DNews

Giáo sư hơn 80 tuổi đoạt giải "Nobel châu Á": Sẽ tiếp tục đi tìm công lý

Hoàng Lê

(Dân trí) - Nhận giải thưởng được ví như giải "Nobel châu Á", Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng khẳng định, dù đã ở tuổi 81, bà vẫn sẽ tiếp tục hành trình đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam.

Giáo sư hơn 80 tuổi đoạt giải "Nobel châu Á": Sẽ tiếp tục đi tìm công lý

Chiều 12/9, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã được lãnh đạo cơ quan này trao hoa chúc mừng, khi bà nhận Giải thưởng Ramon Magsaysay. Đây là giải thưởng có tuổi đời hơn 60 năm, được xem như giải "Nobel châu Á".

Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng sinh năm 1944, được vinh danh vì cống hiến cuộc đời mình để khám phá sự thật về chất độc da cam, hỗ trợ những người bị ảnh hưởng thông qua nghiên cứu và làm việc trong Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA).

Theo Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay, bà đã đưa ra bằng chứng rằng "không bao giờ là quá muộn để sửa chữa sai lầm của chiến tranh, giành lại công lý và cứu trợ cho những nạn nhân bất hạnh của nó".

Giáo sư hơn 80 tuổi đoạt giải Nobel châu Á: Sẽ tiếp tục đi tìm công lý - 1

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng được tặng hoa chúc mừng chiều 12/9 (Ảnh: Hoàng Hùng).

Nguyên là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng cũng tiên phong trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Việt Nam - lĩnh vực mà trước đây bà từng nhận nhiều lời dè bỉu vì cố tìm cách "tạo con" - để mang lại hy vọng cho hàng nghìn gia đình.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với vị Giáo sư đặc biệt trong khuôn khổ buổi gặp mặt ý nghĩa trên.

"Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là nạn nhân da cam"

Xin Giáo sư chia sẻ cảm xúc của mình sau khi bà đạt được Giải thưởng Ramon Magsaysa?

- Trước hết, tôi rất bất ngờ. Các công việc tôi đã làm từ hơn 50 năm nay, nhưng bây giờ lớn tuổi, già rồi lại có tổ chức bên ngoài ghi nhận, trao giải thưởng.

Thứ nhì, nhận giải thưởng cũng là niềm vui. Khi nghe tin mình được giải, điều đầu tiên mà tôi nghĩ đến là các nạn nhân chất độc màu da cam - vì giải thưởng này dành cho tôi với tư cách là người cống hiến suốt đời cho việc điều trị, chứng minh nguyên nhân và hỗ trợ, đòi công lý cho nạn nhân da cam.

Tôi xin nhấn mạnh lần nữa, đó là nạn nhân của dioxin mà tôi đã gặp trong suốt hơn 50 năm vừa qua - những người phải chịu khuyết tật suốt đời không thể điều trị được. Họ, và kể cả người thân của họ đều rất tội nghiệp.

Tôi được biết thời gian qua, dù không nói thẳng vấn đề bồi thường, nhưng mỗi năm Chính phủ Hoa Kỳ đã chi cho các nạn nhân chất độc da cam của họ (các cựu binh Mỹ) hàng tỷ USD.

Họ là người đi rải chất độc hóa học đã được hỗ trợ. Trong khi đó, những người Việt chịu đựng hậu quả của hành động trên lại không được bồi thường. Điều đó không hợp lý, không công bằng. Cần phải đòi công lý, công bằng cho nạn nhân Việt Nam.

Giáo sư hơn 80 tuổi đoạt giải Nobel châu Á: Sẽ tiếp tục đi tìm công lý - 2

Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ tại buổi gặp mặt với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM (Ảnh: Hoàng Hùng).

Theo chia sẻ nêu trên, bản thân Giáo sư có thời gian dài nghiên cứu, đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam. Chắc hẳn, bà đã chứng kiến hàng loạt trường hợp gánh chịu hậu quả tàn khốc về sức khỏe mà dioxin gây ra?

- Rất nhiều. Từ khi tôi mới ngoài 20 tuổi, còn đi đỡ đẻ ở bệnh viện đã thấy các em bé bị dị tật vô sọ, những trẻ khiếm khuyết về mặt, mũi, tay chân, hay nhiều ca không có thành bụng, lòi ruột ra ngoài. Những khuyết tật đáng sợ nhất đều xuất hiện trên trẻ em mình, và những căn bệnh ung thư cũng đã xảy ra ở người lớn trực tiếp bị rải chất hóa học từ trong chiến tranh.

Tôi cùng với các bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ đã làm nhiều nghiên cứu, chứng minh rõ ràng có mối liên hệ nhân - quả giữa chất độc hóa học nói chung, chất độc da cam nói riêng mà không quân Hoa Kỳ rải ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh (từ năm 1961 đến năm 1971, sau đó quân đội của chế độ cũ vẫn tiếp tục rải cho đến năm 1975) với những khuyết tật bẩm sinh và một số loại ung thư mà nạn nhân của chúng ta phải gánh chịu.

Giáo sư hơn 80 tuổi đoạt giải Nobel châu Á: Sẽ tiếp tục đi tìm công lý - 3
Giáo sư hơn 80 tuổi đoạt giải Nobel châu Á: Sẽ tiếp tục đi tìm công lý - 4

Làng Hòa Bình tại Bệnh viện Từ Dũ (đóng cửa vào năm 2019) từng nuôi dưỡng nhiều trẻ bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam (Ảnh: Hoàng Lê).

