Sốt xuất huyết trở nặng nhanh bất thường, có bệnh nhân nguy kịch sau 3 ngày
(Dân trí) - Đợt dịch sốt xuất huyết năm nay ghi nhận nhiều ca bệnh nặng, tử vong, trong đó có cả những người trẻ tuổi.
Cả nước đang trải qua đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 300.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 112 ca tử vong.
Tại Hà Nội, liên tục trong 6 tuần qua đều ghi nhận hơn 1000 ca mắc mới/tuần. Sốt xuất huyết cũng đã vượt Covid-19 để trở thành dịch bệnh có số bệnh nhân mắc mới cao nhất tại Thủ đô.
Đợt dịch sốt xuất huyết năm nay ghi nhận nhiều ca bệnh nặng, tử vong trong đó có cả những người trẻ tuổi.
Đáng chú ý, trao đổi với PV Dân trí, BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết có tốc độ diễn biến nặng nhanh bất thường, thậm chí có trường hợp rơi vào sốc chỉ trong 3 ngày.
Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết chuyển nặng
PV: Bác sĩ có thể chia sẻ về tình hình điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện?
BS Phạm Văn Phúc: Từ tháng 10, chúng tôi ghi nhận số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng vọt. Hiện tại, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận 10 - 20 ca sốt xuất huyết. Tính chung cả 2 cơ sở hiện có hơn 100 ca bệnh sốt xuất huyết đang điều trị.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là cơ sở điều trị tuyến cuối về bệnh truyền nhiễm, nên những bệnh nhân vào đây đa phần đều có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân nặng, nguy kịch.
So với đợt bùng phát mạnh dịch sốt xuất huyết vào năm 2017, bác sĩ có đánh giá như thế nào về tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong của vụ dịch năm nay?
Tính đến thời điểm hiện tại, số bệnh nhân sốt xuất huyết đã ghi nhận vẫn thấp hơn đợt bùng dịch cách đây 5 năm (2017). Để có kết luận chính xác, chúng ta cần phải chờ số liệu thống kê khi kết thúc năm.
Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, có vẻ như tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong trong vụ dịch năm nay cao hơn năm 2017.
Theo bác sĩ, nguyên nhân nào dẫn đến việc tăng tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong trong vụ dịch năm nay?
Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân diễn biến nặng. Theo tôi có thể kể đến một số vấn đề như bệnh nhân chủ quan không đến viện kịp thời; tình trạng dịch chồng dịch khiến bệnh nhân đồng nhiễm nhiều bệnh, các triệu chứng chồng chéo dẫn đến chẩn đoán nhầm nên không điều trị đúng, kịp thời.
Ngoài ra, một số vấn đề vấn đề cũng được đặt ra như độc lực của type virus dengue bị thay đổi theo thời gian dài của dịch bệnh hay sự thay đổi hệ miễn dịch của cơ thể sau khi bị Covid-19. Để có thể đưa ra kết luận phải cần có các nghiên cứu đánh giá.
Bệnh diễn biến nhanh bất thường, có ca rơi vào sốc chỉ sau 3 ngày
Có điểm chung nào ở những ca sốt xuất huyết diễn biến nặng, tử vong mà bệnh viện đã tiếp nhận điều trị?
Một tình trạng đáng báo động là chúng tôi ghi nhận một số lượng lớn các ca bệnh sốt xuất huyết có thời gian chuyển biến nặng rất nhanh. Đây là một dấu hiệu khá là khác biệt so với những vụ dịch trước.
Trong số 14 bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong được nghiên cứu, có đến 50% bệnh nhân có dấu hiệu sốc từ rất sớm. Cụ thể, nhiều bệnh nhân đã đi vào tình trạng sốc từ ngày thứ 3 mắc bệnh. Trong khi thông thường, bệnh nhân thường rơi vào tình trạng này ở ngày thứ 5 - 7.
