 cuộc đời khác. Quá trình chờ ghép, ekip hồi sức do "bác sĩ 91" Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu phụ trách, đã cố gắng giữ các chỉ số trong máu, nước tiểu, chỉ số thận và tim bệnh nhân ở trạng thái ổn định nhất.

Hiến cơ thể con cứu 6 người, bà mẹ thắt lòng nhìn trái tim đập qua màn hình - 8

Giây phút bệnh nhân được làm lễ, cầu nguyện lần cuối trước khi thực hiện hiến ghép tạng, dưới sự chứng kiến của các y bác sĩ và người mẹ (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Thạc sỹ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy nhớ lại, bên cạnh việc khẩn trương chuẩn bị cho các cuộc mổ ghép tạng, còn một cuộc chạy đua khác cũng gấp rút không kém, khi lần đầu tiên ông được giao nhiệm vụ tìm linh mục đến đọc kinh, làm lễ lần cuối cho bệnh nhân theo mong muốn của người mẹ, trước khi thực hiện quy trình hiến ghép tạng.

"Chúng tôi có 12 tiếng đồng hồ để xin ý kiến Ban Giám đốc bệnh viện, liên hệ và mời được cha xứ, đưa cha đến bên giường bệnh của anh Hậu vào lúc 9h sáng, dưới sự chứng kiến của mẹ và vợ bệnh nhân cùng bác sĩ tại phòng săn sóc đặc biệt. Giây phút ấy, chúng tôi nhìn thấy sự xúc động và có thể là sự mãn nguyện của gia đình, vì bệnh nhân đã được thực hiện nghi lễ đầy đủ lúc cuối đời" - Thạc sỹ Hiển nói.

Mẹ thấy trái tim con đập trong lồng ngực khác

Và thời khắc chờ đợi nhất cũng đến. Ngày 12/10, những cuộc đại phẫu ghép tạng, ghép da được tiến hành. Không phụ công sức và tấm lòng của các y bác sĩ, các cuộc mổ đều diễn ra thuận lợi. Với 2 bệnh nhân ghép thận, chức năng thận đã hồi phục bình thường và được xuất viện chỉ sau một tuần phẫu thuật.

Người được chọn nhận phần da của bệnh nhân là anh L.V.T. (27 tuổi, ngụ Đồng Tháp) bị bỏng 55% diện tích cơ thể, đã trải qua quá trình điều trị vết thương, xử lý nhiễm trùng. 2 tuần sau ca ghép của ekip bác sĩ khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, anh T. được xuất viện. Đây cũng là ca phẫu thuật ghép da từ người hiến chết não đầu tiên tại Việt Nam.

Tương tự, 2 giác mạc của anh Hậu sau khi ghép đã mang lại ánh sáng cho 2 cuộc đời. Nhưng ngoạn mục nhất có lẽ là ca ghép tim, khi bệnh nhân được xuất viện sau 4 tuần nằm viện với thành tim đã gần như hồi phục lại bình thường.

Hiến cơ thể con cứu 6 người, bà mẹ thắt lòng nhìn trái tim đập qua màn hình - 9

Các bác sĩ tập trung hết mức trong cuộc mổ để giữ gìn nguồn tạng hiến quý giá (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy).

Ngày tang lễ của anh Hậu, bác sĩ Trần Thanh Linh mang theo món quà đặc biệt bước vào con hẻm nhỏ, trao tận tay cô Ngọt. Giây phút thấy quả tim hiến của con trai có nhịp đập qua điện thoại, ruột gan người mẹ như thắt lại. Bất ngờ, bà đặt ngay một nụ hôn lên màn hình.

"Lúc đó tôi mừng lắm. Tôi chuyền tay hình ảnh trái tim của con đập lại cho anh chị sui coi, nhưng rồi lại bật khóc, lại thấy đau. Tôi vui vì con đã giúp người khác được sống, nhưng làm sao tránh được cảm giác xót xa, khi thằng con trai duy nhất của mình giờ đã vắng bóng…" - người mẹ tâm sự, nước mắt lại lăn dài.

Hơn một tháng kể từ ngày anh Hậu qua đời, hai người đàn bà trong nhà phải vừa làm trụ cột gia đình, vừa chăm sóc, vỗ về 3 đứa trẻ. Đôi lúc vô thức, bà Hậu lại lấy điện thoại gọi vào số cũ của con trai, và lẩm bẩm trong đầu, rằng ước gì con bốc máy, để được nghe tiếng "dạ mẹ", tiếng hỏi "mẹ sắp về chưa", "mẹ đói không để con bới cơm" quen thuộc… Tất cả, giờ chỉ còn trong hoài niệm.

Hiến cơ thể con cứu 6 người, bà mẹ thắt lòng nhìn trái tim đập qua màn hình - 10

Cô Ngọt xem lại giây phút mình hôn trái tim của con đã đập trở lại sau ca ghép tạng, qua màn hình điện thoại (Ảnh: Hoàng Lê).

Nhưng thứ mà bà lo ngại nhất, là việc vài năm nữa khi đã qua hàng thất tuần, sức khỏe đi xuống không còn làm việc nổi, các cháu bà sẽ ra sao? Liệu chúng có dở dang con đường học vấn hay không, khi bên đời đã không còn cha tiếp sức?

Nắm được nỗi lo này, phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Chợ Rẫy đang tìm cách kêu gọi các mạnh thường quân tặng học bổng định kỳ hàng tháng cho ba đứa trẻ mồi côi, học giỏi. Giây phút tạm biệt ra về sau khi thắp nén nhang cho người quá cố, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu còn đến cạnh bên, níu tay cô Ngọt để truyền thêm sức mạnh. Đến khi khách đã đi xa, tai người mẹ vẫn còn văng vẳng lời tâm tình của các y bác sĩ: "Gì thì gì, ráng đừng để các cháu bỏ học, nghen cô".

Nghe có người ví mình như bà mẹ Việt Nam anh hùng, cô Ngọt cười buồn, nói bản thân chỉ làm theo những gì lương tâm mách bảo. Cô tâm sự, may mắn của mình là được cả gia đình đồng thuận, khi nói lên quyết định hiến tạng con. Chỉ có duy nhất một người bạn của anh Hậu biết chuyện kịch liệt phản đối, vì sợ anh ra đi với xác thân không toàn vẹn.

Nhưng với người mẹ bây giờ, con trai bà như vẫn đang còn sống. Anh sống trong ánh mắt, hình hài, nhịp thở của những cuộc đời mới. Nói với phóng viên, cô Ngọt cầu mong đến ngày mình mắt yếu chân run, được bước những bước cuối cùng của cuộc đời đến gặp lại các bệnh nhân đã nhận tạng, nhận giác mạc và da hôm nay, để cảm nhận hạnh phúc khi sinh mệnh của con trai vẫn đang được tiếp diễn.

Hiến cơ thể con cứu 6 người, bà mẹ thắt lòng nhìn trái tim đập qua màn hình - 11

Thực hiện: Hoàng Lê