Hà Nội: 3 trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết, có trường hợp phải thở oxy
(Dân trí) - Việc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi mắc sốt xuất huyết cũng được nhận định là rất hiếm tại Việt Nam và trên thế giới.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiếp nhận điều trị cho 3 trường hợp trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết. Trường hợp nhỏ tuổi nhất là bé gái 4 ngày tuổi, hai trường hợp còn lại là bé gái 7 ngày tuổi và bé trai 16 ngày tuổi.
Theo BS Vũ Thị Thu Nga - Trưởng khoa Sơ sinh, đây là lần đầu tiên cơ sở y tế này ghi nhận trường hợp trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết.
Việc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi mắc sốt xuất huyết cũng được nhận định là rất hiếm tại Việt Nam và trên thế giới.
BS Nga thông tin, trường hợp bé 4 ngày tuổi nhập viện trong tình trạng bị vàng da. Tuy nhiên, một ngày sau khi nhập viện, trẻ xuất hiện tình trạng sốt, nhiệt độ lên đến 38,5 độ C.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm, trẻ được xác định dương tính sốt xuất huyết trên nền bệnh vàng da sơ sinh và nhiễm khuẩn sơ sinh.
Sau 3 ngày điều trị, tình trạng của trẻ ổn định. Theo nguyện vọng của gia đình, trẻ được chuyển lên tuyến trên.
Trường hợp trẻ 7 ngày tuổi nhập viện vì suy hô hấp, tím tái. Sau khi nhập viện điều trị, trẻ cũng xuất hiện tình trạng sốt. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ dương tính sốt xuất huyết.
Cũng theo chia sẻ của BS Nga, đây là trường hợp trẻ sinh non tháng (tuần 37) và chỉ nặng 2,6kg nên thể trạng yếu hơn bình thường.
Trẻ được điều trị hồi sức tích cực. Tuy nhiên, 3 ngày sau khi nhập viện, trẻ bị suy hô hấp và đặc biệt có tình trạng cô đặc máu. Các bác sĩ đã phải chỉ định cho trẻ thở oxy, truyền dịch, sử dụng kháng sinh. May mắn là trẻ đáp ứng điều trị tốt và cai thở oxy, thể trạng ổn định.
Trường hợp còn lại (bé trai 16 ngày tuổi) có địa chỉ tại phường Bồ Đề, quận Long Biên. Trẻ có mẹ và bà ngoại đều bị mắc sốt xuất huyết. Sau khi nhập viện trẻ được chỉ định điều trị theo phác đồ và xuất viện sau 3 ngày điều trị.
Từ 3 trường hợp hy hữu này, BS Nga cảnh báo, trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết triệu chứng lâm sàng thường không đặc trưng nên dễ bị nhầm lẫn và bỏ sót.
Trẻ có thể xuất hiện tình trạng sốt hoặc hạ nhiệt độ, sốt kéo dài 3-4 ngày; da tái, phát ban, xuất huyết rải rác hoặc vàng da sớm; trẻ bỏ bú, bụng chướng, nôn, gan to, tiêu chảy, giảm tiểu cầu, men gan tăng...
Trong trường hợp bệnh diễn biến nặng mà gia đình không cho trẻ đến cơ sở y tế kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Đáng ngại hơn, trong trường hợp trẻ đồng nhiễm thêm bệnh khác ngoài sốt xuất huyết như: viêm phế quản, cúm… càng làm tăng nguy cơ trở nặng của trẻ.
"Chính vì vậy, trẻ bị sốt xuất huyết cần được đưa đến viện, không tự theo dõi, điều trị tại nhà", BS Nga khuyến cáo.
Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 18/11, toàn thành phố ghi nhận 13.437 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng ghi nhận 1.043 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện còn 127 ổ dịch đang hoạt động tại 21 quận, huyện.
Đặc biệt, từ tuần 40 (tháng 10) ghi nhận số ca mắc cao trên 1.000 ca/tuần, cao hơn nhiều so với năm 2021 và trung bình 3 năm 2019 - 2021.