Một điểm chung khác của các trường hợp diễn biến nặng và tử vong mà chúng tôi đã tiếp nhận là bệnh nhân vào viện quá muộn.
Các bệnh nhân tử vong đều được chuyển từ tuyến dưới lên. Có bệnh nhân vào viện đã rơi vào tình trạng sốc, thậm chí là ngừng tim.
Mới đây, chúng tôi vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 22 tuổi, được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng rất nặng nề: sốc, thiếu máu nặng và đã từng một lần ngừng tim. Chúng tôi đã làm đủ mọi cách nhưng vẫn không thể cứu sống bệnh nhân.
Một trường hợp khác cũng nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch được cấp cứu và can thiệp thở máy. May mắn là bệnh nhân đáp ứng điều trị và đang có dấu hiệu phục hồi.
Những dấu hiệu "báo động đỏ" cần chú ý
Nhiều người dân có quan niệm khi có triệu chứng xuất huyết mới vào viện, còn nếu chỉ bị sốt đơn thuần có thể tự chữa tại nhà, bác sĩ đánh giá như thế nào?
Về mặt khái niệm lâu nay chúng ta vẫn gọi là "Sốt xuất huyết dengue". Điều này vô tình khiến người dân chủ quan nghĩ rằng, cứ phải có triệu chứng xuất huyết thì mới là sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, cần biết rằng, rất nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết không hề xuất huyết nhưng vẫn bị giảm tiểu cầu rất nặng và tử vong.
Vì vậy, rất mong trong thời gian tới chúng ta sẽ thay đổi khái niệm, chỉ gọi là "Sốt dengue", để người dân chú ý hơn tránh vào viện muộn.
Ngoài ra, cần chú ý, sốt xuất huyết có những dấu hiệu cảnh báo trước. Nếu bệnh nhân không đến viện kịp thời bệnh sẽ diễn biến nặng rất nhanh. Diễn biến này tính bằng giờ, bằng phút.
Do đó, với những trường hợp mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không chủ quan tự điều trị tại nhà, mà cần đi khám và có sự giám sát của bác sĩ.
Việc bệnh nhân tự ý điều trị theo triệu chứng là rất nguy hiểm. Ví dụ có trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết thấy mệt nên tự đi truyền dịch. Tuy nhiên, nếu chẳng may bệnh nhân có tình trạng tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng, truyền thêm dịch vào sẽ rất nguy hiểm.
Đâu là những dấu hiệu chuyển nặng bệnh nhân cần lưu ý, thưa bác sĩ?
Các triệu chứng lâm sàng cảnh báo sốt xuất huyết chuyển nặng có thể kể đến như: mệt lả đi, nôn mửa, đi ngoài phân đen, chảy máu chân răng, chảy máu mũi không cầm được. Ngoài ra, có một số dấu hiệu cảnh báo khác mà chỉ khi đến bệnh viện kiểm tra mới có thể phát hiện ra như hạ tiểu cầu, gan to.
Do đó, tôi một lần nữa nhấn mạnh, khi bị sốt xuất huyết bệnh nhân tuyệt đối không chủ quan mà cần đến bệnh viện, thăm khám để được bác sĩ tư vấn, điều trị.
Hội nghị khoa học toàn quốc về Truyền nhiễm và HIV/AIDS năm 2022 diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/11.
Hội nghị do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phối hợp với Hội Truyền nhiễm Việt Nam và Hội Y khoa lâm sàng HIV/AIDS Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của hơn 800 đại biểu trong và ngoài nước.
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đây là cơ hội tốt để các nhà quản lý, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các bác sĩ, điều dưỡng thuộc chuyên ngành truyền nhiễm và các chuyên ngành liên quan được cập nhật thông tin, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong các lĩnh vực công tác của mình sau thời gian dài nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm.
Hơn 200 báo cáo khoa học từ các đơn vị trong cả nước đã gửi tới hội nghị, trong đó có 66 báo cáo xuất sắc được lựa chọn trình bày.