Hà Nội thêm 72 ổ dịch và 2 người tử vong vì sốt xuất huyết

Minh Nhật

(Dân trí) - CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, Thủ đô đã ghi nhận thêm 1.435 ca mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước, số ca mắc tăng 4,1%.

Các ca bệnh ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, Hà Đông, Đống Đa, Thanh Trì là những địa bàn ghi nhận số ca mắc mới cao (trên 100 ca).

Trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận thêm 72 ổ dịch mới, trải rộng trên 16 quận, huyện.

Đáng chú ý, trong tuần qua, Hà Nội tiếp tục ghi nhận 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết.

sot_xuat_huyet2

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết (Ảnh: Minh Nhân).

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 14.872 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 ca tử vong. Số ca mắc tăng gấp 4,5 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021.

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 561/579 xã, phường, thị trấn. Túyp virus Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1 và DENV2, DENV4.

Hà Nội cũng đã phát hiện tổng cộng 1.160 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại, còn 153 ổ dịch đang hoạt động tại 22 quận, huyện. Trong đó, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân như: Thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất; thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất; thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai; thôn Thao Nội, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên.

CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Cũng theo CDC Hà Nội, trong thời gian tới, công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tập trung vào việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại những nơi đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao.

sot_xuat_huyet

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, phương pháp chính để kiểm soát số luợng muỗi là giảm thiểu các khu vực có nước đọng, là nơi đẻ trứng của muỗi.

Đồng thời, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Đáng chú ý, trao đổi với PV Dân trí, BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết có tốc độ diễn biến nặng nhanh bất thường, thậm chí có trường hợp rơi vào sốc chỉ trong 3 ngày.

"Trong số 14 bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong được nghiên cứu, có đến 50% bệnh nhân có dấu hiệu sốc từ rất sớm. Cụ thể, nhiều bệnh nhân đã đi vào tình trạng sốc từ ngày thứ 3 mắc bệnh. Trong khi thông thường, bệnh nhân thường rơi vào tình trạng này ở ngày thứ 5 - 7.

Một điểm chung khác của các trường hợp diễn biến nặng và tử vong mà chúng tôi đã tiếp nhận là bệnh nhân vào viện quá muộn", BS Phúc cho hay.

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, phương pháp chính để kiểm soát số lượng muỗi là giảm thiểu các khu vực có nước đọng, là nơi đẻ trứng của muỗi.

Người dân cần đậy kín các dụng cụ chứa nước, giảm tối đa các vật dụng có thể chứa nước mưa (lốp xe cũ, chén bát cũ…), hay nước sạch như bình hoa, toilet trong các phòng trống không có người ở, hầm nước ở các chung cư . Có thể dùng các loại sinh vật trong nước tiêu diệt trứng của muỗi.

Bên cạnh đó, các phương pháp bảo hộ cá nhân như mang tất dài, dùng thuốc xua muỗi, tránh những nơi có mật độ véc tơ truyền bệnh cao có tác dụng tốt nhất.