DMagazine

Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm

(Dân trí) - Sốt xuất huyết cũng đã vượt Covid-19 để trở thành dịch bệnh có số bệnh nhân mắc mới cao nhất tại Hà nội.

Sốt xuất huyết cũng đã vượt Covid-19 để trở thành dịch bệnh có số bệnh nhân mắc mới cao nhất tại Hà nội.

Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 1
Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 3

Nam bệnh nhân 31 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ tuyến dưới ở ngày thứ 5 mắc sốt xuất huyết.

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc, vật vã.

Bệnh nhân nhanh chóng được các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực cho lọc máu, chạy ECMO. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh quá nặng, người đàn ông này đã tử vong sau gần một tuần điều trị tích cực.

Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 5

Từ tháng 10 đến nay, số bệnh nhân sốt xuất huyết được chuyển vào bệnh viện tuyến cuối về bệnh lý truyền nhiễm này tăng vọt. Mức trung bình khoảng 10 bệnh nhân/ngày với nhiều trường hợp diễn biến nặng.

Theo BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, với các bệnh nhân vào viện điều trị sớm hầu hết đều có tiên lượng rất tốt. Trong khi đó, bệnh nhân nhập viện muộn, nhất là khi đã có tình trạng sốc việc điều trị rất khó khăn, điển hình như trường hợp bệnh nhân nam kể trên.

Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 7
Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 9

Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, thời gian vừa qua ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em mắc sốt xuất huyết nhập viện.

 Cụ thể, ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày Khoa Nhi khám phát hiện 7 - 10 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết (chiếm 10% lượng khám), nhập viện theo dõi điều trị mỗi ngày từ 3 - 5 bệnh nhi. Lượng bệnh nhi sốt xuất huyết hiện tại khoảng 15 trẻ, chiếm 30% tổng số bệnh nhi nằm điều trị tại khoa.

Có con đang điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Nhi, chị Huyền (tên nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ: "Trước đó, thấy con xuất hiện triệu chứng sốt, tôi theo thói quen ra tiệm thuốc gần nhà mua một gói đủ loại: thuốc hạ sốt, C sủi, oresol.

Sau 3 ngày tự chữa tại nhà, cháu hạ sốt. Tuy nhiên, cả nhà chưa kịp vui thì đến tối con tôi mệt mỏi thấy rõ, trên người nổi mẩn đỏ, kèm theo tình trạng chảy máu ở chân răng".

Tức tốc đưa con vào bệnh viện thăm khám, chị Huyền bàng hoàng khi được bác sĩ kết luận cháu bé bị sốt xuất huyết tiến triển nặng.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bệnh nhi sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị nội trú, do gia đình chủ quan thấy trẻ hạ sốt nghĩ rằng đã khỏi bệnh, trong cao điểm dịch vừa qua.

Theo ThS.BS Đặng Khánh Ly - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Đống Đa, trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết do các đặc thù về sinh hoạt và thể trạng dễ bị muỗi tấn công.

Đáng chú ý, sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 - 7 sau khi mắc bệnh. Biểu hiện của sốt xuất huyết ở trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm. Trẻ sẽ mệt hơn, li bì, ăn kém, tiểu ít, phát ban xuất huyết toàn thân.

"Cha mẹ lưu ý xuất huyết không phải là biểu hiện bắt buộc của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, bởi vì có thể trẻ tuy mang bệnh nhưng lại hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng xuất huyết.

Vì vậy, dù có hoặc không có triệu chứng xuất huyết thì bệnh vẫn có thể đã tới giai đoạn nguy hiểm. Một trong những biến chứng nguy hiểm là trẻ bị sốc, với biểu hiện gồm ba tình trạng suy giảm: giảm tri giác, giảm thân nhiệt và giảm huyết áp. Nếu không phát hiện xử trí kịp thời trẻ dễ đi vào sốc, rối loạn đông máu, suy đa tạng", BS Ly phân tích.

Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 11

 Hy hữu, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang mới đây đã tiếp nhận điều trị cho 3 trường hợp trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết. Trường hợp nhỏ tuổi nhất là bé gái 4 ngày tuổi, hai trường hợp còn lại là bé gái 7 ngày tuổi và bé trai 16 ngày tuổi.

Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 13

Đáng chú ý, trường hợp trẻ 7 ngày tuổi bị suy hô hấp và cô đặc máu phải điều trị hồi sức tích cực. Các bác sĩ đã phải chỉ định cho trẻ thở oxy, truyền dịch, sử dụng kháng sinh. 

Theo BS Vũ Thị Thu Nga - Trưởng khoa Sơ sinh, đây là lần đầu tiên cơ sở y tế này ghi nhận trường hợp trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết.

Việc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi mắc sốt xuất huyết cũng được nhận định là rất hiếm tại Việt Nam và trên thế giới.

Từ đầu năm đến nay, cơ sở y tế này đã tiếp nhận hơn 2.800 ca mắc sốt xuất huyết, tăng cao so với các năm trước, kể cả số ca nặng.

70% bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện này có dấu hiệu cảnh báo nặng, 30% kèm bệnh nền như béo phì, cao huyết áp, rối loạn đông máu...

Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 15
Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 17

Hà Nội đang đối mặt với đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 18/11, toàn thành phố ghi nhận 13.437 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng ghi nhận 1.043 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện còn 127 ổ dịch đang hoạt động tại 21 quận, huyện.

Đan Phượng, Thanh Oai, Đống Đa, Hà Đông, Thường Tín… là những khu vực đứng hàng đầu về số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay.

Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 19

Đặc biệt, từ tuần 40 (tháng 10) ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao trên 1.000 ca/tuần, cao hơn nhiều so với năm 2021 và trung bình 3 năm 2019 - 2021.

Chỉ tính riêng tuần 47, Thủ đô đã ghi nhận thêm 1.435 ca mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước, số ca mắc tăng 4,1%.

Các ca bệnh ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, Hà Đông, Đống Đa, Thanh Trì là những địa bàn ghi nhận số ca mắc mới cao (trên 100 ca).

Trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận thêm 72 ổ dịch mới, trải rộng trên 16 quận, huyện.

Sốt xuất huyết cũng đã vượt Covid-19 để trở thành dịch bệnh có số bệnh nhân mắc mới cao nhất tại Hà nội.

Một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài như tại: Phùng Xá, Thạch Thất; Hồng Dương, Thanh Oai; thị trấn Phú Xuyên; Tam Hiệp, Phúc Thọ.

Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 21

Các chuyên gia nhận định, một trong những nguyên nhân khiến các ổ dịch diễn biến kéo dài là do công tác phát hiện bệnh nhân muộn, bỏ sót bệnh nhân, xử lý ổ dịch vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Theo TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, với đặc điểm của thời tiết hiện nay thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh, bên cạnh đó vào đầu tháng 10 số lượng học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố về Hà Nội nhập học đông, tiềm ẩn nguy cơ mắc sốt xuất huyết rất cao.

Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 23

Đặc biệt, chu kỳ của dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát thành dịch sau 5 năm một lần. Trước đó, dịch sốt xuất huyết lớn nhất gần đây là vào năm 2017. Vì vậy, theo chu kỳ năm 2022 sốt xuất huyết có thể lại bùng phát thành dịch.

Đáng chú ý, theo thống kê của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch.

Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội, trong thời gian tới, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường nên việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch là hết sức quan trọng.

Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 25

Hà Nội đã có dự báo từ sớm, từ xa về dịch sốt xuất huyết; thường xuyên cập nhật, đánh giá diễn biến tình hình dịch trên thế giới cũng như tại Việt Nam và Hà Nội.

Từ đó, thành phố đã đưa ra những chỉ đạo kịp thời đến các địa phương. Công tác xây dựng kế hoạch theo từng tình huống dịch đã được thành phố, Sở Y tế và các đơn vị xây dựng và ban hành ngay từ đầu năm.

Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 27

Để chặn dịch sốt xuất huyết, thành phố đã triển khai hàng loạt các biện pháp chống dịch đồng bộ. Đáng chú ý, đến nay thành phố đã thực hiện hơn 1.400 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã thực hiện gần 200 chiến dịch phun diện rộng chủ động phòng, chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện.

Ghi nhận tại quận Hà Đông (một trong những "điểm nóng" về sốt xuất huyết), sau đợt phun hóa chất diệt muỗi ở những khu vực trọng điểm, quận tiếp tục thực hiện chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi diện rộng xuyên suốt tháng 11 và tháng 12.

Ông Trương Kỳ Phong - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hà Đông chia sẻ: "Hiện quận đang tiến hành chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi đêm từ 17h đến 7h sáng. Chiến dịch sẽ thực hiện liên tục trong 34 đêm ở 17 phường, mỗi phường 2 lần".

Để chủ động kiểm soát mật độ côn trùng không để bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì cũng đã triển khai phun hóa chất diện rộng nhằm phòng chống sốt xuất huyết.

Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 29

Theo kế hoạch, trung tâm y tế triển khai chiến dịch từ 8/11 đến 30/11.

Đến hết 30/11, trung tâm phấn đấu trên 95% số hộ dân trong khu vực nguy cơ cao được phun hóa chất trong đó tối thiểu 90% số hộ gia đình được phun hóa chất triệt để.

Tại huyện Quốc Oai, trung tâm y tế huyện cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch phun hóa chất chủ động phòng, chống sốt xuất huyết tại các khu vực nguy cơ cao trên địa bàn. Theo kế hoạch chiến dịch phun hóa chất được tiến hành từ ngày 14/11 - 10/12 trên tổng số 11 xã/thị trấn với 7000 hộ dân, mỗi xã/thị trấn sẽ được phun 2 lần.

Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 31

Theo một báo cáo mới đây của các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, số người bệnh mắc sốt xuất huyết phải nằm điều trị nội trú khoảng hơn 1.400 người bệnh.

Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 33

Trong đó số ca có diễn biến triệu chứng nặng chiếm khoảng 5% (70-80 ca) như vậy năng lực điều trị của các bệnh viện vẫn đáp ứng được nhu cầu của người bệnh (hơn 1.300 giường bệnh hồi sức cấp cứu trên toàn bộ địa bàn thành phố).

Sở Y tế cũng đã có công văn chỉ đạo các bệnh viện sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; bảo đảm cung ứng thuốc, máu và chế phẩm của máu, trang thiết bị, nhân lực cho công tác điều trị người bệnh sốt xuất huyết.

Tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt người bệnh đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ, ngày lễ để phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo, chuyển độ điều trị kịp thời hoặc chuyển lên tuyến trên.

Sở Y tế cũng chỉ đạo 4 bệnh viện đa khoa hạng I, bệnh viện chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa Đống Đa) tổ chức các buổi đào tạo tập huấn cho cán bộ y tế trong toàn hệ thống y tế thành phố (bao gồm các đơn vị công lập và ngoài công lập) về phác đồ chẩn đoán, điều trị người bệnh sốt xuất huyết để các đơn vị nâng cao năng lực, chủ động được trong các tình huống dịch nếu có bùng phát.

Phối hợp với các chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức 1 buổi bình bệnh án đối với một số người bệnh sốt xuất huyết tử vong. Phân tích, đánh giá các nguy cơ; rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, phát hiện sớm các trường hợp chuyển nặng.

Từ kinh nghiệm của mô hình phân tuyến, phân tầng điều trị người bệnh Covid-19 trong 2 năm vừa qua, Sở Y tế Hà Nội cũng giao các bệnh viện trên địa bàn phải chủ động đáp ứng việc điều trị người bệnh tại chỗ; đảm bảo đủ nguồn thuốc, vật tư, dịch truyền để điều trị người bệnh.

Hà Nội giữa làn sóng dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm - 35

Nội dung: Minh Nhật

Ảnh: Mạnh Quân - Minh Nhân

Thiết kế: Đỗ Diệp