Vụ trưởng Đinh Anh Tuấn: Có việc "lấy phôi của vợ thụ tinh cho bồ"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Vụ Trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết, thực tế có đủ các sự việc xảy ra, như buôn bán tinh trùng và trứng, đẻ thuê, buôn bán trẻ con, tráo noãn phôi, thậm chí lấy phôi của vợ thụ tinh cho bồ…

Tại buổi ra mắt hoạt động Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản của bệnh viện đóng trên địa bàn quận 7 (TPHCM), thạc sĩ, bác sĩ Đinh Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, đầu tư vào IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) không dễ, bởi đây là lĩnh vực kỹ thuật cao.

Vụ trưởng Đinh Anh Tuấn: Có việc lấy phôi của vợ thụ tinh cho bồ - 1

Vụ Trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế (bìa phải) trao giấy phép hoạt động Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản cho bệnh viện (Ảnh: BV).

Hiện nay, nước ta đã làm được nuôi cấy tinh tử, dẫn đầu trong kỹ thuật nuôi cấy trưởng thành noãn non, thực hiện được các kỹ thuật như xử lý lạc nội mạc tử cung….

Với bệnh viện nêu trên, ông đánh giá cao việc đầu tư đồng bộ, không chỉ IVF mà còn nam khoa, sản khoa, chăm sóc sơ sinh...

Đặc biệt, bệnh viện đã ứng dụng rất nhiều công nghệ để nhận diện, có hệ thống phòng Lab hiện đại để chống nhầm lẫn, tội phạm, khi thực tế có đủ các sự việc xảy ra, như buôn bán tinh trùng và trứng, đẻ thuê, buôn bán trẻ con, tráo noãn phôi, thậm chí lấy phôi của vợ thụ tinh cho bồ (nhân tình)…

Vụ trưởng Đinh Anh Tuấn: Có việc lấy phôi của vợ thụ tinh cho bồ - 2

Hệ thống timelapse ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI giúp quan sát và lựa chọn phôi (Ảnh: BV).

Ông Tuấn nhận định, bệnh viện cần phải tiếp tục đầu tư phát triển, giám sát kiểm tra nội bộ, phòng chống việc tuồn tinh trùng ở ngoài vào, không để xảy ra việc "tiếp tay cho tội phạm".

Bên cạnh đó, khi trẻ sinh bằng phương pháp IVF nhiều lên thì tỷ lệ đa thai, sinh non, nhẹ cân cũng nhiều hơn. Vì vậy, bệnh viện cần cố gắng duy trì đơn nguyên nhi khoa, sơ sinh, đảm bảo sự chăm sóc liên tục theo vòng đời của trẻ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc bệnh viện vừa ra mắt Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản cho biết, theo y văn, nhóm những bà mẹ có điều trị hỗ trợ sinh sản sẽ có khả năng đa thai nhiều hơn, nguy cơ sinh non cao hơn những bà mẹ mang thai tự nhiên 2-4 lần.

Để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn sản khoa, bệnh viện rất xem trọng đầu tư phòng mổ, đào tạo cho nhân viên y tế theo hướng dẫn của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, cũng như triển khai các chương trình để đồng hành cùng gia đình, giúp trẻ phát triển tâm hồn, thể chất toàn diện, phòng ngừa bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam là 7,9% số cặp vợ chồng. Đến nay, có gần 200.000 em bé ra đời tại Việt Nam nhờ hỗ trợ sinh sản, khoảng 400-500 trẻ chào đời bằng phương pháp mang thai hộ.