Giáo sư có nghĩ rằng, ngoài chuyện được công nhận sự cống hiến cho cộng đồng và chuyên môn y khoa, việc đoạt giải thưởng Ramon Magsaysay của bà cũng như một lời khẳng định của quốc tế, rằng hậu quả lâu dài của chất độc da cam mà người dân Việt Nam phải gánh chịu từ chiến tranh là có thật, thay vì vẫn tranh cãi như nhiều năm qua?

- Rõ ràng là như vậy. Ngay cả ở Mỹ, khi tôi được Nhà nước cử sang vào năm 2007 và 2009, trong các phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại của hạ viện Hoa Kỳ, họ có treo băng rôn trước hội trường, với nội dung: "Trách nhiệm bị lãng quên của chúng ta. Chúng ta phải làm gì cho nạn nhân chất độc da cam dioxin".

Nghĩa là, họ đã công nhận trách nhiệm. Và từ năm 1975 đến giờ, họ đã lãng quên.

81 tuổi, tiếp tục hành trình tìm công lý

Trở lại với giải thưởng được mệnh danh là "Nobel châu Á", Giáo sư có phải tiến hành các thủ tục nộp hồ sơ, hay phải chủ động đề nghị để họ xét duyệt?

- Ngày 31/8, họ (đại diện Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay) liên hệ qua mạng thông báo chúc mừng, thì tôi mới biết mình đã đoạt giải. Tôi nghe những người nắm rõ thông tin về giải này, kể cả người trước đây từng nằm trong ủy ban xét duyệt giải thưởng, rằng những thành viên trong tổ chức đã đi kiểm tra và khảo sát nhiều lần, với thời gian cả năm trời. Họ có đội ngũ riêng, và mình hoàn toàn không biết.

Giáo sư hơn 80 tuổi đoạt giải Nobel châu Á: Sẽ tiếp tục đi tìm công lý - 5

Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng là người gắn bó với làng Hòa Bình đặt ở Bệnh viện Từ Dũ, nơi nuôi dưỡng nhiều trẻ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin (Ảnh: Hoàng Lê).

Họ tìm hiểu, thu thập thông tin tại hội nạn nhân chất độc da cam, hỏi những nơi, những người tôi từng làm việc. Và họ còn thu thập thông tin ở cả quốc tế - những nơi có quan tâm đến vấn đề chất độc da cam tại Việt Nam.

Giải thưởng Ramon Magsaysay (RMAF) được đặt theo tên một vị tổng thống của nước Philippines, người rất coi trọng chuyện đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

Vì quy trình xét duyệt tương tự như giải Nobel, người ta mới nói rằng đây là giải Nobel của châu Á.

Ở Việt Nam, trước tôi đã có người nhận giải thưởng này. Như cố Giáo sư Võ Tòng Xuân vừa mất mới đây, đã nhận giải vào năm 1993.

Được nhận giải Ramon Magsaysay chắc hẳn là một sự khích lệ rất lớn về tinh thần. Sắp tới, Giáo sư có dự định thực hiện các hoạt động nào vì cộng đồng sau niềm vui trên không ạ?

- Tôi nghĩ mình sẽ cố gắng đóng góp cho việc hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam nhiều hơn, và cũng muốn vận động người dân, những doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng tham gia. Đồng thời, tôi sẽ tiếp tục việc đi đòi công lý với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam mà tôi từng là Phó Chủ tịch.

Được biết, bà còn là một chuyên gia sản khoa và dành rất nhiều tâm huyết cho lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, thụ tinh trong ống nghiệm. Vậy trong tương lai, bà có dự định gì thêm trong lĩnh vực này?

- Tôi giờ đã 81 tuổi rồi. Hiện nay, Việt Nam đã có một lớp bác sĩ trẻ, nhỏ tuổi hơn tôi nhiều nhưng rất giỏi, đã được thế giới công nhận trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, được mời đi giảng dạy với cấp bậc rất cao. Các kỹ thuật chuyên sâu nhất, hiện đại nhất về hỗ trợ sinh sản và IVF, Việt Nam chúng ta đều đã thực hiện được.

Giáo sư hơn 80 tuổi đoạt giải Nobel châu Á: Sẽ tiếp tục đi tìm công lý - 6

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (hàng dưới, thứ hai từ phải sang) rạng rỡ trong buổi kỷ niệm 25 năm ngày 3 em bé ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam chào đời (Ảnh: Hoàng Lê).

Trách nhiệm phát triển, nghiên cứu thêm trong tương lai sẽ được giao cho các em, để tiếp tục phát hiện và đưa ra những biện pháp điều trị, chẩn đoán mới tốt hơn. Mục tiêu cuối cùng là giúp đem lại niềm hạnh phúc có con cho những người hiếm muộn.

Chân thành cảm ơn những chia sẻ đầy tâm huyết của Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng!

Từ năm 1957, Giải thưởng Ramon Magsaysay đã được trao cho hàng trăm cá nhân và tổ chức "phục vụ quên mình vì sự phát triển của các dân tộc châu Á".

Lễ trao Giải thưởng Ramon Magsaysay lần thứ 66 sẽ được tổ chức ngày 16/11 tại Nhà hát Metropolitan ở Manila, Philippines.

Ngoài Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, giải thưởng năm nay còn tôn vinh ông Karma Phuntsho (Bhutan), bà Farwiza Farhan (Indonesia), ông Miyazaki Hayao (Nhật Bản) và Phong trào hỗ trợ người nghèo ở nông thôn của một nhóm bác sĩ Thái Lan.